MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Pha loãng cổ phiếu - Nỗi lo có thật

Số vốn thu hút từ việc phát hành thêm này dự kiến lên tới 32.000 tỷ đồng (ấy là chưa kể đến khoảng 44.000 tỷ đồng mà các Ngân hàng TMCP chưa niêm yết sẽ huy động).

Các doanh nghiệp cả niêm yết và chưa niêm yết liên tiếp công bố kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu mới với số vốn dự kiến lên tới vài chục nghìn tỷ đồng đang khiến nỗi lo pha loãng cổ phiếu trở nên có thật hơn bao giờ hết.

Vốn tăng đến chóng mặt

Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 156 trên tổng số 405 doanh nghiệp niêm yết tiến hành đại hội cổ đông và công bố kế hoạch phát hành, dự kiến sẽ phát hành thêm tới 2,8 tỷ cổ phiếu trên tổng số 9,4 tỷ cổ phiếu của các doanh nghiệp này đang lưu hành.

Số vốn thu hút từ việc phát hành thêm này dự kiến lên tới 32.000 tỷ đồng (ấy là chưa kể đến khoảng 44.000 tỷ đồng mà các Ngân hàng TMCP chưa niêm yết sẽ huy động).

Cũng cần phải nói rằng, trong số các doanh nghiệp đã công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu thì nhóm ngành ngân hàng chiếm tỷ lệ áp đảo. Trong 6 ngân hàng đã niêm yết thì có tới 5 ngân hàng đã công bố kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu với số vốn huy động dự kiến lên tới 13,8 nghìn tỷ đồng (trừ Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam EIB do đã phát hành hết 30% cho các đối tác chiến lược trong các năm trước). Đáng nói hơn, con số 32.000 tỷ đồng vẫn chưa phải là con số cuối cùng bởi vẫn còn tới 118 doanh nghiệp niêm yết chưa tiến hành đại hội cổ đông.

Câu hỏi đặt ra lại tại sao các doanh nghiệp niêm yết lại phát hành vốn cổ phần lớn như vậy? Theo nhiều chuyên gia, sở dĩ có tình trạng này là do thời gian qua, việc vay vốn ngân hàng với mức lãi suất chấp nhận được thực sự quá khó khăn.

Thực tế thì tăng trưởng tín dụng vẫn thấp và mặt bằng lãi suất vẫn chưa giảm như mong muốn, do vậy huy động vốn cổ phần thực sự là một kênh đáng được chú ý với các doanh nghiệp.

Cần phải thấy rằng, nguồn cung cổ phiếu lên tới 76.000 tỷ như đã nói trên thực sự là một con số không chỉ rất lớn trong bối cảnh hiện tại mà cả so với các năm trước.

Đặc biệt, năm nay, hình thức phát hành phổ biến là “phát hành cho cổ đông hiện hữu (chiếm gần 65%) nên việc cổ đông phải chuẩn bị tiền để mua thêm cổ phiếu là cần thiết.

Thời điểm tăng vốn được thông báo chủ yếu sẽ thực hiện từ tháng 6 đến cuối năm mà chủ yếu là vào tháng 6 như phần lớn các doanh nghiệp đã công bố do vậy, áp lực dòng tiền sẽ đến trong vòng 1 - 2 tháng nữa.

Khó tránh được tình trạng “pha loãng”

Như trên đã nói, tổng số vốn huy động từ thị trường của 156 doanh nghiệp niêm yết đã công bố kế hoạch phát hành lên đến 32.000 tỷ với 2,8 tỷ cổ phiếu dự kiến phát hành (trên tổng số 9,4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành).

Như vậy, tốc độ tăng vốn điều lệ là 29%. Do vậy, để tránh hiệu ứng pha loãng cổ phiểu thì lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) của các doanh nghiệp này trong năm 2010 cũng sẽ phải tăng với tốc độ 29%. Đây thực sự là một thách thức quá lớn đối với các doanh nghiệp.

Trên thực tế, con số ước tính của HSBC về tăng trưởng EPS năm 2010 bình quân của TTCKVN là 18%. Nếu theo ước tính của HSBC thì mức chênh lệch giữa gia tăng cổ phiếu và gia tăng lợi nhuận cho cổ đông sẽ lên tới 11%.

Xin được nhắc lại rằng, trong số các doanh nghiệp thực hiện phát hành thêm cổ phiếu, nhóm ngành ngân hàng chiếm tỷ lệ áp đảo.

Tổng số vốn thu hút từ ngành này lên tới hơn 62.000 tỷ đồng nhằm đáp ứng yêu cầu vốn tối thiểu lên 3.000 tỷ. Điều này cũng có nghĩa là áp lực pha loãng cổ phiếu ngành ngân hàng lớn hơn hẳn so với các ngành khác.

Pha loãng cổ phiếu là hiện tượng suy giảm lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) do phát hành cổ phiếu mới bởi các hình thức khác nhau (phát hành cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ, phát hành cho CBCNV, phát hành trái phiếu có quyền chuyển đổi thành cổ phần).

Cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu không làm pha loãng cổ phiếu do không có nguồn tiền mới vào doanh nghiệp và tăng trưởng EPS là không đổi.

Cổ phiếu thưởng và cổ tức bằng cổ phiếu chỉ có tác động tâm lý do tính thanh khoản của cổ phiếu được cải thiện (do giá giảm tương ứng với số cổ phiếu tăng thêm theo tỷ lệ thưởng).

Theo Ngân Anh

Báo GTVT

thanhhuong

Trở lên trên