MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghề môi giới chứng khoán- sai 1 ly đi cả tỷ

Trong bất kể ngành nghề nào sai sót của người làm nghề đều có thể gây thiệt hại, nhưng hiếm có nghề nào mà tỷ lệ mắc sai sót lại xảy ra thường xuyên và gây thiệt hại nhiều như nghề môi giới chứng khoán. Một thao tác Mua Bán, một quyết định đôi khi chỉ diễn ra trong vài giây nhưng cái lợi thu được hay thiệt hại gặp phải là rất lớn.

Bạn đã nghe những lời tâm sự yêu nghề môi giới chứng khoán. Bạn cũng đã hiểu vì sao có người từ bỏ nghề này.

Còn tôi, tôi đã chứng kiến nghề môi giới chứng khoán với nỗi đau: Sai một ly nhưng "đi" bạc tỷ.

Tôi kể bạn nghe.


Trong bất kể ngành nghề nào sai sót của người làm nghề đều có thể gây thiệt hại, nhưng hiếm có nghề nào mà tỷ lệ mắc sai sót lại xảy ra thường xuyên và gây thiệt hại nhiều như nghề môi giới chứng khoán. Tôi nhớ, khi thị trường rất nóng hồi năm 2008 thì vài giây đặt lệnh đã rất khác. Tranh mua, tranh bán trong chớp nhoáng đồng nghĩa với việc sai sót cũng diễn ra rất nhiều.

Một thao tác Mua Bán, một quyết định đôi khi chỉ diễn ra trong vài giây nhưng cái lợi thu được hay thiệt hại gặp phải là rất lớn. Bài viết dưới đây xin kể về những trải nghiệm của chính tôi qua 10 năm làm nghề môi giới chứng khoán.

Sai sót bạc tỷ thời "máy môi giới"

Tôi đến với thị trường chứng khoán từ giai đoạn thị trường còn rất sơ khai. Thời tôi mới đến với thị trường chứng khoán, người môi giới chứng khoán gần như chỉ có nhiệm vụ nhận lệnh, đặt lệnh của khách hàng vào hệ thống giao dịch của Trung tâm giao dịch chứng khoán (TTGDCK). So sánh không ngoa, người môi giới chứng khoán như một cái máy nhập lệnh, không hơn không kém. Nhưng vì, cái máy nhập lệnh đó là con người nên sẽ có những sai sót rất con người.

Thời kỳ bùng nổ của thị trường chứng khoán (2006-2009), có những thời điểm chứng khoán tăng trần liên tục và cũng có thời điểm giảm sàn liên tục. Một lệnh khớp có thể mang lại giá trị nhiều tỷ đồng cho khách hàng và cả phí cho công ty chứng khoán, lệnh không khớp sẽ không ai được gì cả. Do đó người môi giới chứng khoán phải làm sao nhập lệnh nhanh nhất có thể vào hệ thống giao dịch của TTGDCK.

Một lệnh mua hoặc bán có tổng cộng khoảng 18 đến 19 ký tự và người môi giới phải làm sao nhập tất cả các ký tự đó một cách chính xác chỉ trong vòng dưới 6 giây. Nếu quá 6 giây ngắn ngủi thì khả năng lệnh đó không được khớp là rất cao. Với áp lực thời gian như vậy, sai sót xảy ra là thường xuyên.

Sai sót mà môi giới thời đó gặp phải cũng rất...đa dạng.

Có lúc, những anh em môi giới cùng phòng tôi gõ sai mã chứng khoán như STB thành SBT; Chứng khoán HSC (mã HCM) lại bị gõ thành mã HSC của CTCP Hacinco; PVC là tên viết tắt của mã cổ phiếu PVX nhưng đồng thời là một mã cổ phiếu trên sàn giao dịch. Đôi khi, khách hàng tôi muốn mua cổ phiếu PVX nhưng gọi tên là PVC và lỗi đáng tiếc đã xảy ra...

Lỗi sai nữa là sai giá, sai số lượng. Lỗi này cũng rất thường xảy ra. Hay xảy ra nhất là thiếu...con số 0. 100 cổ phiếu, 1.000 cổ phiếu, 10.000 cổ phiếu...

Hiếm hơn 1 chút là sai số tài khoản. Lỗi này hiếm gặp hơn nhưng trong lịch sử làm nghề môi giới, tôi đã từng chứng kiến lỗi dở khóc, dở cười này.

Mua thành bán hoặc sai bán thành mua do 2 phím Mua Bán chỉ cách nhau 2 phím gõ. Tôi còn nhớ như in 1 trường hợp như sau: Đầu năm 2008, cùng với đà giảm của thị trường, giá cổ phiếu STB giảm sàn liên tục, từ mức giá 28.000đ/cp về chỉ còn dưới 10.000đ/cp, thời điểm đó nhiều nhà đầu tư đua lệnh bán sàn cổ phiếu STB liên tục trong cả tháng trời vẫn không thể khớp lệnh. Bạn tôi, một môi giới ở một công ty chứng khoán khác lại mắc một sai lầm nghiêm trọng là đặt liên tục 5 lệnh bán thành 5 lệnh mua. Lương của một môi giới cả năm tích lũy được vài trăm triệu đã là nhiều nhưng rủi ro này khiến họ đứng trước trách nhiệm cực lớn. 5 lệnh mua bạn tôi đặt sai giá trị lên đến hơn 2 tỷ đồng.

Tất nhiên, bạn tôi không đủ tiền để đền bù cho lỗi sai đó.

Công ty chứng khoán đã phải gánh một phần lớn hậu quả của sai sót và cá nhân bạn tôi cũng đã phải đứng ra mua. Lỗi sai đó đáng giá gần 1 tỷ đồng.

Bài học cẩn trọng không cần dạy nhiều, cánh môi giới cũng từ đó mà cẩn thận hơn. Nhưng sai sót chỉ có thể hạn chế, không thể biến mất khi áp lực nghề nghiệp giai đoạn đó là như thế. Cá nhân tôi cũng không ít lần nhập sai, đã có lần thiệt hại cá nhân lên tới hơn 200 triệu.

Sai thời hiện đại: Sai một ly, đi nhiều tỷ

Sau thời kỳ 2009, giao dịch trực tuyến được triển khai, khách hàng có thể tự đặt lệnh, người môi giới được cởi bỏ bớt áp lực nhập lệnh, nhưng sai sót không vì thế mà ít đi. Ngoài những sai sót trong quá trình nhập lệnh, người môi giới sẽ gặp phải những sai sót trong quá trình tư vấn hoặc quá trình tự giao dịch chứng khoán cho chính mình. 

Thời kỳ này yêu cầu của môi giới cao hơn rất nhiều, họ cần phải có hiểu biết về thị trường và hiểu biết khách hàng của mình để đưa ra những lời tư vấn, quyết định hợp lý. Một số môi giới cấp cao thậm chí còn nhận ủy thác, giao dịch hộ tài khoản khách hàng. 

Tuy nhiên biến động thị trường khó lường đôi khi khiến cả những môi giới dày dạn kinh nghiệm vẫn dính phải những sai sót lớn. Có thể lấy ví dụ sự kiện OGC hay JVC năm vừa qua. Các cổ phiếu này đều hội tụ khá nhiều yếu tố để các môi giới có thể quyết định tư vấn Mua cho khách hàng, nhưng bất ngờ về thông tin khiến họ không kịp trở tay và bị thiệt hại nặng. Cá nhân tôi đã chứng khiến một môi giới có rất nhiều kinh nghiệm bị thiệt hại cho mình và cho khách hàng cả tỷ đồng vì cổ phiếu JVC chỉ trong vòng hơn 1 tuần lễ.

Dù tần suất sai sót lớn, thiệt hại đôi khi cũng khá nhiều nhưng nghề môi giới vẫn là nghề mang lại thu nhập thuộc loại rất cao, đối với những môi giới giỏi, giá trị họ mang lại cho khách hàng cũng rất lớn. Do đó kiên trì theo đuổi, hạn chế được sai sót, có bản lĩnh sẽ giúp người môi giới thành công và trở nên giàu có.

-------

Bài viết dự thi viết về Nghề môi giới chứng khoán xin gửi về email huongnguyenthithanh@vccorp.vn

Hoàng Sỹ Tiến-CTCP Chứng Khoán Sài Gòn SSI

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên