MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhóm cổ phiếu lỗ: Đãi cát tìm vàng

Bên cạnh những DN có lợi nhuận gây ấn tượng đã xuất hiện các DN công bố lỗ nhưng không phải cổ phiếu lỗ nào cũng giống nhau.

Phần lớn tên tuổi này không gây nên sự ngạc nhiên: một số DN ngành thủy sản, vận tải biển và sản xuất vẫn chưa thể gượng dậy sau quý I đầy khó khăn.

Nhưng báo cáo tài chính (BCTC) quý II cho thấy, một số DN đã bắt đầu thấy ánh sáng cuối đường hầm. Số còn lại - sự thoái lui có thể tiếp tục kéo dài, ít nhất trong quý tới.

Tia hy vọng trong sự thoái trào

VN-Index lúc đạt đỉnh cao nhất - phục hồi 117% so với đáy, nhưng với nhóm DN thủy sản có kết quả kinh doanh phụ thuộc vào ngành nghề chính, giá cổ phiếu chỉ tăng khiêm tốn từ 30 - 50%.

Các khó khăn của ngành đã phản ánh tương đối đến sự biến động giá cổ phiếu DN thủy sản trên hai sàn. So với chính mình cách đây 12 tháng, khá nhiều DN thủy sản đang thụt lùi đáng kể: 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của CTCP Thủy sản An Giang (AGF) chỉ đạt 4,28 tỷ đồng, giảm 53,7% so với cùng kỳ; CTCP Basa (BAS) lỗ hơn 3 tỷ đồng trong quý II/2009, nâng số lỗ 6 tháng đầu năm 2009 lên 4,85 tỷ đồng; CTCP Thủy sản Bạc Liêu (BLF) trong quý II/2009 lỗ 620,8 triệu đồng - cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 2 tỷ đồng. Và đặc biệt, một "đại gia" trong ngành - CTCP Nam Việt (ANV) vẫn tiếp tục lỗ.

Vấn đề của các DN xuất khẩu thủy sản là giá bán và đơn hàng đều giảm. Tại ANV, quý II, doanh thu thuần từ bán hàng chỉ đạt 555,26 tỷ đồng, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm trước (1.350 tỷ đồng). Do đó, Công ty lỗ tiếp 18,4 tỷ đồng, nâng mức lỗ trong 6 tháng đầu năm 2009 lên 80,26 tỷ đồng.

Như vậy, đây là quý thứ 3 liên tiếp ANV bị lỗ. Tuy nhiên, đã xuất hiện một số tín hiệu tích cực. Nếu quý IV/2008, ANV lỗ tới 131,16 tỷ đồng thì sang quý I/2009 giảm xuống còn 61,77 tỷ đồng. Và quý II vừa qua, ANV giảm mức lỗ xuống còn 70% so với quý I.

Một dấu hiệu khả quan khác, lượng hàng tồn kho của ANV đang giảm dần: nếu cuối năm 2008, ANV có lượng hàng tồn kho lên tới 679 tỷ đồng thì cuối quý I/2009 chỉ còn 633 tỷ đồng. BCTC quý II vừa qua cho thấy con số này đã giảm thêm chỉ còn 479 tỷ đồng. Thêm nữa, doanh thu bán hàng của ANV đang tăng lên, quý I là 407 tỷ đồng và quý II là 558,7 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu vận tải biển dao động với biên độ phục hồi yếu suốt từ tháng 3 đến tháng 5, bởi các NĐT thận trọng trước các khó khăn của ngành từ tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế. Quý I/2009, CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) lỗ 63,475 tỷ đồng.

Trao đổi khi đó, ông Trương Đình Sơn, Tổng giám đốc VST cho biết, hy vọng quý II Công ty sẽ hòa vốn, quý III sẽ có lãi - đủ bù đắp cho quý I. Và quý IV sẽ quyết định kết quả kinh doanh của cả năm. Trong quý II/2009, thực tế VST suýt thực hiện được "lời hứa" của mình - Công ty chỉ lỗ nhẹ 86 triệu đồng, mức lỗ có thể chấp nhận được so với số lỗ của các DN cùng ngành.

Năm 2009, VST đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế lên tới 116,8 tỷ đồng. Thành thực, rất khó để VST hoàn thành kế hoạch còn lại của năm khi giá cước vận tải biển vẫn chưa phục hồi mạnh. Tuy nhiên, chìa khóa có thể giúp VST bất ngờ cán đích là việc Công ty đã lên kế hoạch bán 2 tàu cũ Hawkone và Fareast.

Quý II, phần lớn DN xây dựng và BĐS công bố kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo. Tuy nhiên, CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) là một ngoại lệ. Lợi nhuận sau thuế của HBC âm 5,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2008 Công ty lãi 4,6 tỷ đồng.

Lý giải điều này, lãnh đạo HBC cho biết, quý II Công ty lỗ hơn 29 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng đất Dự án Hòa Bình Tower. Dường như các nỗ lực mở rộng và đa dạng ngành nghề kinh doanh sang thị trường BĐS lại trở thành một gánh nặng với HBC.

Vì vậy, Công ty có kế hoạch chuyển nhượng một loạt dự án BĐS không có khả năng sinh lợi trong tương lai gần. HBC đang quay lại mảng năng lực lõi - tập trung vào lĩnh vực xây dựng. Việc lỗ của HBC giống chiến thuật "lùi một để tiến hai".

Những cơn bão chưa tan

Quý II, khó khăn với ngành vận tải biển tiếp tục. CTCP Vận tải biển Vinaship (VNA) thông báo lỗ 17,35 tỷ đồng. Dù VNA vừa đưa thêm tàu Vinaship Diamond vào hoạt động, nhưng doanh thu thuần chỉ đạt hơn 158 tỷ đồng, giảm 31,82% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý thứ 3, CTCP Đầu tư và Vận tải Dầu khí Vinashin (VSP) tiếp tục có kết quả kinh doanh âm.

Quý II/2009, VSP tiếp tục lỗ 93,53 tỷ đồng, nâng mức lỗ lũy kế trong nửa đầu năm 2009 lên 205,45 tỷ đồng. Đáng chú ý, vào cuối tháng 6, cuộc họp ĐHCĐ của VSP vẫn thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2009 là 150 tỷ đồng.

Cổ đông Công ty kỳ vọng, 6 tháng còn lại của năm, VSP vẫn cán đích nhờ một số thu nhập đột biến từ việc bán tàu, chuyển nhượng Dự án sân Golf Mê Linh, chuyển nhượng công ty con NamViet Oil, xuất khẩu gạo đi châu Phi và cát đi Singapore…

Tuy nhiên, việc này dường như không dễ dàng. Trả lời báo giới trong quý I, lãnh đạo VSP đã từng "hứa", quý II Công ty cải thiện kết quả kinh doanh nhờ việc xuất khẩu cát từ Campuchia đi Singapore.

Tuy nhiên, với BCTC vừa công bố, cổ đông VSP chưa thấy các chuyển biến tích cực này. Về việc chuyển nhượng dự án sân golf, trong năm 2009 VSP liệu có thể thực hiện khi công tác đến bù giải phóng mặt bằng mới hoàn thành khoảng 60%?

Sự lấn sân của VSP sang lĩnh vực xuất khẩu gạo cũng là một dấu hỏi khi Công ty chưa có kinh nghiệm. Hiện thực hơn cả là việc VSP chuyển nhượng công ty con NamViet Oil. Tuy nhiên, khi việc này chưa thành công, dòng tiền của VSP đang mất cân đối nghiêm trọng: BCTC quý II của VSP cho thấy, Công ty đang vay nợ dài hạn tới 1.760 tỷ đồng!

Đà trượt dốc của CTCP Viễn thông Thăng Long (TLC) vẫn chưa dừng lại. Đây là quý thứ 6 liên tiếp TLC công bố lỗ. Quý II/2009, Công ty tiếp tục lỗ 3,7 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm lên 8,45 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh nghèo nàn của TLC có vẻ là khó khăn của cả ngành cáp vật liệu: CTCP Dây và Cáp điện Taiya (TYA) cũng thông báo quý II/2009 lỗ 9,646 tỷ đồng.

Môt đại gia khác trong ngành là CTCP Cáp và Vật liệu Viễn thông (SAM) dù lãi sau thuế 164,2 tỷ đồng nhưng phần lớn số lãi từ hoàn nhập dự phòng. Quý II, trong mảng sản xuất - kinh doanh chính, doanh thu bán hàng của SAM vẫn thấp hơn giá vốn tới gần 5,5 tỷ đồng.

CTCP Nước giải khát Sài Gòn - Tribeco (TRI) và CTCP Vitaly (VTA) có quý thứ 3 liên tiếp thua lỗ. Lũy kế 6 tháng đầu năm TRI lỗ 36,7 tỷ đồng và VTA lỗ hơn 11 tỷ đồng. Trong ĐHCĐ năm 2009 của TRI, lãnh đạo Công ty xác định việc tăng cường quảng bá thương hiệu là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2009 và đã có nỗ lực trong công tác này.

Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh thực sự của TRI vẫn cần chờ thời gian trả lời. Với VTA, năm 2009 Công ty chỉ đặt khiêm tốn kế hoạch lợi nhuận là 1 tỷ đồng. Thị trường gạch ceramic có tỷ suất lợi nhuận thấp, lại đang phải cạnh tranh quyết liệt. Với số lỗ lũy kế, không dễ cho VTA trong thời gian còn lại của năm có thể đạt tới con số lợi nhuận mong muốn. Sự trở lại của hai cổ phiếu đang trong diện bị cảnh báo vẫn đầy khó khăn.

Với bức tranh cơ bản của nhóm cổ phiếu có kết quả kém khả quan trong quý II được vẽ ra, rõ ràng không phải cổ phiếu lỗ nào cũng giống nhau. Vậy nên, trong nhóm cổ phiếu lỗ, NĐT vẫn có thể "đãi cát tìm vàng".

Theo Giang Thanh
ĐTCK

thanhtu

Trở lên trên