MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mòn mỏi chờ đợi nới room

Thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn mòn mỏi chờ đợi thông tin nới room tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN).

Đề án nới room đã đạt được sự đồng thuận của một số bộ, ngành và đang chờ Bộ Tài chính trình Chính phủ nhưng vẫn chưa thể thông qua ở thời điểm này. Theo đề án mới này, có nhiều ý tưởng mới nhằm khích lệ dòng vốn ngoại chảy nhanh hơn, mạnh hơn vào TTCK Việt Nam.

Trong nỗ lực tăng sức hấp dẫn cho TTCK Việt Nam, đề án nới room của Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước hay đề án Phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết mà HoSE đề xuất là hướng đi mới, nhưng vẫn chưa thể sớm thông qua.

Sản phẩm chống thâu tóm?

Nét mới được sàn giao dịch HoSE đề xuất là Phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (None voting depository receipt - NVDR) mà Thái Lan đang áp dụng rất thành công.

Với đề xuất này, Chính phủ không nhất thiết phải ban hành một quyết định nới room trên mức 49%. Doanh nghiệp (DN) cũng không cần phải phát hành ra một loại hàng hóa khác là cổ phiếu không có quyền biểu quyết, mà thay vào đó chỉ cần cho phép NĐTNN được phép sở hữu các NVDR do một định chế đặc biệt trong nước phát hành. Mỗi NVDR do NĐTNN nắm giữ được hưởng các quyền lợi kinh tế như một cổ phiếu phổ thông, nhưng không có quyền biểu quyết.

Sản phẩm có thể giúp tăng thanh khoản và đáp ứng được nhu cầu giao dịch của NĐTNN đối với các cổ phiếu hết room trên thị trường mà không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. NVDR là phương tiện để các NĐTNN có thể đầu tư vào các DN tiềm năng của Việt Nam để hưởng lợi từ cổ tức, hay từ việc cổ phiếu tăng giá nhưng không quan tâm đến quyền biểu quyết tại DN, từ đó mở ra cơ hội lớn cho DN Việt Nam thu hút vốn ĐTNN, mà vẫn duy trì được quyền kiểm soát tại DN.

Công ty CK Bản Việt nhận định, sản phẩm này có thể được chuyển đổi ngược thành cổ phiếu thông thường, nếu cần thiết và trong room cho phép dành cho khối ngoại. Hơn nữa, nếu được chấp thuận sẽ nhanh chóng được thực hiện vì phát hành theo nhu cầu người mua, trong khi việc phát hành thêm cổ phiếu chỉ có thể thực hiện khi DN có nguyện vọng và được cổ đông chấp thuận.

Trên thị trường cũng có không ít ý kiến nghi ngờ về tính hiệu quả của việc nới room thông qua việc áp dụng cổ phiếu không có quyền biểu quyết tại thị trường Việt Nam. Đại diện Chứng khoán VNDirect (VND) chia sẻ, VND rất ủng hộ việc nới room cho NĐTNN. Cổ phiếu không có quyền biểu quyết đã được quy định trong luật, nhưng quy chế giao dịch như thế nào vẫn chưa có hướng dẫn. Do đó, nếu phương án này được thông qua thì UBCK cần có quy chế hướng dẫn giao dịch rõ ràng và nên tách đây thành một loạt giao dịch riêng để dễ quản lý, các vấn đề như lưu ký, giao dịch không hưởng quyền…

Mở room và tăng cung

Kiến nghị mở room cho các NĐTNN của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) khiến các DN còn đắn đo là có thể bị NĐTNN thâu tóm hoặc nuốt chửng. Các thương hiệu lớn được gây dựng trong nhiều năm sẽ bị biến mất vĩnh viễn.
Lý do VAFI cho rằng lực cản lớn nhất trong vấn đề huy động vốn và thu hút NĐT chiến lược nước ngoài là room hạn chế trở thành rào cản lớn trong việc làm thay đổi cấu trúc cổ đông. Chính điều này khiến các chuyên gia lo ngại làn sóng thâu tóm DN Việt sắp bùng lên, kể cả các thương hiệu lớn đang niêm yết trên TTCK.

Bởi nếu mở room quá 50%, những thương hiệu nổi tiếng như Vinamilk, GAS, FPT... vốn là những DN mà room cho khối ngoại lúc nào cũng "chật căng" và khối ngoại luôn sẵn sàng bỏ tiền ra mua bất cứ khi nào có cơ hội.

Trên thực tế, giá cổ phiếu trên sàn niêm yết đã rớt giá mạnh, thanh khoản cũng giảm mạnh. Hơn nữa, tâm lý NĐT trên sàn luôn dao động khi TTCK hưng phấn thì giá nào cũng rẻ, khi bi quan thì kiểu gì cũng đắt. Một số cổ phiếu bất động sản khi thị trường đóng băng giá vài nghìn cũng chẳng ai mua, nhưng có thông tin hỗ trợ là lại nóng sốt trở lại.

Vì vậy, việc nới room cho NĐTNN đã nghiêng rất nhiều về hướng chấp nhận mở. Tuy nhiên, trước khi quyết định nới room được ban hành, các NĐT trong nước cần được quan tâm để giữ phát triển, bảo vệ thương hiệu lớn của Việt Nam tránh rơi vào tay các NĐTNN hết.

Trong bối cảnh giá cổ phiếu suy giảm mạnh như hiện nay, việc nới tỷ lệ sở hữu tối đa (room) của NĐTNN trong khối ngân hàng TMCP và khối DN chưa niêm yết là một trong những giải pháp kích thích cho TTCK. Nếu giải pháp này được thực hiện, nó sẽ là liều thuốc phát huy tác dụng mạnh nhất vào lúc này.

Một giải pháp nữa được NĐTNN chờ đợi là cần tăng cung hàng hóa chất lượng ra thị trường. Một số chuyên gia kiến nghị Chính phủ cần tăng tốc Chương trình cổ phần hóa thông qua việc xác định một lộ trình mới với các tiêu chí rõ ràng và thời gian cụ thể.

Nếu các tập đoàn, tổng công ty lớn, ngân hàng thực hiện cổ phần hóa và lên sàn sớm thì TTCK sẽ bùng nổ lượng cung cổ phiếu, quy mô thị trường sẽ tăng mạnh và chất lượng hàng hóa sẽ được nâng cao hơn trước. Hiện có rất nhiều quỹ đầu tư nước ngoài sẵn sàng đổ vốn vào TTCK Việt Nam khi có nhiều hàng hóa chất lượng được tung ra thị trường.

Theo Sơn Long

thanhhuong

Thời báo kinh doanh

Trở lên trên