MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PAN thế chân HVG cho những vụ M&A?

Sau hàng loạt thương vụ M&A 2-3 năm vừa qua, HVG bây giờ như một quả bóng bơm quá căng. PAN chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhân sự đến tài chính. Có thể, PAN sẽ thế chân HVG trong những bàn M&A.

"Định hướng của PAN muốn trở thành công ty nông nghiệp hàng đầu, theo hướng CPFood hoặc Indofood tức là đầu tư trên 51% vào các công ty nông nghiệp có các chuỗi liên kết với nhau" là phát biểu của cựu CEO Công ty Cổ phần Xuyên Thái Bình (PAN). Đối với những người không biết PAN, sốc là chuyện dễ hiểu. Nhà đầu tư tinh ý có thể nhận ra: PAN dấn thân vào ngành nông nghiệp không phải quyết định nhất thời hay lạ.

Thành lập năm 1998, Pan Pacific là công ty cung cấp dịch vụ vệ sinh công nghiệp và bảo dưỡng bất động sản, nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện và siêu thị…Những ngành nghề chính mang lại doanh thu trên 10% cho công ty gồm: Dịch vụ vệ sinh nhà cửa, dịch vụ quản lý nhà cao tầng, căn hộ, mua bán thiết bị vệ sinh công nghiệp và các hoạt động đầu tư. Vậy là, chữ nông nghiệp chưa hề mảy may xuất hiện trong các báo cáo của PAN.

Chọn bước sang ngang

Từ cung cấp dịch vụ công nghiệp, PAN "muốn trở thành công ty nông nghiệp hàng đầu". Chữ hàng đầu-tất nhiên-sẽ không thể chỉ đầu tư nửa vời hay không toan tính mà phải là nước cờ mười phần chắc đến tám.

Lãnh đạo PAN là ai? Ít nhất, vợ ông Nguyễn Hồng Nam là bà Hà Thị Thanh Vân cũng đang giữ chức Thành viên HĐQT PAN. Ông Nam là em ruột ông Nguyễn Duy Hưng-SSI. Đến đây, người đọc bắt đầu nhìn thấy cơ duyên của PAN với ngành nông nghiệp mà ông Hưng và nhóm SSI đã dày công theo đuổi không ít thời gian.

"Chúng tôi làm nông nghiệp nên cần những nhà khoa học, ông Long là Chủ tịch Hiệp hội Giống và cây trồng và cô My có kinh nghiệm làm việc làm trong ngành biotech, là những ngành bổ sung thức ăn gia súc". Ngoài ra, ĐHCĐ vừa qua của PAN cũng bổ nhiệm thêm những nhà khoa học là bà Nguyễn Thị Trà My và ông Trần Đình Long cho mục đích nhảy vào nông nghiệp một cách chuyên nghiệp.

Ai nắm giữ PAN? Soi cổ đông lớn của PAN, câu chuyện vì sao PAN vào nông nghiệp đã được vỡ lẽ đến 5-6 phần. Nhóm SSI nắm giữ hơn 60% cổ phần PAN. Nếu không đồng thuận ở điểm nào đó thì chắc chỉ còn là ý kiến của cổ đông nhỏ lẻ. Số phận PAN-với tỷ lệ sở hữu như hiện tại-sẽ dễ an bài.

Có đủ kinh nghiệm của nhà đầu tư tài chính, có nhà khoa học thực sự để không bước vào ngành nông nghiệp bằng một chân. Quá hợp lý cho bước chân dịch vụ công nghiệp rẽ ngang nông nghiệp của Pan pacific.

Thế chân Hùng Vương cho những cuộc M&A?

HVG đang như quả bóng bơm căng: Sau hàng loạt thương vụ M&A 2-3 năm vừa qua, HVG bây giờ như một quả bóng bơm quá căng. Nếu bơm thêm, nguy cơ xì hơi sẽ rất cao. 

Chỉ nhìn qua cơ cấu tài sản của HVG cuối năm 2012, nhà đầu tư đã có thể thấy hạng mục tồn kho và phải thu chiếm tỷ trọng quá lớn. Sự xuống dốc của ngành thủy sản bởi khó khăn kinh tế và tập quán nuôi trồng từ xưa đã có lẽ sẽ khiến công ty phải tạm dừng các cuộc M&A lâu nay vẫn ghi dấu ấn ngành thủy sản.

Nền kinh tế không thể dừng trôi đợi HVG. PAN-với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhân sự đến tài chính- ắt hẳn sẽ thế chân.

PAN sẵn sàng bơm hơi: 15 năm cung cấp dịch vụ công nghiệp, PAN gom góp cho mình không ít của để dành. Vốn cổ phần chỉ 115,5 tỷ đồng nhưng tổng vốn chủ sở hữu cuối năm 2012 gần gấp 3 lần lên 326 tỷ đồng trong đó 108 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần và 88 tỷ đồng lãi chưa phân phối. Không vay nợ. Lĩnh vực vệ sinh công nghiệp vẫn còn thị trường nhưng cạnh tranh đang ngày càng gay gắt, cần nhiều nhân công nhưng lao động phổ thông đang ngày càng khan hiếm. Tiền khá dồi dào trong bối cảnh lãi suất huy động của ngân hàng đang xuống thấp, tất yếu, PAN lọt vào tầm ngắm cho bàn đạp các thương vụ M&A mới.

Chỉ mới những tháng cuối năm 2012 thì PAN mới có cơ cấu tài sản "đỡ phí" như trên. Trước đây, công ty không đầu tư vào liên doanh, liên kết nhưng tháng 7 năm 2012 đã mua vào 2,6 triệu cổ phiếu AGF. Khoản đầu tư này chiếm đến 36% tài sản của PAN và có lẽ, đây là thương vụ đầu tiên công ty nhúng tay vào thủy sản. Sau AGF là thương vụ mua ABT những tháng đầu năm 2013. Nếu mọi chuyện diễn biến thành công, ABT sẽ thành công ty con của PAN.

Lực PAN có mỏng? Vốn điều lệ hơn 100 tỷ đồng, nhiều nhà đầu tư lo ngại lực PAN quá mỏng cho những thương vụ M&A. Nhưng, không! PAN đã đi trước một bước khi trước thềm ĐHCĐ đã kịp gọi 200 tỷ đồng từ chào bán cổ phần riêng lẻ. Chưa sử dụng đòn bẩy tài chính, có thêm vốn từ đợt phát hành, PAN đủ lực để thực hiện dần những thương vụ M&A.

Thanh Hiên

thanhhuong

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên