Mua bán chứng khoán trong ngày: Nhà tạo lập thị trường lớn sẽ thống lĩnh thị phần
TS. Quách Mạnh Hào nhận định với quy định được mua bán chứng khoán trong ngày của Thông tư 203/2015/TT-BTC thì những nhà tạo lập thị trường lớn sẽ thống lĩnh thị phần môi giới.
TS. Quách Mạnh Hào, chuyên gia tài chính chứng khoán - giảng viên môn tài chính Đại học Lincoln (Anh), nhận định với quy định được mua bán chứng khoán trong ngày của Thông tư 203/2015/TT-BTC thì những nhà tạo lập thị trường lớn sẽ thống lĩnh thị phần môi giới. Do vậy, các công ty chứng khoán (CTCK) nhỏ hơn hoặc là chuyên vào dịch vụ khác, hoặc là chuyên vào một số loại chứng khoán, hoặc hợp tác với nhau tạo lập thị trường.
Ông Hào phân tích, về cơ bản, việc thực hiện giao dịch trong ngày đòi hỏi nguồn lực tài chính và các yêu cầu về sức khỏe tài chính của các CTCK là đương nhiên. Việc sáp nhập cũng là một khả năng nhưng nó sẽ liên quan nhiều tới vấn đề tồn tại hơn là chiến lược.
“Tôi nghĩ rằng sau khi thông tư đi vào hoạt động sẽ có rất ít các vụ sáp nhập, hợp nhất - tức là không có chiến lược đó. Nhưng sau đó vài năm, hoạt động kinh doanh khó khăn buộc các công ty phải sáp nhập, hợp nhất hoặc phá sản”, ông Hào nhận định.
Vậy theo ông, quy định giao dịch mua bán trong ngày của Thông tư 203 có những ưu điểm và hạn chế gì?
Theo tôi có 2 điểm chính. Một là nhà đầu tư được bán chứng khoán trên đường về. Hai là nhà đầu tư được phép giao dịch trong ngày.
Ở điểm thứ nhất thực ra không mới vì nhà đầu tư kỳ vọng lâu rồi. Ưu điểm là rõ ràng và nó thể thiện sự tiệm cận với hạ tầng công nghệ và pháp lý cơ bản của các thị trường chứng khoán phát triển.
Khối lượng giao dịch về cơ bản sẽ tăng lên đáng kể. CTCK hưởng lợi từ phí giao dịch. Nhà đầu tư hưởng lợi từ việc thực hiện giao dịch nhanh hơn, nghĩa là việc quản lý rủi ro sẽ dễ dàng hơn trước. So với những gì đang có thì theo tôi nhược điểm là không có hoặc không đáng kể.
Đối với điểm thứ hai, việc cho phép nhà đầu tư giao dịch trọng ngày, nghĩa là được mua và bán cùng một loại chứng khoán với cùng số lượng và trên cùng một tài khoản có thể dẫn tới khả năng số lượng bán thực tế nhiều hơn mua thực tế, tức là có bán khống.
Ưu điểm của việc này vẫn tương tự như điểm một nhưng hạn chế sẽ là tạo ra các tình huống đầu cơ giá xuống và tạo ra một lớp các nhà đầu cơ chuyên nghiệp chuyên thực hiện các giao dịch trong ngày. Rủi ro cho thị trường và cho CTCK vì thế sẽ phát sinh.
Tuy nhiên, tôi nghĩ là các nhà làm luật đã chủ đích tạo ra nhóm người này vì nó giúp thị trường giao dịch nhanh hơn, nhiều hơn và hiệu quả hơn về mặt thông tin.
Với quy định này, có thể hiểu thị trường cần một kho cổ phiếu đủ lớn để đáp ứng nhu cầu mua bán của nhà đầu tư. Điều kiện này các CTCK có thể đáp ứng được không, vì hiện nay chưa thể có được một kho dự trữ chứng khoán đủ lớn để có thể đáp ứng được nhu cầu này của thị trường?
Theo tinh thần của thông tư thì các CTCK cần phải từ chối thực hiện lệnh giao dịch khi không thể bảo đảm có đủ chứng khoán để chuyển giao tại ngày thanh toán. Do vậy, các CTCK trước hết phải tự tạo "kho” cho chính mình để trở thành nhà tạo lập thị trường. Để làm được như vậy đòi hỏi nguồn lực tài chính.
Tôi cho rằng khi Thông tư được thực hiện, quá trình đào thải các CTCK sẽ diễn ra mạnh mẽ. Nhóm dẫn đầu về thị phần sẽ là nhóm tạo lập thị trường tốt nhất. Một xu thế khác là các CTCK nhỏ hơn sẽ chuyên sâu vào một số loại chứng khoán theo ngành nghề nhất định.
Liệu có xảy ra tình huống các CTCK có thể bắt tay nhau để có một kho chứng khoán đủ lớn để đáp ứng nhu cầu này hay là cơ quan quản lý cần có giải pháp gì?
Tôi nghĩ một số CTCK nhỏ có thể liên minh lại để cạnh tranh với các CTCK lớn hơn nhưng điều này có xảy ra thì cũng trong phạm vi hạn chế. Về cơ bản, ít có công ty nào muốn liên lụy tới một công việc ở công ty khác mà họ không quản lý được. Cơ quan quản lý đương nhiên là không nên can thiệp. Họ chỉ nên đưa ra luật chơi.
Theo ông, quy định này sẽ tác động thế nào tới thị trường? Liệu có không một làn sóng nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam?
Tôi nghĩ không. Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới Việt Nam phần lớn là các tổ chức không thực hiện giao dịch hàng ngày. Họ có thể yên tâm hơn một chút về yếu tố rủi ro thực hiện giao dịch nhưng điều này không dẫn tới việc họ giao dịch nhiều hơn. Nếu có làn sóng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào TTCK Việt Nam thì đó phải là do các yếu tố vĩ mô khác.
Xin cám ơn ông!
BizLIVE