MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghị định 58: Nâng chuẩn mới, sàng lọc cũ

Với văn bản này có thể hiểu thời kỳ khuyến khích doanh nghiệp niêm yết bằng mọi giá đã chấm dứt và có mặt trên sàn chứng khoán là một trong những thước đo giá trị của một công ty.

Nâng cao điều kiện niêm yết cổ phiếu trên cả hai sàn là bước đi đầu tiên về mặt pháp lý được ghi nhận trong Nghị định 58 ngày 20-7-2012 hướng dẫn thi hành một số điều của luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Chứng khoán, trong lộ trình cải thiện chất lượng hàng hóa cho thị trường.

Với văn bản này có thể hiểu thời kỳ khuyến khích doanh nghiệp niêm yết bằng mọi giá đã chấm dứt và có mặt trên sàn chứng khoán là một trong những thước đo giá trị của một công ty.

Điều kiện mới

Theo điều 53 của Nghị định, để niêm yết trên sàn TPHCM doanh nghiệp phải có vốn điều lệ 120 tỉ đồng trở lên (hiện nay là 80 tỉ đồng); có hai năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần tính đến thời điểm lên sàn; tỉ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu ROE năm gần nhất tối thiểu 5% và hai năm liền trước năm niêm yết phải có lãi; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên một năm; không có lỗ lũy kế; tuân thủ các qui định về kế toán báo cáo tài chính; tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 300 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ (hiện là 100).

Để tham gia trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, điều kiện thấp hơn như vốn điều lệ 30 tỉ đồng (hiện là 10 tỉ đồng), một năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, tối thiểu 15% cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ (điều 54). Còn lại những điều kiện khác về ROE, lỗ lãi, nợ quá hạn cũng tương tự.

Việc qui định tỉ lệ ROE, không có nợ quá hạn và 300 cổ đông được xem là “khó nhằn” đối với doanh nghiệp. Nhiều công ty có cơ cấu cổ đông đơn giản, tính đại chúng hẹp, cổ phiếu tập trung vào tay các cổ đông lớn. Không ít đơn vị có nợ quá hạn trên một năm, buộc phải cơ cấu lại nợ, đảo nợ, nhất là khối kinh doanh bất động sản.

Cứ theo điều kiện mới mà chiếu, khoảng 40% các công ty đang niêm yết không đủ tiêu chuẩn hoặc về vốn, hoặc về hiệu quả kinh doanh hoặc về nợ, sẽ phải chuyển sàn từ Hose về Hnx, từ Hnx về UpCom.

Tuy nhiên, có hiệu lực từ ngày 15-9-2012, nghị định không mang tính hồi tố. Theo khoản 1, điều 92, tổ chức niêm yết trước thời điểm nêu trên, không đáp ứng qui định của nghị định, vẫn được tiếp tục niêm yết, không phải chuyển đổi sàn.

Cần sàng lọc cả doanh nghiệp đang niêm yết

Vì sao phải nâng cấp tiêu chuẩn niêm yết đúng vào lúc chứng khoán chưa thoát khỏi thời kỳ thoái trào? Bấy lâu nay cơ quan quản lý thị trường và nhà đầu tư đều biết chất lượng doanh nghiệp niêm yết đang suy giảm trầm trọng.

Những khó khăn của môi trường kinh doanh đã khiến nhiều công ty thua lỗ, nợ quá hạn dầy lên, tỷ lệ ROE thấp khi lợi nhuận chỉ đạt vài chục, vài trăm triệu đồng trên vốn điều lệ hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Danh sách đơn vị mấp mé trên bờ phải hủy niêm yết ngày một dài ra. Một số khác bị kiểm toán nhắc nhở về khả năng hoạt động liên tục.

Hiện tượng này làm nản lòng nhà đầu tư. Có cổ phiếu năm trước vẫn lãi, chia cổ tức 10-15%, nhưng sang năm nay bắt đầu lỗ và triển vọng không mấy sáng sủa từ nay đến cuối năm. Những người sở hữu cổ phiếu, kể cả có ý định nắm giữ dài hạn, sẽ phải tính toán lại.

Những người chuẩn bị đầu tư cũng nhìn nhận, đánh giá chúng dưới góc độ mới. Tiên đoán về tương lai doanh nghiệp đang trở nên phức tạp bởi nhiều công ty đặt mục tiêu lợi nhuận thấp, chủ yếu mang tính phòng vệ.

Lúc này việc rà soát, nhận định lại thực trạng toàn bộ doanh nghiệp niêm yết là cần thiết nhằm cung cấp cho nhà đầu tư một bức tranh toàn diện, để đồng vốn của họ được giải ngân đúng chỗ, đúng thời điểm. Chỉ có thế mới giúp lấy lại phần nào niềm tin của giới đầu tư và vực dậy thị trường.

Thế nhưng như phân trần của một quan chức cấp cao của Hnx, việc rà soát không phải cứ muốn là làm được ngay. Những qui định có tính khuyến khích niêm yết từ hàng chục năm nay vẫn tồn tại và không ít doanh nghiệp cố bám lấy nó.

Ngay cả việc xử lý những đơn vị bắt buộc hủy niêm yết cũng không dễ dàng, có công ty “nài nỉ” được giữ lại, được gia hạn...

Với họ hủy niêm yết ảnh hưởng đến uy tín, cổ phiếu có thể bị bán tháo – điều không ai muốn. “Có doanh nghiệp còn nói sẽ kiện Sở nếu không chấp thuận cho họ niêm yết, hay bị hủy niêm yết” – quan chức trên kể.

Trên sàn hiện có hàng trăm cổ phiếu thị giá dưới 10.000 đồng. Loại dưới 5.000 đồng cũng không đếm xuể. Giá cổ phiếu thấp không phải chỉ do tác động của thị trường chung, mà còn do chính bản thân doanh nghiệp.

Những cổ phiếu dưới 5.000 đồng đều thuộc công ty làm ăn thua lỗ, hay không có lời, vay nợ cao, giá trị sổ sách đang teo tóp. Loại những đơn vị này khỏi sàn liệu có cần phải đợi đến 3 năm thua lỗ liên tiếp, mất hết vốn chủ sở hữu?

Về qui mô thị trường, loại bỏ những cổ phiếu đó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến mức vốn hóa nói chung. Hơn nữa, việc thúc đẩy niêm yết những đại gia như Sabeco, Habeco, BIDV sẽ bù đắp nhanh chóng phần thiếu hụt nếu có.

Chứng khoán sẽ thu hút được nhiều người tham gia, thực hiện được vai trò kênh dẫn vốn nếu thị trường tăng trưởng, mà muốn tăng trưởng trước hết phải có doanh nghiệp tốt, đủ khả năng chống chọi bão táp thời khủng hoảng.

Vì vậy nâng điều kiện niêm yết mới là đáng hoan nghênh, nhưng cũng không thể bỏ qua sàng lọc doanh nghiệp niêm yết hiện tại. Việc này cần bắt đầu từ qui định pháp lý.

Theo Lưu Hảo
TBKTSG

phuongmai

Trở lên trên