MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Korea Investment& Securities: "Năm 2014, VN-Index đủ lực tăng 25%"

Dường như các NĐT cá nhân trong nước đang sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ khá cao nhằm tìm kiếm lợi nhuận khi mà chỉ số tăng quá mạnh chỉ trong một thời gian ngắn.

Đó là nhận định của ông Yun Hang Jin- Giám đốc Khối thị trường mới nổi tại Công ty Korea Investment& Securities (Hàn Quốc) trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Thời gian qua, giao dịch trên TTCK Việt Nam đã có sự biến động khá lớn với tính thanh khoản cao, khối lượng giao dịch trên sàn HOSE có ngày đã đạt mức kỷ lục trên 250 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được chuyển nhượng với tổng giá trị trên 4.000 tỷ đồng. Ông nhận định thế nào về sự khởi sắc này?

Gần đây, thanh khoản trên Hose tăng mạnh cho thấy không chỉ nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài và cả các NĐT cá nhân cũng đang tích cực tham gia vào thị trường. Dường như các NĐT cá nhân trong nước đang sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ khá cao nhằm tìm kiếm lợi nhuận khi mà chỉ số tăng quá mạnh chỉ trong một thời gian ngắn. Mặc dù thanh khoản tăng mạnh nhưng các NĐT cũng cần thận trọng, tránh mua bằng bất cứ giá nào, chỉ nên mua ở mức giá hợp lý bởi khả năng sẽ có sự điều chỉnh nhẹ trong ngắn hạn sau thời gian tăng vọt của VN-Index.

Tác động của kinh tế vĩ mô đến TTCK Việt Nam trong năm nay?

Trước hết, chúng ta cần xem xét những yếu tố nào sẽ tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay. Theo tôi, sẽ có 4 yếu tố chính hỗ trợ cho thị trường duy trì đà tăng điểm, đó là tác động của các chính sách thúc đẩy tăng truởng mà Chính phủ thực hiện; hiệu quả của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; kỳ vọng về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang tham gia đàm phán, và cuối cùng là ảnh hưởng của dòng vốn của khối ngoại.

Do đó, một số lĩnh vực mà các NĐT có thể quan tâm bởi có xu hướng phát triển tốt như: nhóm dệt may do kỳ vọng về TPP, nhóm cảng biển sẽ được hỗ trợ từ hoạt động xuất khẩu có khả năng duy trì đà tăng trưởng ở mức tương đối cao, hay một số doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội thuộc nhóm bất động sản. Ngoài ra, NĐT cũng có thể xem xét giải ngân vào nhóm ngành gas bởi vấn đề khí đốt và môi trường sạch hiện nay đang được toàn thế giới quan tâm và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Với kinh nghiệm về các thị trường mới nổi, dự báo của ông về TTCK Việt Nam thời gian tới?

Năm 2013, VN-Index đã tăng được 22% và tiếp tục tăng thêm 13,4% (tính đến ngày 14/2) trong 2 tháng đầu năm. Đây là mức tăng trưởng đáng nể nếu so sánh với mức suy giảm 5% trong năm 2013 và giảm 4,5% trong 2 tháng đầu năm của chỉ số chứng khoán MSCI Emerging Index (chỉ số chung tại các thị trường mới nổi).

Năm 2014, mặc dù kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động do Hoa Kỳ thực hiện cắt giảm gói QE 3 và Trung Quốc tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế, thị trường khối các nước mới nổi như Brazil, Ấn Độ, Indonesia… đang lâm vào tình trạng bất ổn về tài chính nhưng Việt Nam lại có xu hướng chuyển động ngược chiều, nghĩa là kinh tế vẫn tiếp tục hồi phục và tình hình tài chính vẫn khá ổn định. Điều này thu hút sự quan tâm của các NĐT nước ngoài tìm đến đầu tư. Theo số liệu thống kê, vốn FDI vào Việt Nam tháng 1/2014 đạt 465 triệu USD tăng 4% so với cùng kỳ.

Trên cơ sở đó, tôi cho rằng năm nay, khả năng TTCK Việt Nam vẫn tiếp tục bứt phá. Dự báo, VN-Index vẫn còn đủ lực để tăng thêm khoảng 25% so với cuối năm ngoái lên mức trên 650 điểm.

Xin cảm ơn ông!

Theo Tạ Anh

trangntm

Báo Công thương

Trở lên trên