MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành cá tra 2010: Những tín hiệu lạc quan

Hơn nửa năm 2010 trôi qua ngành thủy sản nói chung và cá tra nói riêng đang dần hồi phục với một số tín hiệu lạc quan về mặt kim ngạch xuất khẩu.

Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu thủy sản chính ngạch của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2010 đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2009. Ngành cá tra cũng có sự hồi phục tốt khi xuất khẩu 304,3 nghìn tấn cá tra, ba sa đạt kim ngạch 652,7 triệu USD trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 14,3% về khối lượng và 7,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009.

So với các năm trước, tốc độ tăng trưởng này chỉ được xem là vừa phải. Tuy nhiên, so với năm 2009, khi ngành tăng trưởng âm, những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm có thể coi là khả quan.

Bên cạnh việc diễn biến tỷ giá hiện nay đang có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu thị trường xuất khẩu cũng có chuyển biến tích cực cho ngành cá tra.

Tại thị trường Mỹ, mặt dù mặt hàng cá tra bị áp thuế chống phá giá nhưng tốc độ tăng trưởng tại thị trường này vẫn duy trì ở mức cao, trong 6 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu đạt 65,5 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2009. Thêm vào đó, thị trường Nga đã mở cửa trở lại.

Theo thông tin từ Ban điều hành xuất khẩu thủy sản vào Nga, 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra, cá ba sa vào thị trường này đạt 20.295 tấn (gần 35 triệu USD), tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Mục tiêu xuất khẩu 100 triệu USD vào thị trường Nga trong năm nay được kỳ vọng cao là có thể đạt được.

Tuy nhiên, tình hình không phải hoàn toàn thuận lợi trong năm nay vì ngành cũng phải đối mặt với một số khó khăn ngắn hạn. Khủng hoảng nợ tại Châu Âu cũng như sự mất giá của đồng EURO so với USD đã khiến cho nhu cầu tiêu dùng tại thị trường này - thị trường có tỷ trọng lớn nhất - bị chững lại trong quý II, các đơn hàng xuất khẩu từ Việt Nam trở nên kém cạnh tranh hơn.

Đối với thị trường Mỹ, vẫn còn lơ lửng một vấn đề, đó là Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đề xuất đưa cá tra vào quản lý theo Luật FarmBill. Nếu được phê chuẩn, cá tra sẽ phải chịu chế độ kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt hơn, khiến nhiều doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí tuân thủ cao và tốn nhiều thời gian vì phải xây dựng lại hệ thống kiểm tra chất lượng từ đầu theo các tiêu chuẩn mới này.

Hiện nay, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các doanh nghiệp lớn đang cố gắng vận động hành lang, thực hiện các chiến dịch PR để quảng bá chất lượng sản phẩm nhằm tránh việc sản phẩm cá tra “rơi” vào “khái niệm catfish” và bị quản lý bởi FarmBill.

Theo tính mùa vụ, xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng sẽ tăng mạnh hơn từ tháng 8 đến cuối năm. Xét tình hình hồi phục của các thị trường và diễn biến giá cá tra xuất khẩu (nhìn chồng ít tăng so với năm 2009), có thể dự đoán chung là ngành sẽ phục hồi với tốc độ nhẹ trong năm nay.

Theo Trung tâm Tin học - Thống kê (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ước tính khối lượng cá tra xuất khẩu đạt khoảng 660 ngàn tấn, tương đương 1,4 tỷ USD, tăng khoảng 4,5% so với năm 2009.

Các doanh nghiệp trong ngành sẽ có sự phân hóa về kết quả hoạt động kinh doanh. Những doanh nghiệp có nền tảng tốt, đảm bảo chất lượng sản phẩm theo các điều kiện ngày càng nghiêm ngặt sẽ duy trì được tăng trưởng dương và tốt hơn so với ngành.

Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2010 của VASEP, các doanh nghiệp trong ngành chế biến và xuất khẩu cá tra cá ba sa đã có sự thay đổi vị trí. VHC từ vị trí thứ 2 đã vươn lên dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu với 55.3 triệu USD. HVG xếp ngay sau đó với kim ngạch xuất khẩu 47,3 triệu USD. Kế đến là các doanh nghiệp như AGF, NAVICO...

Trong số các công ty cá tra niêm yết trên sàn, VHC và ACL là hai cổ phiếu có chỉ số tài chính tốt, hội tụ đủ các yếu tố mà các nhà đầu tư quan tâm.

Theo Phòng Phân tích CTCK Mekong (MSC)
ĐTCK

phuongmai

Trở lên trên