MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư: “Quan tâm đến những doanh nghiệp như PVX rất mệt mỏi”

Những doanh nghiệp gian dối sẽ không tồn tại lâu trên thị trường được. Nó chỉ dành cho những người đầu cơ và biến doanh nghiệp đó thành một lá bài trên sòng bạc.

Nhà đầu tư cá nhân là một thành phần vô cùng quan trọng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Đối với những nhà đầu tư đã “bám” thị trường ngay từ những ngày đầu thành lập, có thể nói kinh nghiệm của họ là tài sản lớn nhất. Hôm nay, chúng tôi đã có một cuộc phỏng vấn với ông Trần Tiến Dũng – một nhà đầu tư đã có hơn chục năm kinh nghiệm – nhằm cung cấp cho bạn đọc góc nhìn của một nhà đầu tư cá nhân.

Thưa ông, là một nhà đầu tư lâu năm, ông đánh giá thị trường hiện nay như thế nào?

Theo tôi, thị trường tại thời điểm hiện nay tốt hơn so với các năm trước. Giá trị giao dịch khoảng 2.000 – 3.000 tỷ cho thấy tính thanh khoản khá là tốt.

Tuy nhiên, kỳ vọng của tôi là giá trị giao dịch của thị trường phải tầm 4.000 – 5.000 tỷ mới đúng bởi vì sau hơn 13 năm thị trường ra đời thì giá trị giao dịch và số lượng hàng hóa phải tăng lên tương ứng theo thời gian.

Thế nhưng tại sao số lượng nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài trên thị trường chứng khoán của chúng ta vẫn ít như vậy? Hàng hóa trên thị trường sao vẫn ít như vậy?

Nguyên nhân thứ nhất là chất lượng hàng hóa chưa cao. Thứ hai là tính thanh khoản. Thứ ba là cơ chế hoạt động.

Các quỹ lớn của nước ngoài khi đầu tư thường nhìn vào giá trị giao dịch hàng ngày. Nếu giá trị giao dịch hàng ngày tầm 200 - 300 triệu USD thì các NĐT nước ngoài sẽ vào Việt Nam rất nhiều.

Như vậy, ông thấy cần có những giải pháp nào để giải quyết những vướng mắc này?

Tôi cho rằng, đầu tiên là rút ngắn thời gian giao dịch thanh toán bù trừ về T+1 thôi.

UBCK nên bắt đầu xây dựng các sản phẩm tài chính khác. Ví dụ cho phép mua bán khống, nên để các NĐT tổ chức thực hiện trước rồi sau đó 6 tháng, 1 năm thì cho NĐT cá nhân thực hiện. Như vậy, về mặt quản lý và kỹ thuật sẽ dễ thực hiện hơn. Khi đó, thanh khoản thị trường sẽ tăng lên rất mạnh.

UBCK sợ không kiểm soát được dòng vốn giao dịch. Nhưng thế giới đã có sản phẩm này từ lâu rồi. Áp dụng kinh nghiệm của các nước khác, thị trường Việt Nam hoàn toàn làm được việc mua bán khống này. Trước đó thì việc rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+1 phải được thực hiện trước.

Đi kèm với nghiệp vụ mua bán khống là các nghiệp vụ về bảo hiểm, quyền chọn.

Về biên độ giao dịch thì tôi thấy ổn, nên duy trì biên độ này. Như thế có thực hiện việc mua bán khống thì vẫn được kiểm soát tốt. Việc rút ngắn T+ cũng hoàn toàn thực hiện được.

Thứ hai là hàng hóa trên thị trường, ngoài việc kiểm soát về công bố thông tin nghiêm túc, minh bạch thì thị trường cần thêm nhiều hàng hóa, tức cần thêm doanh nghiệp khác.

Nhưng tôi thấy tiến trình mở room của chúng ta vẫn rất chậm.

Ông có kỳ vọng gì về việc các Ngân hàng đang bị “thúc” niêm yết trên sàn giao dịch không?

Tôi thấy đối với việc này, UBCK quyết liệt nhất từ trước đến nay, nhưng quyền quyết định thuộc về cổ đông cũng như là ban lãnh đạo Ngân hàng. Riêng ở Việt Nam thì quyền quyết định thuộc về Ban lãnh đạo Ngân hàng. Thực tế, họ không muốn niêm yết, vì quyền lợi cá nhân của họ rất nhiều. Nếu như niêm yết họ sẽ phải minh bạch và bị chất vấn về những quyền lợi đã dành cho các công ty sân sau.

Tôi luôn đề xuất việc niêm yết các ngân hàng bởi vì chỉ có niêm yết thì mới nâng cao tính minh bạch và thanh khoản của thị trường.

Tôi cho rằng không nên gọi là sàn UPCOM mà nên gọi là sàn OTC – nơi mà các doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn niêm yết theo các sàn HOSE, HNX được đưa lên để giao dịch. Hay như trong trường hợp UBCK yêu cầu các doanh nghiệp phải niêm yết nhưng họ chưa niêm yết thì sàn OTC vẫn phát huy được tac dụng, tức là cổ đông vẫn giao dịch được, nhà nước vẫn thu được thuế và vẫn có tính pháp lý. Hiện nay, ủy ban không thể kiểm soát được các giao dịch bên ngoài OTC và các giao dịch này cũng không có tính pháp lý, chỉ là sự thỏa thuận với nhau.

Như vậy, Ngân hàng chưa niêm yết thì cổ đông vẫn có thể giao dịch trên sàn OTC. Sau đó, chính thị trường cũng sẽ tạo sức ép cho chính ngân hàng đó phải niêm yết trên sàn và công bố thông tin.

Theo ông, thị trường có những động lực nào trong năm nay?

Thứ nhất là NĐT nước ngoài được tăng tỷ lệ sở hữu. Thứ hai là giá trị giao dịch hàng ngày tăng lên. Thứ ba là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn, tình hình vĩ mô cũng tốt hơn nhiều so với năm trước.

Đó là điều mà các NĐT tài chính đều thấy được nên đầu năm mà thị trường đã tăng như thế này thì năm nay sẽ rất khả quan.

Vậy về rủi ro, ông đánh giá thế nào về độ rủi ro của thị trường hiện nay?

Thị trường tất nhiên sẽ có điều chỉnh nhưng độ rủi ro thấp vì năm nay chắc chắn là KQKD của doanh nghiệp tốt nhờ tình hình vĩ mô đã ổn định. Lãi suất cho vay đã giảm , doanh nghiệp tiếp cận được vốn hợp lý. Tôi nghĩ là những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt năm 2013 thì năm 2014 sẽ tốt hơn nữa.

Tôi cũng thấy rằng thị trường Bất động sản bắt đầu chuyển động. Giá cả tiếp cận gần hơn với khả năng tài chính của người dân. BĐS chuyển động thì hệ thống ngân hàng sẽ khỏe hơn rất nhiều, tạo điều kiện cho việc cung cấp vốn cho các doanh nghiệp.

Ông có thể chia sẻ về chiến lược đầu tư của mình không? Năm nay ông chọn đầu tư ngành nào?

Trong thời gian tới, chiến lược của tôi là chờ đợi và theo dõi biến động thị trường để chọn cổ phiếu. Cá nhân tôi cho rằng thị trường sẽ điều chỉnh trên dưới 10%. Sau tháng 3, tháng 4 mới là thời điểm giải ngân. Cái chính là năm nay KQKD của doanh nghiệp sẽ tốt hơn, nên sẽ có cơ hội.

Cá nhân tôi không đầu tư theo ngành mà phân theo cổ phiếu. Danh mục của tôi không có quá 5 mã, doanh nghiệp nào có KQKD tốt, khả quan và thanh khoản tốt thì tôi đầu tư. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp này phải là những doanh nghiệp mà tôi thấy tin vào Ban lãnh đạo.

Cái chính là phải theo sát hoạt động của doanh nghiệp. Đầu tiên là đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong 2 năm trước. Sau đó xem kế hoạch tài chính của năm nay. Phải cập nhật KQKD thường xuyên theo từng quý. Thực tế thì những NĐT tìm được những doanh nghiệp tốt và đi theo, là những người chiến thắng thị trường.

Thưa ông, nhưng các chuyên gia trên thế giới cho rằng phải sử dụng dữ liệu của ít nhất 5 năm thì mới có thể đánh giá được một doanh nghiệp?

Thị trường Việt Nam biến động rất nhiều và nhanh nên dữ liệu 2 năm cũng có thể coi là có đủ cơ sở rồi. Ở nước ngoài, thị trường tài chính khá hoàn hảo, họ phải lấy dữ liệu của 5 năm, 10 năm, càng sâu càng tốt.

Là nhà đầu tư trên thị trường, qua sự kiện của PVX, ông thấy thế nào?

Những cổ phiếu như thế này không bao giờ tôi nắm giữ. Quan tâm đến những doanh nghiệp không trung thực như thế này rất mệt mỏi. Những doanh nghiệp gian dối sẽ không tồn tại lâu trên thị trường được. Nó chỉ dành cho những người đầu cơ và biến doanh nghiệp đó thành một lá bài trên sòng bạc.

Vụ việc của PVX, trách nhiệm ở đây thuộc về UBCK trong việc theo dõi, giám sát. Trách nhiệm thứ hai thuộc về công ty kiểm toán. Tôi nghĩ là còn có rất nhiều doanh nghiệp khác báo cáo gian dối. NĐT nên rút kinh nghiệm. Tôi vẫn luôn kiên trì với chiến lược của mình: danh mục không có quá 5 mã, và Ban lãnh đạo là những người đáng tin cậy.

Xin cảm ơn ông rất nhiều.

Hải Minh

trangntm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên