MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mục tiêu của cổ phần hóa

Khi doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa (CPH) sẽ hướng đến nhiều mục tiêu quan trọng như huy động nguồn lực từ xã hội, chuyển đổi và nâng cao hiệu quả hoạt động, thúc đẩy minh bạch thông tin…

Khó thực hiện

Trong thực tế, không phải doanh nghiệp nào CPH cũng đạt được những mục tiêu đặt ra về huy động nguồn lực từ xã hội, chuyển đổi và nâng cao hiệu quả hoạt động, thúc đẩy minh bạch thông tin… và tác dụng của CPH vì vậy cũng chưa được thể hiện rõ. Tính đến thời điểm này, Tổng công ty Thép VN (VNSteel) đã CPH và IPO được hơn 3 năm, nhưng cái gọi là hiệu quả hoạt động, nhà đầu tư vẫn chưa thấy. 6 tháng đầu năm 2014, VNSteel đạt 85 tỷ đồng lãi sau thuế, vượt kế hoạch đã đề ra 36 tỷ đồng.

Mới nhìn có vẻ khả quan, nhưng VNSteel thực ra chỉ mới bắt đầu vượt qua chính mình, kế hoạch đặt ra quá thấp và tính đến thời điểm 30-6-2014 công ty vẫn đang lỗ lũy kế gần 770 tỷ đồng. Chừng nào còn lỗ lũy kế VNSteel vẫn chưa thể lên sàn, khả năng huy động vốn ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng và nhà đầu tư cũng chưa thể biết được nhiều thông tin hơn về tổng công ty.

Petrolimex (PLX) cũng tiến hành CPH và IPO gần với thời điểm của VNSteel và hiện nay cũng đang vướng một số vấn đề tương tự. Mỗi lần xăng tăng giá, câu hỏi liên quan đến chuyện lãi/lỗ của các đơn vị kinh doanh xăng dầu, mà PLX là đơn vị dẫn đầu, lại được đặt ra. Báo cáo tài chính của PLX cũng đã được công bố từ vài năm nay, nhưng tác dụng cho người dân nói chung, hay NĐT hiểu rõ về hoạt động kinh doanh của tập đoàn thì chưa, có người thậm chí còn kết luận dù xăng tăng/giảm giá PLX vẫn… có lãi.

PLX vẫn công bố báo cáo tài chính đầy đủ, theo quy định của cơ quan quản lý, thế nên không thể nói PLX thiếu minh bạch. Nhưng việc minh bạch của PLX được thực hiện tới mức nào và có tác dụng ra sao cần phải xem lại.

Trường hợp của PLX cũng chỉ ra một vấn đề khác. Đó là việc CPH để đúng với mục tiêu, nhiệm vụ cho… xong, những lợi ích sau đó dành cho cổ đông, nhà đầu tư và thị trường chứng khoán bị để ngỏ. Nhìn vào quy mô, hệ thống, thương hiệu của PLX, một người bình thường cũng có thể cảm nhận được sự lớn mạnh của tập đoàn này như thế nào.

Mà đã như vậy, liệu PLX có cần huy động đến các nguồn lực khác trong xã hội hay không? Khi sở hữu của cổ đông bên ngoài vẫn ở mức thấp (khoảng 5%), chắc chắn những tiếng nói phản biện, những sức ép dành cho lãnh đạo PLX cũng không thể mạnh, dẫn đến hoạt động của PLX có thể là tốt “đều đều” chứ không phải “ngày một tốt hơn”.

Đòi hỏi của nhà đầu tư

Hiện tại, không ít doanh nghiệp cũng có những lợi thế trong hoạt động và đang chuẩn bị tiến hành CPH. Vì thế, nhiều nhà đầu tư đang tự hỏi sẽ có thêm nhiều trường hợp giống như PVGas (GAS). Nghĩa là CPH, IPO rồi lên sàn và đã thành công, hay lại có thêm những PLX - cũng là doanh nghiệp tốt - nhưng chưa phát huy hết những lợi thế của mình cho thị trường chứng khoán?

Nói đến đây, vấn đề tỷ lệ sở hữu có thể được đặt ra,và kỳ vọng thường là cổ đông bên ngoài có một tỷ lệ sở hữu đủ nhiều để tạo ảnh hưởng, nhưng thực tế cũng rất vô chừng. Lấy trường hợp của GAS ra làm điển hình. Sở hữu của Nhà nước (đại diện là PVN) tại doanh nghiệp này lên đến gần 97%, cổ đông bên ngoài chỉ nắm hơn 3%, một tỷ lệ khá thấp. Nhưng những lợi ích mà GAS đem lại cho cổ đông ai cũng đã rõ: hoạt động hiệu quả, giá cổ phiếu liên tục tăng. Hơn nữa, cổ đông bên ngoài dù có tỷ lệ sở hữu 10%, 20% hay 50%, sở hữu của cổ đông nhà nước vẫn rất lớn.

Trường hợp gần đây nhất là việc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dù có ý định chào bán đến 50% vốn ra bên ngoài, nhưng khi nhà đầu tư biết được ý định của Vinatex sẽ niêm yết sau 3 năm đã tỏ ra phân vân. Dù nhìn vào cơ cấu sở hữu, cả 2 nhóm cổ đông là Nhà nước và nhà đầu tư bên ngoài ngang nhau.

Thực ra, nếu để những xung đột, tranh cãi giữa các nhóm cổ đông phải đem quyền biểu quyết, hay tỷ lệ sở hữu ra để đấu lý với nhau, hoạt động của doanh nghiệp lúc đó cũng đã bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Không phải cổ đông bên ngoài tham gia cũng đồng nghĩa với hiệu quả, bởi nó phụ thuộc vào năng lực, mục đích của nhóm này. Nếu cổ đông bên ngoài, mà cụ thể là các nhóm cổ đông lớn, tham gia doanh nghiệp nhưng cũng chỉ để phục vụ cho lợi ích của mình, bỏ qua những lợi ích của cổ đông nhỏ lẻ, hiệu quả hoạt động hay việc minh bạch chắc gì đã tốt hơn?

Lúc này, lợi ích của doanh nghiệp cũng chỉ được dành cho một số nhà đầu tư bên ngoài thay vì dành cho số đông, nên tính đại chúng của doanh nghiệp cũng sẽ ở mức thấp. Việc các doanh nghiệp nhà nước đang được thúc đẩy CPH là rất tốt, nhất là những doanh nghiệp có tên tuổi, lợi thế trong kinh doanh, điều đó giúp thị trường có thêm hàng hóa, nhà đầu tư có cơ hội và thanh khoản tăng cao.

Nhưng hàng hóa tốt thôi chưa đủ, vì nhà đầu tư cần các doanh nghiệp sau khi CPH và IPO phải nỗ lực thực hiện được những mục tiêu như đã đề ra. Vẫn biết rằng, việc CPH và IPO đòi hỏi rất nhiều công sức và khi làm được cũng đã xem là thành công. Tuy nhiên, điều mong mỏi của nhà đầu tư là các doanh nghiệp sau CPH hãy phát huy thành công đó và làm tới nơi tới chốn, tránh những trường hợp dang dở, đáng tiếc.

Theo Trúc Bạch

thanhhuong

Sài gòn Đầu tư tài chính

Trở lên trên