Những cổ phiếu lên sàn rớt giá
Nếu như năm 2014 tạo nên một trào lưu “lên sàn tăng giá” đối với các cổ phiếu mới niêm yết thì có vẻ xu hướng này đã thoái trào trong năm nay khi hầu hết các cổ phiếu lên sàn là giảm giá.
- 06-08-2015Địa ốc Long Điền: 12/8 chào sàn HSX, giá khởi điểm 14.000 đồng/cổ phiếu
- 28-07-2015Digiworld: Chào sàn HSX - hướng tới mục tiêu doanh thu tỷ đô năm 2020
- 10-07-2015HAGL Agrico chào sàn ngày 20/7, định giá 900 triệu USD
Nếu như năm 2014 tạo nên một trào lưu “lên sàn tăng giá” đối với các cổ phiếu mới niêm yết thì có vẻ xu hướng này đã thoái trào trong năm nay khi hầu hết các cổ phiếu lên sàn là giảm giá.
HNG, LDG, DWG – những ngôi sao bị xuống giá trên sàn HOSE
Từ đầu năm đến nay, sàn HOSE đón nhận 15 thành viên mới và sàn HNX có thêm 19 thành viên. Các doanh nghiệp mới niêm yết trên HOSE có một bức tranh sáng sủa hơn sàn Hà Nội khi chỉ có khoảng 3 doanh nghiệp rơi vào cảnh chào sàn rớt giá. Tuy nhiên, đó đều là những doanh nghiệp lớn được nhà đầu tư kỳ vọng như HNG, LDG và DWG.
Cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai lên sàn với phong độ là công ty con đảm nhận toàn bộ mảng nông nghiệp màu mỡ của “ông lớn” Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG). Doanh nghiệp này được gọi là “bom tấn” khi có vốn hóa nằm trong top 10 thị trường, cao hơn cả công ty mẹ. Tuy nhiên cổ phiếu lại có vẻ không hấp dẫn nhà đầu tư khi giá đã đi xuống liên tục và hiện giờ chỉ còn 27.700 đồng – giảm 17,7% so với giá chào sàn.
CTCP Địa ốc Long Điền với mã LDG cũng chào sàn ngày 12/08 trong sự PR của nhiều tay chơi lớn. Là công ty thành viên của Địa ốc Đất Xanh – mã cổ phiếu đang lên của thị trường khi đó, LDG được kỳ vọng nhiều với các dự án tại Đồng Nai, Bình Dương và Phú Quốc nhưng giá LDG chỉ tăng trần phiên đầu tiên rồi lao dốc.
Mã DGW của CTCP Thế giới số Digiworl chào sàn ngày 03/08/2015 với giá tham chiếu 62.000 đồng/cp tương đương vốn hóa hơn 14.600 tỷ đồng, giảm giá liên tục và sau 1 tháng, hiện chỉ còn 46.500 đồng.
Một nửa các mã mới lên sàn HNX giảm giá
10/19 mã mới chào sàn từ đầu năm đến nay của sàn Hà Nội đã rơi vào tình trạng rớt giá ngay sao khi chào sàn. Đứng đầu về mức giảm giá là cổ phiếu HVA của CTCP Nông nghiệp Xanh Hưng Việt với mức giảm gần 63% so với giá chào sàn. Cổ phiếu này còn gây ấn tượng bởi giảm sàn ngay sau tiếng cồng chào sàn và cả 2 phiên ngay sau đó.
Giảm mạnh không kém là cổ phiếu ACM của CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường. Chào sàn ngày 23/07/2015 với giá tham chiếu 10.500 đồng, với vốn điều lệ 510 đồng, Á Cường là một gương mặt lớn trong các mã khoáng sản niêm yết. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn niêm yết và không có biến động giá nổi bật thì ACM đã sản liên tục trong 10 phiên từ ngày 14/08 - 27/08 và rớt xuống mức giá 3.400 đồng rồi mới bật tăng trong 2 phiên gần đây. Theo đó, sau hơn 1 tháng niêm yết, cổ phiếu này giảm 62% so với giá chào sàn.
Ngày 31/08, ACM có công văn giải trình nguyên nhân của 10 phiên giảm sàn này. Theo công ty, nguyên nhân là do biến động thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán thế giới và trong khu vực, cũng như Việt Nam dẫn đến làn sóng bán tháo cổ phiếu trên thị trường và làm ảnh hưởng đến cổ phiếu ACM.
Một số cổ phiếu đi theo xu hướng giảm từ khi niêm yết đến nay và ghi nhận mức giảm lớn như KVC của CTCP Sản xuất xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ (giảm 40%), cổ phiếu HKB của CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội – Kinh Bắc (giảm 53%), TTB của CTCP Tập đoàn Tiến Bộ (giảm 31,3%).
Cổ phiếu KVC thậm chí đã tăng trần trong 3 phiên đầu tiên, sau đó mới bắt đầu chuỗi giảm sàn và giảm giá liên tục.
Một số cổ phiếu có mức giảm thấp hơn như PBP của CTCP Bao bì Dầu khí Việt Nam, PHP của CTCP Cảng Hải Phòng, PCE của CTCP Phân bón và hóa chất Dầu khí miền Trung hay DPS của CTCP Đầu tư phát triển Sóc Sơn.
Nguyên nhân liệu có thể do đâu?
3 doanh nghiệp lớn rơi vào cảnh chào sàn rớt giá trên HOSE đều niêm yết vào thời điểm khó khăn của thị trường chứng khoán nói chung. Từ cuối tháng 7/2015 đến ngày 24/08 là giai đoạn đen tối của thị trường với nhiều biến động bất lợi về kinh tế quốc tế và vĩ mô dẫn đến sự lao dốc của các chỉ số. HNG niêm yết ngày 20/07, DWG niêm yết ngày 03/08, LDG niêm yết ngày 12/08 và có thể đã bị ảnh hưởng mạnh bởi thị trường chung.
Đây cũng là nguyên nhân được nhắc đến trong công văn giải trình giảm sàn 10 phiên liên tục của cổ phiếu ACM thuộc sàn Hà Nội.
Song cũng thấy rằng, năm ngoái, sàn HNX chính là nơi tập trung đa số cổ phiếu có hiện tượng “lên sàn tăng giá”. Một đơn vị tư vấn đã tiết lộ, việc lên sàn tăng giá này ít nhiều có sự tác động của các đội lái, đặc biệt là với những mã nhỏ được chi phối bởi cổ đông nội bộ. Tuy nhiên do đã hoạt động hơi “mạnh tay” trong năm trước nên năm nay, dưới sự giám sát chặt chẽ hơn của cơ quan quản lý, các đội chơi cũng phải giảm liều lượng.
Bên cạnh đó, giá cổ phiếu là do thị trường đánh giá. Nếu nhà đầu tư không đánh giá cao về doanh nghiệp thì việc cổ phiếu rớt giá cũng không có gì khó hiểu.
Trí Thức Trẻ