MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

MSCI: Các trở ngại chính của Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn nước ngoài

Theo đánh giá của MSCI, Việt Nam được xếp loại trong danh sách các thị trường sơ khai (Fontior Market) cùng với 3 nước khác ở Châu Á là Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka.

MSCI là một tổ chức quốc tế hàng đầu chuyên cung cấp các công cụ hỗ trợ đầu tư cho các NĐT trên toàn thế giới. Một trong những hoạt động này là MSCI cho ra mắt định kỳ hàng năm Báo cáo Đánh giá khả năng tiếp cận thị trường của nhà ĐTNN với một thị trường nhất định được đề cập.

Việc đánh giá này được thực hiện trong phạm vi khá rộng gồm nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật hay các quốc gia đang phát triển, mới nổi và sơ khai, trong đó có Việt Nam.

Theo đánh giá của MSCI, Việt Nam được xếp loại trong danh sách các thị trường sơ khai (Fontior Market) cùng với 3 nước khác ở Châu Á là Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka, với khả năng tiếp cận thị trường còn khá thấp so với các quốc gia Đông Nam Á khác. Cụ thể, MSCI đánh giá như thế nào về Việt Nam?

Về giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài: Sở hữu của nhà ĐTNN trong các công ty niêm yết tại Việt Nam hiện nay được quy định tối đa là 49%, trong lĩnh vực ngân hàng thì thấp hơn là 30%.

Mức giới hạn này tương đương với Thái Lan; cao hơn Phillipine là tương đương (40%) nhưng thấp hơn so với Malaysia và Singapore. Singapore là quốc gia được đánh giá là có chính sách thông thoáng trong thu hút ĐTNN. Malaysia cũng chỉ hạn chế sở hữu của nhà ĐTNN trong một số ngành nghề như: môi giới, bảo hiểm, truyền thông từ 30-70%.

Trong khi đó, tại Thái Lan mặc dù cũng hạn chế nắm giữ của nhà ĐTNN không vượt quá 49% nhưng nhà ĐTNN có thể nắm giữ vượt tỷ lệ sở hữu này thông qua Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDRs- Non-voting Depository Receipts). Do đó, MSCI đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể bởi vấn đề room của NĐT nước ngoài.

Về quyền bình đẳng với các NĐT nước ngoài: Việc hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà ĐTNN khiến cho nhà ĐTNN không được đối xử công bằng như nhà đầu tư trong nước. Khi NĐT nước ngoài mua cổ phiếu vượt quá tỷ lệ giới hạn 49%, NĐT sẽ buộc phải bán số cổ phiếu vượt quá để giảm tới ngưỡng cho phép hoặc thấp hơn. Hơn nữa, việc tìm kiếm thông tin liên quan đến các công ty gặp khó khăn do không sẵn có tài liệu bằng tiếng Anh.

Về mức độ tự do hóa thị trường ngoại tệ: Việt Nam không có thị trường tiền tệ nước ngoài và có một số hạn chế đối với thị trường tiền tệ trong nước (ví dụ như các giao dịch ngoại hối phải được kết nối với các giao dịch chứng khoán). Tính thanh khoản trên thị trường tiền tệ trong nước bị đánh giá là còn thấp.

Về việc thiết lập tài khoản và đăng ký đầu tư: Việc đăng ký đầu tư mang tính chất thủ công và việc mở tài khoản phải nhận được sự chấp thuận của Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam. Trong khi đó, tất cả các tài liệu trong hồ sơ đăng ký đầu tư và mở tài khoản đều được yêu cầu bằng tiếng Việt. Đây được đánh giá là một trở ngại không nhỏ đối với NĐT nước ngoài.

Về các quy định thị trường: Thiếu các tài liệu quy định pháp lý bằng tiếng Anh. Đôi khi có các thông tin về thị trường chứng khoán bằng tiếng Anh nhưng lại không đủ chi tiết.

Về hoạt động thanh toán và bù trừ: Việt Nam hiện chưa có Trung tâm thanh toán bù trừ (clearing house) chính thức mà Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thực hiện cả vai trò trung tâm thanh toán bù trừ. MSCI cũng cho rằng.

Về hoạt động chuyển nhượng: Các giao dịch ngoài sàn giao dịch bị cấm, việc chuyển nhượng trao tay cũng bị giới hạn đáng kể như trong các trường hợp cho, tặng biếu, thừa kế…

Nghiệp vụ cho vay chứng khoán (stock lendings) và bán khống (Short-sellings) đều được phép tại Singapore, Thái Lan, Malaysia, Phillippine theo những mức độ khác nhau nhưng chưa được phép tại Việt Nam. Kết quả là Việt Nam bị đánh giá khả năng tiếp cận thị trường thấp nhất so với các quốc gia Đông Nam Á khác được thống kê. (Xem bảng đánh giá).


Các tiêu chí Đánh giá của MSCI: ++ (không có vấn đề), + (không có vấn đề lớn, có thể được cải thiện), -/? (cần được cải thiện) - Số liệu: tháng 6/2013

Qua kết quả đánh giá của Báo cáo có thể nhận thấy, các trở ngại chính của Việt Nam trong việc thu hút NĐT nước ngoài so với các quốc gia cùng khu vực là:

Thứ nhất, tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài trong các công ty niêm yết tại Việt Nam là 49% (ngân hàng là 30%) chưa thực sự hấp dẫn đầu tư. Về lâu dài theo xu hướng phát triển của thị trường, hạn chế sở hữu nước ngoài nên được thay thế bằng việc quy định danh mục ngành nghề, lĩnh vực hạn chế đầu tư thay vì quy định tỷ lệ sở hữu tối đa áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp.

Thứ hai, việc tiếp cận thông tin bằng tiếng Anh trên thị trường Việt Nam được xem là một trong những trở ngại đáng kể. Nên cần thiết trong thời gian tới, cơ quan quản lý nên xem xét quy định, khuyến khích các đối tượng công bố thông tin nên chuyển tải các quy định, thông tin liên quan đến TTCK sang một số ngôn ngữ quốc tế phổ thông giúp cho NĐT nước ngoài dễ dàng tiếp cận tới thông tin thị trường.

Thứ ba, các chỉ tiêu về đăng ký đầu tư, mở tải khoản, chưa có trung tâm thanh toán bù trừ độc lập, thiếu thị trường ngoại hối nước ngoài, chưa cho phép bán khống, … là những vấn đề nói chung cần được khắc phục và giải quyết trong lộ trình phát triển TTCK tới năm 2020 nhằm nâng cao trình độ công nghệ và cải tiến mức độ phát triển của thị trường.

Báo cáo đánh giá của MSCI là một tài liệu đánh giá khách quan và được nhiều nhà đầu tư trên thế giới nghiên cứu và tham khảo. Do vậy, dựa trên những đánh giá này, chúng ta cần nhìn nhận những hạn chế và sớm khắc phục những hạn chế này để cải tiến kết quả đánh giá trong những năm tới.

Khánh Ly

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên