MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nổi trào lưu phát hành cổ phiếu riêng lẻ

Liệu cổ đông chiến lược có tận dụng những cơ hội doanh nghiệp "khát" tiền để từng bước thâu tóm công ty còn là vấn đề chỉ có thời gian mới có thể trả lời được!


Việc hút vốn từ cổ đông hiện hữu tỏ ra kém hiệu quả hơn khi khá nhiều doanh nghiệp phát hành cho đối tượng này bị thất bại. Số thành công 100% thường là rất hiếm hoi.

Bối cảnh này khiến nhiều doanh nghiệp tìm đến cho mình một trợ lực khác: cổ đông chiến lược. Hàng loạt kế hoạch tăng vốn cho nhóm đối tượng này đang được các công ty trình ĐHCĐ thông qua.

Liên quan đến việc tái cấu trúc Gỗ Trường Thành (TTF), HĐQT công ty đã thống nhất ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT thực hiện việc bán nợ cho DATC đối với bất kỳ khoản nợ ngân hàng nào. Đồng thời, công ty dự kiến phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ ở mức không quá 1.000 tỷ đồng và phát hành tăng vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài ở quy mô hợp lý từ 10 - 20%. Vậy là, chưa có phương án cụ thể nhưng doanh nghiệp gỗ nổi danh này đã và đang tìm cho mình dòng vốn từ cổ đông chiến lược trong bối cảnh thiếu vốn để tái cấu trúc tài sản.

Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện-
PTC cần một cú huých để thoát khỏi tình trạng "con gà - quả trứng"
về tạo ra công việc và nguồn tiền. Không vay được, không thu hồi các khoản phải thu được, chỉ còn cách phát hành thêm cổ phiếu. HĐQT công ty sắp sửa xin ý kiến ĐHCĐ phát hành 10 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược với giá không thấp hơn 5.600 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về 56 tỷ đồng.

Hay như Sông Đà 5 (SD5) vừa ngỏ muốn phát hành 6 triệu cổ phiếu cho Tổng công ty Sông Đà. Những gì công ty phải làm bây giờ là thuyết phục các cổ đông khác đồng tình ủng hộ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

Một vấn đề quan trọng vừa được đưa ra trong đại hội lần này của Công ty Cổ phần Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (API) là việc phát hành riêng lẻ 10 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu, tăng vốn từ 264 tỷ đồng lên 364 tỷ đồng năm 2014. Thị giá của API hiện đang cao hơn giá phát hành dự kiến. Cùng kế hoạch này, API cũng đã bổ sung cho mình thêm thành viên HĐQT mới trong đó có 1 thành viên người nước ngoài-là "sếp" của cổ đông lớn của API.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương-APS cũng trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 390 tỷ đồng lên 410 tỷ đồng thông qua chào bán riêng lẻ 2 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược với giá bán 10.000 đồng/CP (cao hơn thị giá hiện tại).

ĐHCĐ Công ty cổ phần Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) tổ chức ngày 15/3 vừa qua đã thông qua việc phát hành thêm 18,9 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 161 tỷ đồng hiện tại lên 350 tỷ đồng. Không nêu rõ phương án phát hành nhưng bản kế hoạch dài của công ty có "hé lộ" thông tin liên quan đến chào bán cho cổ đông chiến lược. Kế hoạch mới được vạch ra trên giấy nhưng IVS cũng vừa có động thái bầu 2 người là sếp của cổ đông lớn-Công ty Nguyên Hà Á Châu-vào HĐQT. Và, ông Dương Hiểu Đông-sếp của Chứng khoán Tràng An-cũng lọt danh sách lãnh đạo IVS.

SHN-Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội là một trong những cổ phiếu nổi danh thị trường thời gian qua bởi biến động giá cổ phiếu khá bất ngờ. Công ty cũng vừa lên kế hoạch phát hành 20 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược và phát hành riêng lẻ cho đối tác khác 5 triệu cổ phiếu với giá không dưới 10.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu được từ đợt phát hành, nếu thành công, không dưới 200 tỷ đồng sẽ được bổ sung nguồn vốn cho các hoạt động kinh doanh chính (sàn giao dịch bất động sản, xuất khẩu lao động, xuất nhập khẩu hàng hóa,...) và một phần vốn phục vụ các dự án mà công ty đang triển khai dở dang như: Dự án khu nhà ở, văn phòng làm việc Tây Mỗ, Dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp ATK tại phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh,...Đợt xin ý kiến phát hành diễn ra từ 13/2 đến 10/3 nhưng đến nay công ty vẫn chưa công bố kết quả cuối cùng.

Phải nói rằng, việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược không những là phương án giúp công ty có thêm vốn liếng cho hoạt động kinh doanh của mình mà ở khía cạnh nào đó còn giúp công ty củng cố bộ máy điều hành. Tuy nhiên, câu chuyện vai trò của cổ đông chiến lược đến đâu và liệu có rủi ro gì trong việc cổ đông chiến lược tận dụng những cơ hội doanh nghiệp "khát" tiền để từng bước thâu tóm công ty còn là vấn đề chỉ có thời gian mới có thể trả lời được.
Thanh Hiên

thanhhuong

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên