MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

IPO Vocarimex, có nên theo chân KDC đầu tư?

KDC đã chuẩn bị nguồn vốn 1.877 tỷ đồng (phát hành thêm) nhưng chỉ mới sử dụng 330 tỷ đồng để mua 24% cổ phần của Vocarimex. Không loại trừ khả năng Kinh Đô sẽ tiếp tục nâng cao tỷ lệ sở hữu của mình.

Bản tin của CTCK Rồng Việt (VDSC) vừa công bố chia sẻ một góc nhìn mới về thương vụ CTCP Kinh Đô đầu tư vào Vocarimex.

Vào ngày 25/7 tới, Vocarimex sẽ chào bán cổ phần lần đầu (IPO) ra công chúng. Đây là đợt IPO dành được khá nhiều sự quan tâm vì Vocarimex đang nắm giữ các công ty con và liên kết với tổng thị phần trong ngành dầu ăn khoảng hơn 70%. Trong đợt IPO này, Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ tại công ty xuống còn 36%, thay vì 51% trước đây. Vocarimex sẽ bán 32% cho các nhà đầu tư chiến lược là Kinh Đô (24%), VPBS (8%) và 0,88% cho nhân viên, người lao động. Phần còn lại, 31,12% vốn sẽ được bán đấu giá công khai.

Câu hỏi đặt ra là nhà đầu tư có nên đầu tư vào Vocarimex như Kinh Đô không?

Theo các chuyên gia, ngành dầu ăn được đánh giá là triển vọng do nhu cầu dầu thực vật vẫn đang ngày càng tăng lên. Euromonitor đánh giá, dầu ăn ước tính tăng khoảng 7% về sản lượng và khoảng 12% về giá trị trong năm 2013. IPSI ước tính, tiêu thụ dầu thực vật trên đầu người tại Việt nam năm 2011 vào khoảng từ 7,3 – 8,3kg/người, thấp hơn so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (13,5kg/người/năm). Chỉ tiêu này năm 2015 được dự báo sẽ tăng lên mức 14,5kg/người/năm.

Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận của ngành này không cao so với các ngành sản xuất thực phẩm nói chung. Đơn cử, tỷ suất lợi nhuận gộp của TAC và Nakydaco năm 2013 lần lượt là 9,7% và 5,8% so với con số bình quân 23,4 % của ngành sản xuất thực phẩm nói chung. Riêng Vocarimex, tỷ suất lợi nhuận gộp chỉ xoay quanh 3,2 – 3,5%. Nguyên nhân chính được cho là do biến động giá của nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Thành phần chính để sản xuất được dầu ăn chủ yếu là dầu cọ, dầu đậu nành, trong khi những cây cho dầu cung cấp trong nước chủ yếu gồm dừa, lạc, đậu tương và mè. VDSC cho biết, tỷ suất lợi nhuận gộp của hầu hết các công ty sản xuất dầu ăn ở các nước xuất khẩu dầu như Indonesia và Thailand có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn so với các công ty Việt nam. Điển hình như một số công ty bên dưới:

Chênh lệch đáng kể trong tỷ suất của các hai công ty từ Indonesia, nước đứng đầu về xuất khẩu dầu cọ và công ty nhập khẩu nguyên liệu dầu như Việt Nam phần nào gợi ý cho khả năng cải thiện tỷ suất lợi nhuận của các công ty này nếu hướng nguyên liệu được giải quyết. Nhìn vào vai trò của Vocarimex như một nhà nhập khẩu nguyên liệu rồi tinh chế bán lại cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, Vocarimex hẳn có tác động không nhỏ đối với ngành dầu thực vật trong nước.

Theo Kinh Đô, với thế mạnh về hệ thống phân phối, kinh nghiệm marketing, xây dựng thương hiệu và hệ thống quản trị chuyên nghiệp và hiện đại của công ty sẽ giúp nâng cao doanh thu bán hàng và cải thiện chi phí phát sinh trong nhóm công ty liên kết với Vocarimex.

Tuy nhiên, VDSC cho rằng chiến lược của KDC hẳn phải rộng hơn như thế. KDC đã chuẩn bị nguồn vốn lên đến 1.877 tỷ đồng (phát hành thêm) nhưng chỉ mới sử dụng 330 tỷ đồng để mua 24% cổ phần của Vocarimex trong khi công ty tiết lộ trong ĐHCĐ là sẽ không bỏ vốn vào lĩnh vực mì gói mà chỉ hợp tác “toàn diện”. Như vậy, không loại trừ khả năng Kinh Đô sẽ tiếp tục nâng cao tỷ lệ sở hữu của mình.

“Khác với các thương vụ với Tribeco hay Nutifood, người viết có dự cảm tích cực đối với việc tham gia của Kinh Đô vào Vocarimex.” – báo cáo viết.

>>> Thương vụ dầu ăn của Kinh Đô: Mua 24% cổ phần Vocarimex

trangntm

VDSC

Trở lên trên