MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều ngân hàng vẫn dè dặt với UPCoM

Trong số xấp xỉ 40 ngân hàng TMCP đang hoạt động, mới có 4 ngân hàng lên niêm yết.

Có thể nói, cổ phiếu ngân hàng là lượng hàng hoá dồi dào cho thị trường đăng ký giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM).

Ngân hàng muốn cổ phiếu thanh khoản, hạn chế những vụ việc tai tiếng phát sinh trong giao dịch, NĐT cũng muốn có địa chỉ đầu tư an toàn, nhưng vì sao đến nay vẫn chưa có ngân hàng nào lên sàn UPCoM?

Kẻ muốn, người không!

Vốn được xem là cổ phiếu “vua” do tính thanh khoản cao và tốc độ tăng giá nhanh trên thị trường OTC trước đây, cổ phiếu ngân hàng cũng được háo hức mong chờ trên thị trường UPCoM.

Trước ngày vận hành UPCoM, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là cái tên được NĐT nhắc đến nhiều nhất trong số các DN lên đăng ký giao dịch đợt 1.

Theo tìm hiểu, để hoàn chỉnh hồ sơ, SCB đã xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP. HCM về một số vấn đề liên quan đến mua bán cổ phiếu của NĐT nước ngoài trên UPCoM cũng như quy định về chế độ báo cáo giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết. Những vấn đề trên có lẽ nằm ngoài tầm xử lý, nên cơ quan này im lặng khiến SCB chưa thể hoàn thiện hồ sơ lên giao dịch tại UPCoM.

Bà Nguyễn Thị Ngọc, Chánh văn phòng HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, hiện MB đang chờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê chuẩn các chức danh trong HĐQT MB. Sau đó, mới xem xét quyết định các vấn đề như niêm yết hay đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM.

Nói về lộ trình đăng ký lưu ký cổ phiếu của công ty đại chúng tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa đưa ra, bà Ngọc cho biết, đó mới chỉ là hướng dẫn của UBCK.

Còn NHNN chưa có động thái gì, nên cổ phiếu của MB vẫn lưu ký tại CTCK và việc giao dịch của NĐT được thực hiện thông qua xác nhận của MB. Trên thị trường OTC, cổ phiếu MB có tính thanh khoản cao không hẳn do lợi nhuận, tiềm năng Ngân hàng tốt mà do quy trình làm thủ tục chuyển nhượng tại ngân hàng này khá nhanh chóng.

Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Nhà TP. HCM (HDBank), hiện ngân hàng này đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm 2009 sẽ hoàn thành thủ tục đưa cổ phiếu lên giao dịch tại UPCoM. Sở dĩ HDBank lựa chọn UPCoM, chứ không phải thị trường niêm yết là do TTCK chưa hồi phục đến mức kỳ vọng.

Chưa có một bộ hồ sơ đầy đủ

Trên thực tế, có không ít ngân hàng muốn lên UPCoM với mục đích tạo điều kiện cho NĐT mua bán cổ phiếu được minh bạch. Cho dù giao dịch chậm hơn, nhưng được bảo lãnh về thanh toán thông qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán sẽ an toàn hơn rất nhiều cho NĐT.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết, hiện có khá nhiều ngân hàng bày tỏ nguyện vọng lên giao dịch tại UPCoM như SCB, Đại Á, HD Bank. Tuy nhiên, đến ngày 16/7, HNX vẫn chưa nhận được hồ sơ đầy đủ của ngân hàng nào, do họ còn đang chờ giấy phép chấp thuận của NHNN.

Một nguyên nhân quan trọng khiến ngân hàng chưa lên giao dịch tại UPCoM là quy định về tỷ lệ sở hữu đối với NĐT nước ngoài (room). Đối với ngân hàng thực hiện niêm yết thì room cho NĐT nước ngoài tối đa là 30% và việc mua bán của họ không phải báo cáo NHNN. Mặt khác, nếu giao dịch làm thay đổi quá 20% vốn điều lệ, ngân hàng cũng không phải thông báo với NHNN.

Đối với ngân hàng chưa niêm yết, trong đó có cả trường hợp ngân hàng có cổ phiếu giao dịch trên UPCoM, theo quy định hiện hành, NĐT nước ngoài phải xin phép NHNN trước khi mua bán. Ngoài ra, giao dịch làm thay đổi 20% vốn điều lệ, ngân hàng phải tạm ngừng giao dịch để báo cáo NHNN. Có thể nói, đó là nút thắt đáng kể, cản trở việc ngân hàng lên giao dịch tại UPCoM.

Dưới góc nhìn của nhà môi giới OTC, ông Nguyễn Phồn Hậu, Trưởng phòng Môi giới OTC, CTCK EuroCapital cho rằng, ngân hàng chưa lên UPCoM vì chưa thấy lợi ích đáng kể ở đó. Với cơ chế hiện nay (thanh toán T+3, không được ký quỹ, mua - bán khống) thì ngân hàng muốn huy động vốn cũng không dễ dàng gì.

Một nguyên nhân quan trọng nữa, đối với một số ngân hàng có cổ phiếu thanh khoản cao, phí xác nhận chuyển nhượng là nguồn thu rất quan trọng mà nếu vào UPCoM thì họ không còn nữa. “Nếu không thay đổi quy định hiện hành và cho phép thực hiện một số nghiệp vụ mới, thị trường UPCoM khó có thể lôi cuốn ngân hàng nói riêng và DN nói chung đăng ký”, ông Hậu nói.

Với những vướng mắc kể trên, việc lên sàn UPCoM của ngân hàng vẫn đang là câu chuyện khó khẳng định.

Theo Thanh Đoàn
ĐTCK

thanhtu

Trở lên trên