MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

IPO SASCO: Giá trúng bình quân 19.330 đồng, cao gần gấp đôi giá khởi điểm

Một nhà đầu tư đã đặt mua 31 triệu cổ phần tại mức giá 19.200 đồng - mức giá trúng thấp nhất.

Sáng nay, HoSE đã tổ chức phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất – SASCO. Toàn bộ 31,1 triệu cổ phiếu đem đấu giá đã được đặt mua hết với giá trúng bình quân là 19.330 đồng/cp, cao hơn 93% so với giá khởi điểm. Tổng số tiền thu về đạt hơn 601 tỷ đồng.

Đợt IPO của SASCO là phiên đấu giá cổ phần có quy mô lớn nhất và nhận được sự quan tâm nhất từ đầu năm đến nay khi mà lượng đặt mua lên đến 145 triệu cổ phần, gấp gần 5 lần lượng đấu giá.

Theo HoSE, giá trúng bình quân cao nhất là 35.000 đồng/cp và giá trúng thấp nhất là 19.200 đồng/cp.

Cũng tại mức giá 19.200 đồng, một nhà đầu tư đã đặt mua 31 triệu cổ phần, tương đương 99% lượng đấu giá.

Bên cạnh đó còn có 20 triệu cổ phần đặt mua tại mức giá 12.400 đồng và 14,5 triệu cổ phần đặt mua tại mức giá 15.200 đồng – các mức giá này đều không trúng giá.

Kết quả đặt mua cổ phần
Ba mức giá đặt mua cao nhất và 3 mức giá có khối lượng đặt mua cao nhất

Ông lớn kinh doanh dịch vụ tại sân bay

Sasco là một trong những doanh nghiệp lớn nhất hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ tại sân bay với các hoạt động chính bao gồm kinh doanh cửa hàng miễn thuế, nhà hàng ẩm thực, phòng khách thương gia, dịch vụ vận chuyển…

Năm 2013, Sasco đạt doanh thu 2.008 tỷ đồng và lãi sau thuế 92 tỷ đồng.

Nhóm công ty của ông Jonathan Hạnh Nguyễn trở thành cổ đông chiến lược

Đồng thời với việc bán đấu giá công khai, Sasco dự kiến sẽ chào bán 31.034.000 cổ phần, tương đương 23,6% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược. Nhóm công ty liên quan đến ông Jonathan Hạnh Nguyễn đã đăng ký mua toàn bộ số cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược, gồm:

- Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP): mua 21.040.000 cổ phần, tương ứng 16% vốn điều lệ.

- Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC): mua 6.575.000 cổ phần, tương ứng 5% vốn điều lệ.

- Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Châu Âu (ACFC): mua 3.419.000 cổ phần, tương ứng 2,6% vốn điều lệ.

Để trở thành cổ đông chiến lược của Sasco, 3 công ty trên phải chi ra ít nhất là 310,3 tỷ đồng. Theo Sasco, những đối tác này có thể hỗ trợ công ty trong việc phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh hàng cao cấp, xây dựng hệ thống phân phối các thương hiệu nổi tiếng.

Hệ thống Imex Pan Pacific hiện là nhà phân phối của nhiều thương hiệu cao cấp như rượu Moet-Hennessy, Camus; nước hoa Chanel; các nhãn hàng thời trang Burberry, Nike, CK, Salvatore Ferragamo, Versace… cũng như là đối tác nhận nhượng quyền của nhiều chuỗi nhà hàng như Thai Village, Illy Café, Burger King, Domino Piazza…

Trong khi đó, kinh doanh cửa hàng miễn thuế (Duty Free) tại sân bay vốn là một trong những nguồn thu quan trọng của Sasco đồng thời là lĩnh vực mà Imex Pan Pacific có nhiều kinh nghiệm. Do đó, việc nhóm công ty của ông Hạnh Nguyễn đầu tư vào Sasco có thể giúp cả 2 bên cùng phát triển.

Các tài liệu liên quan đợt IPO của Sasco

Kiến Khang

duchai

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên