MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mùa đại hội cổ đông - 2015: Luật doanh nghiệp sửa đổi mở ra cách làm mới

Mặc dù doanh nghiệp đã quan tâm nhiều hơn đến việc tổ chức Đại hội, đến nay mùa Đại hội hàng năm vẫn còn những vấn đề nổi cộm chưa được giải quyết.

Khó khăn vướng mắc: do đâu?

Mùa Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nào cũng có nhiều Doanh nghiệp thất bại và tốn kém trong tổ chức Đại hội, phải tổ chức lạị đến lần 2, lần 3. Có nhiều nguyên nhân để một doanh nghiệp thất bại trong lần tổ chức ĐHCĐ lần 1, 2 như: cổ đông quá phân tán; tỷ lệ sở hữu của cổ đông nội bộ, cổ đông lớn quá thấp; nhiều cổ đông không quan tâm đến hoạt động của doanh nghiệp; doanh nghiệp không quan tâm đến nhu cầu của cổ đông; công tác quan hệ cổ đông... hay chỉ đơn giản là doanh nghiệp tổ chức ĐHCĐ ở địa điểm xa cổ đông không tham dự do đi lại khó khăn, tốn kém chi phí.

Thêm vào đó, việc tổ chức ĐHCĐ vẫn có thể thất bại nếu không có sự đồng thuận giữa các nhóm cổ đông lớn, giữa cổ đông và Hội đồng quản trị (HĐQT) hay giữa các thành viên HĐQT. Không đủ tỷ lệ biểu quyết thông qua các vấn đề trong chương trình nghị sự của Đại hội cũng là một rủi ro. Đó là chưa kể đến rủi ro Nghị quyết ĐHCĐ bị hủy do những sai sót trong trình tự thủ tục tổ chức đại hội.

Các vụ kiện tụng liên quan đến ĐHCĐ hầu hết đều xoay quanh vấn đề thủ tục, trình tự tổ chức Đại hội, từ những vấn đề về thẩm quyền triệu tập họp, chốt danh sách, gửi thông báo mời họp, tài liệu gửi cho cổ đông….đến việc thông qua chương trình, thay đổi chương trình, cách thức biểu quyết, bầu cử dồn phiếu, thông qua Biên bản, Nghị quyết ĐHCĐ.

Còn nhớ, vụ kiện đối với Nghị quyết ĐHCĐ bất thường 2013 của CTCP Cơ khí và thiết bị điện Hà Nội giữa hai nhóm cổ đông lớn; cổ đông đòi hủy Nghị quyết ĐHCĐ của CTCP Tài chính Xi măng - CFC do không nhận được thư mời; nhóm cổ đông của CTCP Công nghệ phẩm Hải Phòng đệ đơn khởi kiện, đề nghị Tòa án hủy Nghị quyết ĐHCĐ bất thường; hay vụ kiện liên quan đến bầu dồn phiếu và tỷ lệ thông qua nghị quyết của ĐHCĐ tại CTCP Công nghiệp hoá chất và vi sinh - BICICO….

Phụ trách pháp chế/phòng quan hệ cổ đông của một số công ty cho biết, quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005 còn những “khoảng trống” chưa rõ ràng, bản thân lãnh đạo doanh nghiệp cũng chưa quan tâm đúng mức đến trình tự thủ tục tổ chức Đại hội, coi chỉ là vấn đề nhỏ. Nhưng đến khi cổ đông khởi kiện, Nghị quyết ĐHCĐ bị hủy khiến cho việc triển khai hoạt động của Hội đồng quản trị bị gián đoạn, hoạt động SXKD gặp nhiều khó khăn doanh nghiệp  mới nhận ra vấn đề không phải là nhỏ.

Bên cạnh đó, cách thức tổ chức Đại hội còn chưa chuyên nghiệp, rất nhiều doanh nghiệp biểu quyết bằng giơ phiếu, không có bằng chứng lưu lại, nếu phát sinh tranh chấp kiện tụng thì không có giá trị.

Luật doanh nghiệp sửa đổi 2014 – Một bước tiến mới để tổ chức ĐHCĐ

Họp ĐHCĐ là để thông qua những vấn đề quan trọng, định hướng hoạt động SXKD, bầu chọn HĐQT, Ban Kiểm soát - những người đại diện cho cổ đông giám sát hoạt động điều hành của Giám đốc công ty,… Nhiều doanh nghiệp để tiết kiệm chi phí thường sử dụng nguồn lực nội bộ trong việc chuẩn bị tài liệu Đại hội, nhận ủy quyền, đăng ký cổ đông, kiểm phiếu bầu cử, biểu quyết bằng phương thức truyền thống… Tuy nhiên, cách tổ chức này khó tránh khỏi những sai sót, nhất là khi xử lý những tình huống phát sinh tại đại hội.

Đối với những doanh nghiệp có mâu thuẫn lợi ích giữa các nhóm cổ đông, khi tổ chức Đại hội, gặp phải những vấn đề còn chưa nhất quán, rõ ràng, doanh nghiệp cần yêu cầu cơ quan ban hành và thực thi luật (như Sở Kế hoạch Đầu tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước….) giải thích rõ ràng để có thể tuân thủ đúng các quy định pháp luật. Doanh nghiệp cũng có thể tìm đến những tổ chức tư vấn chuyên nghiệp để được tư vấn những nội dung về pháp lý và quản trị công ty, kết hợp với giải pháp công nghệ để triển khai họp ĐHCĐ hiệu quả.

Luật Doanh nghiệp 2014 vừa được thông qua với nhiều quy định mới rõ ràng hơn, tạo thuận lợi hơn cho Doanh nghiệp trong việc tổ chức họp ĐHCĐ. Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định hình thức tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông: “thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác”. Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí tổ chức, cổ đông tiết kiệm chi phí di chuyển,… Tuy nhiên, nó đặt ra yêu cầu về giải pháp công nghệ, đường truyền và đối xử công bằng giữa các cổ đông.

CTCP Chứng khoán FPT – FPTS, công ty đầu tiên nghiên cứu và xây dựng giải pháp EzGSM – Đại hội đồng cổ đông trực tuyến nhận định rằng, với những quy định mở về quyền tham dự ĐHCĐ của cổ đông trong Luật Doanh nghiệp 2014, xu hướng Doanh nghiệp lựa chọn đơn vị chuyên nghiệp tư vấn triển khai họp ĐHCĐ kết hợp với những giải pháp công nghệ hiện đại là tất yếu. Các giải pháp này là một cách làm mới, giúp doanh nghiệp nâng cao hình ảnh và uy tín trong mắt các cổ đông, giảm đi nỗi lo một mùa Đại hội không thành công để tập trung vào hoạt động SXKD.


Thanh Giang

Ngọc Quỳnh

Tài chính Plus

Trở lên trên