Nhiều CTCK huy động vốn trái phiếu đón đầu cơ hội
CTCK đang hoạt động tại Việt Nam tập trung nhiều về lượng, nhưng chưa mạnh về chất, thậm chí nhiều CTCK hoạt động rất yếu kém, sẽ dần biến mất.
Các công ty chứng khoán chạy đua tăng sức mạnh tài chính
Một thông tin đáng chú ý vừa được CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) công bố là SHS đã hoàn thành việc huy động 250 tỷ đồng trái phiếu ngày 21/7 vừa qua. Đây là đợt phát hành đầu tiên trong năm 2015 theo kế hoạch đã được ĐHCĐ công ty chứng khoán này thông qua hồi đầu năm.
Lần phát hành này, SHS phát hành trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá 1 tỷ đồng/ trái phiếu, kỳ hạn 2 năm (7/2015 – 7/2017). Lãi suất kỳ 6 tháng đầu cố định là 8,5%/năm. Lãi suất áp dụng cho các kỳ tính lãi tiếp theo được thả nổi với lãi suất tối thiểu bằng trung bình cộng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VND, trả sau, kỳ hạn 12 tháng được công bố tại Sở giao dịch của 04 Ngân hàng thương mại tại Hà Nội với biên độ (+) 2% đến 3%/năm.
Đại diện SHS cho biết, thực hiện mua toàn bộ 250 tỷ trái phiếu trong đợt I/2015 là 3 tổ chức tài chính lớn và uy tín gồm ngân hàng, quỹ đầu tư và công ty bảo hiểm. Việc phát hành thành công 250 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp SHS bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh. Dự kiến, vào cuối năm nay, SHS sẽ phát hành thêm một đợt trái phiếu nữa với quy mô lớn hơn đợt đầu.
Không chỉ có SHS, cuộc chạy đua tăng vốn của các CTCK đã diễn ra từ cuối năm ngoái. Tháng 11/2014, CTCK Ngân hàng Vietcombank (VCBS) đã phát hành thành công 200 tỷ đồng trái phiếu cho các nhà đầu tư cá nhân. MBS dự kiến huy động khoảng 600 tỷ đồng vốn mới từ trái phiếu. Hay SSI cũng dự kiến phát hành từ 1.000 tỷ đồng đến 1.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm.
Đó là chưa kể đến hàng loạt kế hoạch huy động vốn từ phát hành cổ phiếu từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay. Huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu đang được nhiều CTCK lựa chọn nhưng không phải CTCK nào cũng có thể áp dụng phương thức này. Các đợt phát hành trái phiếu thành công thường chỉ thực hiện được tại những CTCK có uy tín, hoạt động hiệu quả, và có dòng tiền ổn định.
Cơ hội đang đến?
Vì sao lại có cuộc chạy đua này?. Không phải tự nhiên mà hàng loạt hãng thông tấn trong và ngoài nước liên tục đưa tin như: “TTCK Việt Nam sắp được nâng hạng”, “Chứng khoán Việt Nam hấp dẫn nhất Đông Nam Á”, “Việt Nam có thể vượt Thái Lan và Phillippine”…Cơ hội nữa-cơ hội tốt đang đến là điều mà nhiều người cảm thấy. Nhiều nhà đầu tư cảm nhận được độ ngấm của chính sách tái cơ cấu đã bắt đầu phát huy tác dụng. Các công ty chứng khoán-những người đi tiên phong trên thị trường chứng khoán-càng không có lý do gì để ngồi yên. Họ khẩn trương làm mới sức mạnh tài chính của mình để đón đầu vận hội mới.
Đó là chưa kể đến lý do khách quan là Thông tư 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực siết nguồn vốn vay từ ngân hàng đổ vào TTCK, bản thân các CTCK còn nhanh chân trong cuộc đua tăng năng lực tài chính bởi cạnh tranh thu hút khách hàng trên thị trường đang ngày một quyết liệt.
Và sự phân hóa sẽ rõ nét
Theo xu hướng hội nhập ngành, các CTCK có năng lực tài chính mạnh sẽ được cung cấp nhiều dịch vụ mới cho nhà đầu tư, đơn cử như các sản phẩm dịch vụ chứng khoán phái sinh, các dịch vụ rút ngắn thời gian thanh toán cho nhà đầu tư, hay mua bán chứng khoán trong ngày…
Khác với vốn vay ngân hàng, có thể tăng giảm quy mô và thời hạn vay một cách linh hoạt, huy động vốn từ trái phiếu có những điều kiện chặt chẽ hơn. Bởi vậy, các CTCK sẽ phải tính toán rất kỹ lưỡng bài toán sử dụng vốn, đồng thời phải năng động tìm kiếm khách hàng, nghiên cứu đưa ra sản phẩm mới để không rơi vào tình trạng “vốn chết” vừa phải trả lãi suất cho trái chủ vừa mất thị phần. Đây là thách thức với các CTCK, song cũng là động lực để TTCK phát triển, nhà đầu tư được phục vụ tốt hơn trong thời gian tới.
Từ nhu cầu tăng vốn của các CTCK và số liệu thống kê về kết quả hoạt động kinh doanh gần đây của các CTCK, thị trường và nhà đầu tư có thể dự đoán một trật tự mới trong bức tranh hoạt động các CTCK đang dần hình thành: Tình trạng các CTCK đang hoạt động tại Việt Nam tập trung nhiều về lượng, nhưng chưa mạnh về chất, thậm chí nhiều CTCK hoạt động rất yếu kém, sẽ dần biến mất.
Thay vào đó, thị trường sẽ có ít CTCK hơn nhưng những công ty phát triển sẽ có quy mô vốn chủ lớn hơn nhiều so với hiện nay, cơ cấu sản phẩm, chất lượng dịch vụ và sự chuyên nghiệp sẽ có sự cải thiện mạnh mẽ. Kinh nghiệm từ các TTCK khu vực và thế giới cũng cho thấy, những CTCK lớn trên thế giới hiện có quy mô vốn bằng toàn bộ các CTCK hiện tại của Việt Nam cộng lại. Thực tế này cho thấy, số lượng CTCK không quan trọng bằng quy mô và chất lượng CTCK.
Tài chính Plus