MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lựa chọn lúc này là cách thức thoái vốn

Có lẽ lý tưởng nhất là các DNNN tự bán phần vốn này của mình mà không cần đến sự trợ giúp nào.

Xung quanh vấn đề thoái vốn khỏi lĩnh vực tài chính - ngân hàng của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, Thời báo Ngân hàng đã có cuộc phỏng vấn TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng để làm rõ vấn đề này.

Đánh giá chung của ông về các giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thể hiện ở Nghị quyết 15/NQ-CP ngày 6/3?

Nghị quyết cho thấy sự thông thoáng hơn, giúp giải quyết được vướng mắc lớn nhất là việc cho phép các DNNN thoái vốn dưới mệnh giá hay nói cách khác là theo giá thị trường. Việc thoái vốn lâu nay chủ yếu tắc ở khâu đó. Một khó khăn khác là TTCK những năm vừa qua cũng luôn ở trong tình trạng “èo uột”. Bây giờ thì cơ bản cả 2 bế tắc ấy đều được tháo gỡ nên kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiến trình tái cấu trúc và cổ phần hóa DNNN.

Vấn đề là số lượng thoái còn khá nhiều, lên tới gần 18 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, có những phần vốn thua lỗ thì đương nhiên thuộc diện phải thoái vốn rồi, nhưng còn những phần vốn đầu tư ngoài ngành đang làm ăn có lãi thì tính toán thế nào? Trong “ý đồ” của Nghị quyết này thì có thể thấy, cả lỗ và lãi đều sẽ phải thoái. Trong đó, phần có lãi thì sẽ dễ dàng thoái hơn và phần đang thua lỗ.

Việc thoái vốn khỏi lĩnh vực tài chính - ngân hàng, theo ông cách thức nào là tốt nhất?

Có lẽ lý tưởng nhất là các DNNN tự bán phần vốn này của mình mà không cần đến sự trợ giúp nào. Trong bối cảnh những khâu tắc như trên đã được tháo gỡ thì khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra và nó phụ thuộc nhiều vào sự chủ động của các DNNN.

Còn trong trường hợp không thoái được như vậy thì phần vốn này có thể bán cho NHTM Nhà nước hoặc NHTM Nhà nước sẽ chủ động tìm mua lại.

Tuy nhiên theo quy định, tổng mức góp vốn, mua cổ phần của TCTD trong tất cả các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, dự án đầu tư, TCTD khác và góp vốn, mua cổ phần của công ty trực thuộc của TCTD không được vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của TCTD?

Thực ra cũng không có gì đáng băn khoăn vì lượng vốn này không phải quá lớn và các NHTM Nhà nước vẫn còn room để mua lại.

Trong trường hợp đã quyết định cho NHTM Nhà nước mua lại thì NHNN có thể yêu cầu cùng lúc mấy NHTM Nhà nước vào mua chung phần vốn đó hoặc sẽ sẵn sàng xem xét cho nới room lên trên mức 40% hiện nay (tất nhiên sẽ kèm thêm điều kiện sau một thời gian phải lùi về 40% và lúc đó NHTM Nhà nước đó có thể mua phần vốn này nhưng sẽ thoái ở chỗ khác cho phù hợp).

Việc NHTM Nhà nước tham gia mua lại như vậy có lo làm gia tăng vấn đề sở hữu chéo?

Không lo. Chỉ lo sở hữu chéo (SHC) khi không minh bạch. Còn đây rõ ràng là minh bạch. Mua bán này dứt khoát phải minh bạch. NHTM Nhà nước sẽ phải minh bạch về việc đang sở hữu bao nhiêu % vốn ở những tổ chức tài chính nào, tổng room đã quá 40% hay chưa. Quan trọng hơn nữa, NHNN chính là chốt chặn và sẽ kiểm soát rất chặt vấn đề này. Họ sẽ chỉ được mua phần vốn trên nếu đảm bảo về room 40% và các quy định liên quan đến SHC.

Nhưng nếu NHTM Nhà nước không mua lại thì phải chuyển về NHNN làm đại diện chủ sở hữu thì theo ông liệu có khả thi?

Theo tôi, việc làm này cũng có nhiều thuận lợi, ở chỗ NHNN là người hiểu biết tốt nhất về ngành Ngân hàng, về chính ngân hàng đó nên mức độ tham gia quản lý, điều hành với ngân hàng đó sẽ tốt hơn Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Bên cạnh đó, NHNN với tư cách Bộ chủ quản sẽ có tiếng nói mạnh hơn. Hơn nữa, sau này nếu NHNN có muốn bán phần vốn đó ra thì các NHTM cũng sẽ mặn mà mua hơn là mua từ SCIC.

Nhưng việc chuyển giao các phần vốn này qua NHNN cũng có những điểm khó khăn, không thuận bởi các vấn đề như về nguồn nhân lực; định giá hay NHNN vừa là người quản lý, vừa có tính chất tham gia điều tiết kinh doanh… Hơn nữa, NHNN cũng phải có lộ trình thoái vốn khi thị trường tốt hơn vì NHNN rõ ràng không thể kinh doanh về lâu dài được mà đây chỉ là thời điểm NHNN phải cứu, phải tham gia can thiệp.

Nghị quyết 15 cũng nêu rõ, trong trường hợp các biện pháp trên vẫn không giúp thoái vốn thành công thì SCIC sẽ xem xét mua lại. Liệu có hạn chế nào liên quan đến “phương án cuối cùng” này?

Sẽ có những vấn đề không thuận đặt ra mà một phần như tôi đã đề cập ở trên. Sẽ có những khó khăn với SCIC, nổi lên là 1/Chuyên môn chuyên ngành, nguồn nhân lực để tham gia quản lý những ngân hàng, công ty tài chính đó; đặc biệt là nhân lực có chuyên môn về tài chính ngân hàng; 2/ Nguồn lực tài chính; 3/ Ảnh hưởng đến cấu trúc danh mục đầu tư của SCIC; 4/ SCIC cũng phải tính đến bài thoái vốn về lâu dài.

Tóm lại, liên quan đến vấn đề thoái vốn này, cần quan tâm đến những vấn đề gì thưa ông?

Có mấy vấn đề cần quan tâm: Thứ nhất, cần sắp xếp thứ tự ưu tiên bán như trao đổi ở trên; Thứ hai, việc mua bán này phải công khai minh bạch để tránh lo ngại rằng tiền sẽ chạy lòng vòng từ ông này sang ông kia; Thứ ba, cần có đơn vị trung gian định giá độc lập để xem nên mua bán như thế nào; Thứ tư, sau khi mua thì khâu quản trị điều hành như thế nào, làm sao khớp với nhau về quản lý, văn hóa DN, văn hóa quản trị… là những vấn đề cần đặt ra.

Điểm cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh là các DNNN nếu có các phần vốn phải thoái như vậy cần hết sức khẩn trương, tránh hiện tượng diễn ra cảnh dồn ép vào “chợ xế chiều”. Bởi lúc đó, rất dễ xảy ra tình trạng hàng hóa quá nhiều mà ít người mua và lúc đó đương nhiên giá sẽ không được thuận lợi.

Xin cảm ơn TS.

Theo một chuyên gia tài chính ngân hàng, SHC là việc TCTD A (hoặc thông qua các công ty con của mình) nắm vốn ở TCTD B, ngược lại TCTD B (hoặc thông qua các công ty con của mình) lại nắm vốn ở TCTD A. Như vậy việc TCTD A sở hữu vốn điều lệ ở TCTD B và vẫn nằm trong khung cấu trúc sở hữu cho phép của Luật TCTD trong khi TCTD B không có sở hữu ngược lại với TCTD A thì đó không phải là SHC.
Theo Đỗ Lê

thanhhuong

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên