MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghị định 85, Thông tư 37 và “thuyền trưởng” các đội lái

Chưa có trường hợp nào bị tịch thu số tiền thao túng giá CK, còn mức phạt 300 triệu đồng là quá thấp để răn đe.

Năm 2010 có thể nói là năm của các đội lái, khi hàng loạt cổ phiếu tăng liên tục nhiều phiên liên tiếp trong khi các bluechips dập dình...dậm chân tại chỗ. Có những cổ phiếu được “chỉ mặt điểm tên” trong năm 2010 như VTV, AAA, DHT, PVA, MKV, AMV…Một số trường hợp đã bị UBCK điều tra và phạt hành chính vì tội thao túng giá chứng khoán tuy nhiên mức phạt vẫn chưa đủ sức răn đe.

Tháng 3/2010, cổ phiếu VTV của CTCP Vật tư vận tải xi măng VTV tăng “dựng đứng” từ 33.000 đồng/cp lên 61.000 đồng/cp sau đó lại rớt “một mạch” về giá cũ. Sự việc của VTV lúc đó liên quan đến cổ đông lớn là bà Nguyễn Kim Phượng khi bà này nộp bản đăng ký mua công khai 1,3 triệu cổ phiếu VTV vào ngày 14/1/2010, nhưng ngày 24/3/2010, bà Nguyễn Kim Phượng đã thực hiện bán 557.800 cổ phiếu VTV vi phạm quy định về việc chào mua công khai. Ngoài ra, bà Phượng còn thực hiện hành vi tạo cung cầu giả tạo đối với cổ phiếu VTV thông đồng với 3 cá nhân khác liên tục mua, bán cổ phiếu VTV để thao túng giá cổ phiếu VTV. Tuy nhiên, tổng số tiền bà Phượng bị phạt là 170 triệu đồng.

Tháng 7/2010, Bộ Tư pháp đã bổ sung thêm 3 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán vào Bộ luật hình sự đó là tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (điều 181c); sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (181b), tội thao túng giá chứng khoán (181c).

Ngày 2/8/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 85/CP-2010 về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán với khung hình phạt hành chính cao nhất là 500 triệu đồng đối với trường hợp gian lận, tạo thông tin sai sự thật hoặc bỏ sót các thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động phát hành, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán và các dịch vụ chứng khoán (Điều 25); phạt tiền từ 200 – 300 triệu đồng đối với hành vi thao túng giá chứng khoán (Điều 27). Ngoài ra có thể bị tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm hành chính (khoản 2 Điều 25 và 27); Đình chỉ hoặc hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng; Đình chỉ hoạt động; thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận trong lĩnh vực chứng khoán, chứng chỉ hành nghề chứng khoán…

Sau khi Luật ban hành, lần đầu tiên TTCK chứng kiến một “phi vụ” làm giá mà “thuyền trưởng” đội lái bị bắt và truy cứu Luật hình sự là sự việc làm giá và thâu tóm cổ phiếu DHT của CTCP Dược Hà Tây của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Dược Viễn Đông (mã DVD) ông Lê Văn Dũng. DHT đã tăng 60.000 đồng/cp vào tháng 7/2010 lên 100.000 đồng/cp vào tháng 8/2010 và “rơi tự do” về giá 60.000 đồng/cp ngay trong tháng. DHT đã có đơn kiện lên UCBK về việc DVD có ý định thâu tóm DHT để nắm từ 18,74% lên 25,3% nhưng không công bố sau đó 4 cổ đông lớn lại đăng ký bán 1,9 triệu cp DHT (gần 47% vốn điều lệ).

DVD bị phạt 50 triệu đồng vì vi phạm chào mua công khai còn ông Lê Văn Dũng bị bắt vì hành vi liên kết với nhiều người khác lập nhiều tài khoản, thông đồng thực hiện việc mua bán tạo cung cầu giả tạo thao túng cổ phiếu DHT, ngoài ra còn tạo doanh thu ảo cho DVD; cung cấp một số thông tin không đúng thực tế, như về các hợp đồng có giá trị lớn, doanh thu của DVD... nhằm chào bán cổ phiếu của DVD ra công chúng và hỗ trợ đăng ký niêm yết cổ phiếu DVD trên HoSE. Sau ông Dũng, có hàng loạt người nhà ông Dũng và cán bộ DVD bị bắt để điều tra.

Cũng trong tháng 8/2010, đội lái đã kéo cổ phiếu AAA của CTCP Nhựa Môi trường xanh An Phát tăng “một mạch” từ 40.000 đồng/cp và lên 92.300 đồng/cp; sau đó “rơi tự do” trong thời gian rất nhanh sau đó. Sự việc AAA được coi như “một vết nhơ” trong việc quản lý rủi ro của các CTCK khi đó bởi có khá nhiều CTCK đã cho khách hàng vay margin để kéo AAA lên xong bị chính các khách hàng này bán cổ phiếu AAA giá “đỉnh” tại tài khoản khác, để “kệ” CTCK giải chấp tài khoản để thu tiền về. Ngày 29/9, cổ đông lớn của AAA là CTCP Đầu tư Tam Sơn, cổ đông lớn nhất công bố đã bán toàn bộ 3 triệu cổ phiếu AAA trong khoảng thời gian từ 20/8 – 20/9/2010.

Sự việc của AAA lúc đó đã khiến UBCK phải vào cuộc. Tuy nhiên mức xử phạt lúc bấy giờ là 80 triệu đồng đối với CTCP Đầu tư Tam Sơn vì đã bán cổ phiếu trước khi UBCK cho phép, và 60 triệu đồng đối với CTCP Đầu tư FC, một cổ đông lớn của AAA bán hơn 5% vốn điều lệ công ty song 1 ngày sau mới công bố cho Sở. Câu chuyện AAA chìm lại sau khi hai cổ đông lớn bị phạt hành chính tổng cộng 150 triệu đồng, còn các CTCK bị mất hàng trăm thậm chí hàng tỷ đồng tiền cho khách hàng vay thì đành phải …”ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Gần đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 37 hướng dẫn thi hành Nghị định 85 của Chính phủ. Trong đó khoản 13/TT37 nêu rõ, đối với Điều 27 của Nghị định 85 (về việc phạt từ 200 – 300 triệu đồng đối với hành vi thao túng giá chứng khoán), ngoài hình thức xử phạt chính, việc giao dịch nội bộ va thao túng giá chứng khoán còn bị tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật. Nếu giá trị khoản thu trái pháp luật hoặc mức độ gây thiệt hại của hành vi vi phạm đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xem xét để xử lý hình sự.

Sau thông tư này, 3 cá nhân tham gia thao túng giá cổ phiếu MKV của CTCP Dược thú y Cai Lậy là bà Thái Thụy Tuyết Ngân, ông Nguyễn Văn Vinh và bà Đỗ Thị Thanh Thủy là trường hợp đầu tiên “nhận án phạt” với khung hình phạt cao nhất theo Thông tư 37. Mỗi cá nhân bị phạt 300 triệu đồng vì đã sử dụng 24 tài khoản để cấu kết với nhau mua bán cổ phiếu MKV từ tháng 4/2010 đến tháng 12/2010, đẩy giá cổ phiếu này từ 20.000 đồng/cp lên gần 80.000 đồng/cp.

Liệu có sợ?

Đội lái ở một góc cạnh nào đó cũng có mặt tốt vì tạo dòng tiền và sự sôi động cho thị trường. Tuy nhiên với trình độ hiểu biết có hạn của các NĐT cũng như tâm lý muốn giàu nhanh sẽ khiến các NĐT này dễ dàng bị lôi kéo theo các đội lái, mà góp phần trong số đó là các môi giới của các CTCK. Người thiệt thòi nhất chính là các NĐT khi thuyền trưởng đội lái “xuống tàu” và bỏ lại các NĐT “kẹp hàng” ở trên đỉnh.

Ngoài trường hợp của DVD có liên quan đến việc tạo doanh thu ảo và cung cấp thông tin không thực tế nhằm chào bán cổ phiếu ra công chúng nên Tổng giám đốc bị tra cứu hình sự, còn lại các trường hợp thao túng giá cổ phiếu đều bị xử phạt hành chính và chưa có trường hợp nào bị tịch thu khoản lợi nhuận bất chính thu được từ thao túng giá chứng khoán. Mức 300 triệu đồng là quá thấp so với những gì “đội lái” thu được khi đẩy giá cổ phiếu gấp 4 lần với khối lượng lớn. Ví dụ nếu mua 100.000 cổ phiếu, chỉ cần cổ phiếu đó tăng 10.000 đồng/cp thì lợi nhuận thu về của “đội lái” đã là 1 tỷ đồng, gấp 3 lần mức phạt hành chính. Và nếu UBCK không có những biện pháp mạnh tay hơn nữa trong việc kiểm tra giám sát các hành vi thao túng giá trên thị trường thì đội lái vẫn “có đất sống”.

Năm 2011, các đội lái chuyển từ việc đẩy giá cổ phiếu lên thành bán khống cổ phiếu, một hình thức mới mà nếu chiếu theo Điều 12/NĐ85 sẽ bị phạt 500 triệu đồng ngoài ra có thể bị tịch thu khoản thu trái pháp luật vì tổ chức TTCK. Tuy nhiên các hành vi này vẫn đang âm thầm diễn ra và chỉ thực hiện trên một số cổ phiếu có thanh khoản lớn trên thị trường.

Phương Mai

phuongmai

Trở lên trên