MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Tống Minh Tuấn: Thoái vốn tại Vinamilk là bình thường, SCIC nắm là để thoái

Việc tìm một thời điểm thích hợp để bán vốn với giá trị cao và thu được 1 khoản tiền lớn nếu có lợi hơn là việc giữ lại cổ phần nhà nước để hưởng cổ tức hàng năm thì sẽ là việc thể hiện được vai trò rất lớn của SCIC.

Ngày 13/10/2015, thông tin Chính phủ ra quyết định thoái toàn bộ vốn của SCIC (Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước) tại Vinamilk và 9 doanh nghiệp đang “ăn nên làm ra” thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Không chỉ vì quy mô thoái vốn (khoảng 3 tỷ USD), mà còn cách thức, phương án thoái vốn, cơ hội dành cho các tổ chức trong và ngoài nước đối với những doanh nghiệp này. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Tống Minh Tuấn – Giám đốc khối IB – Công ty chứng khoán Vietcombank – doanh nghiệp đã trực tiếp thực hiện nhiều thương vụ thoái vốn của SCIC – xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, ông cho rằng sự thay đổi đột ngột trong phương án thoái vốn của SCIC bắt nguồn từ đâu?

Thực ra nếu nói đây là sự thay đổi đột ngột trong phương án thoái vốn của SCIC thì không đúng. Về cơ bản tất cả những doanh nghiệp mà SCIC nắm là để thoái, chỉ có điều tùy theo từng tiêu chí đầu tư và nắm vốn của nhà nước mà SCIC sẽ thoái theo thời gian nào mà thôi.

Với thông tin gần đây đề cập việc Chính phủ yêu cầu SCIC thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn tôi cũng chưa nhìn thấy chi tiết thời gian cụ thể của việc thoái vốn này như thế nào. Yêu cầu của chính phủ chỉ là SCIC xây dựng kế hoạch chi tiết và trình Chính phủ thoái theo chủ trương lựa chọn thời điểm thích hợp và thoái hiệu quả. Tức là trước đây chưa có kế hoạch chi tiết thì giờ sẽ có kế hoạch chi tiết.

Mặc dù vậy theo quan điểm của tôi nhà đầu tư không nên quá kì vọng việc thoái này có thể diễn ra trong nay mai, vì từ lúc có chủ trương đến lúc hoàn thành việc thoái vốn thành công có thể kéo dài hàng năm. Áp lực của việc SCIC xây dựng kế hoạch thoái nhanh hay chậm có thể liên quan phần nào tới áp lực ngân sách trong các năm tới.

Tôi kỳ vọng việc thoái này nếu diễn ra sẽ mang lại một diện mạo sôi động mới cho thị trường chứng khoán.Tuy nhiên có lẽ nó sẽ xây dựng kế hoạch cẩn thận vì đây đều là các doanh nghiệp lớn, và có lẽ không diễn ra nhanh như các nhà đầu tư nghĩ.

Về mặt logic, ông có cho rằng SCIC sẽ “vui vẻ” thoái vốn như chủ trương của Chính phủ?

SCIC là cơ quan có tên gọi là Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, nhưng theo tôi việc thoái vốn mới là chức năng chính của SCIC. Trong việc thoái vốn thì giờ mới là lúc SCIC thể hiện vai trò của mình với việc thoái 10 doanh nghiệp lớn này vì nó có ảnh hưởng và tác động tới nhiều phía. Đây vừa là trách nhiệm cũng như động lực của SCIC trong việc thực hiện vai trò của mình với Chính phủ. Có thể nói đây là giai đoạn Vượt Vũ môn của SCIC

Còn ý bạn đề cập đến việc “vui vẻ” theo tôi hiểu là bạn muốn nói tới việc SCIC có vui vẻ không khi phải bán đi những hàng hóa tốt nhất?.

Nếu xét trên khía cạnh kinh doanh thì doanh thu hàng năm từ cổ tức từ 10 doanh nghiệp này đóng góp một tỷ lệ rất lớn (đặc biệt là Vinamilk) nên đương nhiên xét trên yếu tố này thì doanh thu hàng năm của SCIC sẽ bị sụt giảm. Vai trò của SCIC sau khi thoái xong, tức là thực hiện xong “sứ mệnh” chính của mình cũng sẽ giảm bớt. Chính vì vậy như tôi đã nói việc SCIC thực hiện sứ mệnh này ra sao mới trở nên quan trọng.

Việc tìm một thời điểm thích hợp để bán vốn với giá trị cao và thu được 1 khoản tiền lớn nếu có lợi hơn là việc giữ lại cổ phần nhà nước để hưởng cổ tức hàng năm thì sẽ là việc thể hiện được vai trò rất lớn của SCIC. Tôi nghĩ việc này nó sẽ quan trọng và nâng tầm của SCIC hơn là việc giữ lại doanh nghiệp tốt và báo cáo kết quả nhận cổ tức hàng năm từ những doanh nghiệp này, vì sứ mệnh của SCIC rõ ràng không phải là như vậy.

Cho nên bạn hỏi SCIC có “vui vẻ” thoái vốn theo chủ trương của CHính phủ hay không, thì phải tùy thuộc vào việc SCIC coi trọng yếu tố nào như trên tôi đề cập

Trong trường hợp tổ chức này chưa muốn thoái vốn, họ có những cách nào để trì hoãn?

Có nhiều nhà đầu tư thường hiểu sai về việc “chưa muốn thoái vốn” của SCIC. Việc chưa muốn thoái hay chậm trễ trong việc đẩy nhanh tiến độ thoái vốn của SCIC theo kinh nghiệm của tôi đến từ rất nhiều yếu tố.

Tuy nhiên, yếu tố xuyên suốt của việc này bao giờ cũng là vấn đề về hiệu quả của việc thoái vốn. Khi gặp điều kiện thị trường không thuận lợi, hoặc chưa tìm được người mua hiệu quả, SCIC có thể làm chậm lại quá trình này. Tiêu chí này luôn được ưu tiên nên nên ngay cả khi đã có kế hoạch thoái, nếu điều kiện về hiệu quả thoái không đạt, SCIC cũng sẽ chưa thực hiện.

Cần lưu ý rằng SCIC có các chỉ tiêu kế hoạch hằng năm giữa các ban về thoái vốn chứ không có chỉ tiêu về trì hoãn, nên việc muốn trì hoãn theo tôi là không có cơ sở. Còn đối với việc thoái các doanh nghiệp trọng điểm tới đây, việc thoái được giám sát rất chặt chẽ, nên việc tính toán, xây dựng kế hoạch để hoàn thiện việc thoái này phải được thực hiện rất cẩn thận. Thời gian của việc thoái có thể kéo dài hơn từ việc tìm nhà đầu tư tốt, nhà đầu tư có quy mô đủ lớn, xây dựng hoàn thiện các quy chế bán và các thủ tục này có thể phức tạp hơn các việc thoái vốn thông thường, đặc biết với nhà đầu tư nước ngoài. Cho nên tất cả những việc này có thể khiến nhà đầu tư có cảm giác SCIC “trì hoãn”, nhưng thực tế không phải vậy. Chủ yếu vẫn là việc thoái vốn các doanh nghiệp trọng điểm luôn cần sự cẩn trọng hơn.

Ông nghĩ SCIC sẽ thoái vốn khỏi Vinamilk cho nhà đầu tư nội hay ngoại, và mất bao lâu để thoái vốn?

Với doanh nghiệp như Vinamilk, cá nhân tôi cho rằng có lẽ các nhà đầu tư ngoại sẽ có lợi thế, và nhiều khả năng nhà đầu tư ngoại sẽ là đối tượng được nhắm tới trong thương vụ thoái vốn này. Ngoài yếu tố đòi hỏi về quy mô, các yếu tố về công nghệ, đã tham gia cung ứng trong ngành dọc của Vinamilk v.v… tôi cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ sẵn sàng trả mức giá cao hơn khi họ có những lợi thế nhất định hơn khi tham gia đầu tư vào thị trường cung ứng sữa tại Việt Nam.

Xin chân thành cảm ơn ông.

Đan Nguyên

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên