MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Margin, những tác động từ quy chế mới

Trên thực tế, quy định về GD ký quỹ, với mục tiêu làm tăng thanh khoản nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho các thành viên chỉ có tác dụng cải thiện thanh khoản nếu GD ký quỹ chưa có.

Với điều kiện các dạng thức khác nhau của giao dịch ký quỹ hiện tại, việc áp dụng các tỷ lệ ký quỹ theo dự thảo quy chế áp dụng từ ngày 1/8 sẽ không gây ra nguy cơ giải chấp với phần lớn khoản đã ký quỹ hiện nay có tỷ lệ ký quỹ 50%.

Trên TTCK Việt Nam, nhu cầu và việc đáp ứng nhu cầu hỗ trợ vốn để đầu tư chứng khoán được biết đến là dịch vụ ký quỹ (margin) cho NĐT đã có từ lâu, trước khi quy định pháp luật điều chỉnh các hoạt động này ra đời.

Với việc Thông tư 74/2011/TT-BTC về giao dịch chứng khoán có hiệu lực thi hành từ 1/8/2011, NĐT có thể sẽ lo ngại về tác động thực tế của các quy định về giao dịch ký quỹ đối với thị trường, khi các CTCK sẽ phải tuân thủ các tỷ lệ yêu cầu trong quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ. Các quy định sẽ ảnh hưởng đến hai tác động chính của dịch vụ ký quỹ là thanh khoản trên thị trường thông qua thay đổi sức mua của NĐT với quy định về tỷ lệ ký quỹ ban đầu; và tác động đến chỉ số giá khi các khoản vay bị xử lý bán bởi các CTCK theo quy định về tỷ lệ ký quỹ duy trì. Trên thực tế, quy định về giao dịch ký quỹ, với mục tiêu làm tăng thanh khoản nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho các thành viên chỉ có tác dụng cải thiện thanh khoản nếu giao dịch ký quỹ chưa có.
 
Trong điều kiện đã có tự phát các hình thức này như hiện nay thì có thể dễ đoán, quy định mới chỉ có tác dụng giảm rủi ro cho các bên tham gia, đồng thời hạn chế tác động hỗ trợ thanh khoản với yêu cầu cao hơn về tài sản đảm bảo.
 
Tỷ lệ ký quỹ ban đầu (nôm na được tính là giá trị vốn bỏ ra trên tổng giá trị vốn và giá trị vay) hiện nay phổ biến ở mức 50%, nghĩa là giá trị khoản vay bằng giá trị vốn của NĐT bỏ ra. Tỷ lệ này đã từng có thời điểm xuống rất thấp trong các năm trước đây, có 1 được vay 5. Rõ ràng, tỷ lệ này càng thấp thì khả năng tăng sức mua tối đa của NĐT càng cao và nhờ đó, tính thanh khoản cũng có cơ hội tăng lên nhiều.
 
Tuy nhiên, điều đó cũng hàm ý rủi ro cho CTCK càng lớn, vì giá trị khoản vay không được đảm bảo bằng giá trị vốn bỏ ra tương ứng của người vay. Theo dự thảo về quy chế hướng dẫn giao dịch mua ký quỹ của UBCK thì tỷ lệ ký quỹ ban đầu là 70%, nghĩa là NĐT được phép vay tối đa 3 phần khi đã có 7 phần để đầu tư chứng khoán. Rủi ro cho bên cho vay giảm xuống và đồng thời sức mua của người vay cũng giảm. Tác động của quy định trong bối cảnh hiện tại là tăng mức an toàn cho CTCK và giảm mức độ đầu cơ của NĐT so với các dịch vụ hỗ trợ tài chính hiện nay.
 

Tỷ lệ ký quỹ ban đầu (%)

Giá trị vốn (tài sản thực có)

Giá trị vay

Tỷ lệ ký quỹ duy trì (%)

Mức giảm

giá trị tổng

tài sản tối đa

Dự thảo quy chế

70

70

30

35

53

Thực tế hiện nay

50

50

50

35

23

 

40

40

60

25

20

 
Một tác động khác mà các NĐT cũng quan tâm là liệu khi có hiệu lực thi hành quy định về giao dịch ký quỹ, với các khoản ký quỹ đã áp dụng, tài sản của họ có nguy cơ bị giải chấp hay không? Điều này phụ thuộc vào sự khác biệt giữa tỷ lệ ký quỹ tối thiểu mà các CTCK hiện đang áp dụng và tỷ lệ ký quỹ tối thiểu (tỷ lệ ký quỹ duy trì) theo quy chế hướng dẫn.
 
Theo dự thảo quy chế thì tỷ lệ ký quỹ duy trì không được thấp hơn 35%, nghĩa là tài sản thực có không được thấp hơn 35% giá trị tổng tài sản theo giá thị trường, nếu thấp hơn thì NĐT phải bổ sung tài sản, hoặc CTCK được quyền bán giải chấp để đưa về tỷ lệ ký quỹ duy trì. Với các dịch vụ hỗ trợ tài chính kiểu ký quỹ hiện tại, tỷ lệ duy trì của các CTCK dao động trong khoảng 25 - 40%. Với tỷ lệ ký quỹ ban đầu phổ biến ở mức 50%, tỷ lệ duy trì trung bình của các CTCK hiện nay cao hơn và ở quanh mức 35%. Tỷ lệ này thấp hơn với các hình thức margin có tỷ lệ ký quỹ ban đầu thấp hơn.

Như vậy, nếu áp dụng theo dự thảo quy chế thì với các khoản vay ký quỹ đã và đang thực hiện, chỉ các khoản vay ký quỹ có tỷ lệ ký quỹ ban đầu thấp hơn 50% (được vay nhiều hơn giá trị vốn) có nguy cơ bị giải chấp nếu tỷ lệ ký quỹ tính theo giá thị trường thấp hơn 35%.

Đối với các khoản vay ký quỹ mới, áp lực bị bán giải chấp đối với NĐT giảm bớt nhiều. Nếu tuân theo dự thảo quy chế thì do giá trị vốn của NĐT bỏ ra ban đầu lớn (70%) khi áp dụng tỷ lệ ký quỹ duy trì là 35% thì giá trị tài sản giảm đến 53% mới bị giải chấp (có 70, vay 30, giá trị tổng tài sản giảm còn 47 thì giải chấp). So với mức hiện nay đang áp dụng phổ biến với tỷ lệ ký quỹ ban đầu 50% và tỷ lệ ký quỹ duy trì 35% thì giá trị tài sản giảm 23% đã thực hiện giải chấp (có 50, vay 50, giá trị tổng tài sản giảm còn 77 thì giải chấp) và tỷ lệ này là 20% đối với  tỷ lệ ký quỹ ban đầu là 40% và tỷ lệ ký quỹ duy trì 25% (có 40, vay 60, giá trị tài sản giảm còn 80 thì giải chấp).

Như vậy, với điều kiện các dạng thức khác nhau của giao dịch ký quỹ hiện tại trên TTCK, việc áp dụng các tỷ lệ ký quỹ theo dự thảo quy chế áp dụng từ ngày 1/8 sẽ không gây ra nguy cơ giải chấp với phần lớn khoản đã ký quỹ hiện nay có tỷ lệ ký quỹ 50%, nhưng có nguy cơ với các khoản ký quỹ có tỷ lệ ký quỹ thấp hơn và giá trị tài sản đã giảm hơn 8%. Đối với các khoản ký quỹ mới sau ngày 1/8, tác động mà NĐT cảm nhận rõ là sức mua khi dùng dịch vụ ký quỹ sẽ giảm xuống, đồng thời áp lực giải chấp chỉ xảy ra khi mức độ giảm giá trị tài sản lớn hơn so với thời gian trước đây.

Theo Hoàng Thị Thanh Thùy - Trưởng phòng Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư, CTCK Tân Việt
ĐTCK

duchai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên