MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó chủ tịch Câu lạc bộ các CTNY: Năm mới nhưng sẽ vẫn tiếp tục các kiến nghị cũ

Tuy nhiên, khi nói về năm 2015 ông Tâm cho rằng: Năm nay sẽ là một năm còn đầy thử thách cho các doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư.

Tóm tắt:

- Ông Nguyễn Băng Tâm – Phó tịch Câu lạc bộ các Công ty niêm yết cho rằng năm nay sẽ là một năm còn đầy thử thách cho các doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư.

-Ông Tâm kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục có những sách ưu đãi về thuế nhằm nâng đỡ tiếp sức cho thị trường chứng khoán để có thể tiếp tục hồi phục trong năm 2015 và những năm tiếp theo.

-Đại diện câu lạc bộ các công ty niêm yết còn cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên cho phép hoặc tiếp tục kiến nghị để doanh nghiệp niêm yết được phát hành dưới mệnh giá, nhằm giúp doanh nghiệp tuy tài chính còn khó khăn nhưng có dự án kinh doanh, đầu tư mở rộng sản xuất.


Theo ông Nguyễn Băng Tâm – Phó tịch Câu lạc bộ các Công ty niêm yết (CTNY), năm 2014 số công ty niêm yết hoạt động có lãi tăng khoảng 5 – 6% so với cùng kỳ năm 2013.  Tổng lợi nhuận sau thuế của toàn bộ các công ty niêm yết trong năm 2014 tăng từ 6- 7%, đồng thời có gần 100 doanh nghiệp phát hành tăng vốn thành công với 23.000 tỷ đồng để bổ sung vào nguồn vốn sản xuất kinh doanh…

Tuy nhiên, khi nói về năm 2015 ông Tâm cho rằng: Năm nay sẽ là một năm còn đầy thử thách cho các doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư.

“Chúng tôi vừa là nhà quản trị doanh nghiệp vừa là người thường xuyên gần gũi với nhà đầu tư, cũng vừa là cổ đông góp phần hình thành nên những công ty niêm yết và chúng tôi đều nhận thấy vẫn còn nhiều băn khoăn của nhà đầu tư vào triển vọng phát triển của thị trường trong năm 2015” – Ông Tâm nói.

Ông Tâm khẳng định, những kiến nghị như: Dừng truy thu thuế doanh nghiệp niêm yết và cho phép doanh nghiệp được niêm yết dưới mệnh giá… sẽ tiếp tục là những kiến nghị của các doanh nghiệp niêm yết gửi đến các cơ quan, bộ ban ngành trong năm nay.

Không nên truy thu thuế doanh nghiệp niêm yết

Đại diện cho các doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn tác động đến thị nfgc hứng khoán ảnh hưởng đến tình hình huy động vốn của các doanh nghiệp niêm yết, thị trường rất cần các chính sách để kích động sự sôi động của thị trường cũng như khuyến khích sự tham gia niêm yết của các công ty đại chúng. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục có những sách ưu đãi về thuế nhằm nâng đỡ tiếp sức cho thị trường chứng khoán để có thể tiếp tục hồi phục trong năm 2015 và những năm tiếp theo.

Trong các năm trước đã có chủ trương miễm, giảm thuế cho các doanh nghiệp cổ phần hóa, các doanh nghiệp ên sàn 2 năm đầu được miễn, giảm thuế nhưng hiện nay lại có chủ trương không ưu tiên khiến một số doanh nghiệp đang bị hồi tố dẫn đến khiếu kiện kéo dài, nhiều doanh nghiệp đã hạch toán trong các năm trước giờ khó có thể giải quyết dứt điểm.

Theo ông Tâm, năm 2014 Câu lạc bộ các công ty niêm yết đã tập hợp kiến nghị của các doanh nghiệp để gửi đến Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm vấn đề này. Chính vì thế kiến nghị không truy thu thuế doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục kiến nghị đến các cơ quan có liên quan.

Được biết, tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2014 của Bộ Tài chính trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến vấn đề này Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Lê Hồng Hải cho biết, Bộ Tài chính đã họp, trao đổi với các doanh nghiệp về hướng tháo gỡ khó khăn nêu trên. Trên cơ sở các ý kiến này, ngày 12/6/2014, Bộ Tài chính đã có Công văn số 7817/BTC-TCT tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 30/6/2014, Văn phòng Chính phủ có Công văn trả lời số 4835/VPCP-KTTH. Theo đó, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo: về nguyên tắc, việc ưu đãi thuế TNDN đối với trường hợp niêm yết chứng khoán lần đầu giai đoạn 2004 - 2006 phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 794/VPCP-KTTH ngày 29/1/2014.

Để xử lý khó khăn, vướng mắc như báo cáo của Bộ Tài chính tại Công văn 7817/BTC-TCT, đồng ý về nguyên tắc thực hiện truy thu thuế TNDN phải nộp sau khi trừ đi phần lãi hoặc cổ tức đã chia cho đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng thời giao Bộ Tài chính làm việc với các đơn vị, tổ chức đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp được nhận phần lãi cổ tức được chia này để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bà Hải cho biết thêm, vì tính chất phức tạp của vấn đề truy thu thuế TNDN đối với các doanh nghiệp có chứng khoán niêm yết lần đầu giai đoạn 2004 - 2006, nên trên cơ sở nguyên tắc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tùy từng trường hợp cụ thể, Bộ Tài chính sẽ có hướng xử lý phù hợp.

Nên cho DN được phép niêm yết dưới mệnh giá

Đại diện câu lạc bộ các công ty niêm yết còn cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên cho phép hoặc tiếp tục kiến nghị để doanh nghiệp niêm yết được phát hành dưới mệnh giá, nhằm giúp doanh nghiệp tuy tài chính còn khó khăn nhưng có dự án kinh doanh, đầu tư mở rộng sản xuất góp phần “làm khỏe” doanh nghiệp niêm yết.

Hiện nay, các cơ quan quản lý như Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn còn máy móc trong việc quy định:  Vốn chủ sở hữu phải chia đủ cho 10 mới được phát hành, nếu không đủ coi như cổ đông chưa góp vốn.

“Vì sợ một số doanh nghiệp xấu có thể lợi dụng mà ngăn cấm không cho các doanh nghiệp chân chính có cơ hội phát triển là điều khó chấp nhận” – Ông Tâm nói.

Bên cạnh đó, câu lạc bộ các công ty niêm yết cũng kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục xử lý 3 lĩnh vực là mở rộng tín dụng, xử lý hàng tồn kho, xử lý nợ xấu. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành, đại phương nhanh có các giải pháp để hỗ trợ doanhh nghiệp vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý, từng bước thu hẹp lãi suất huy động và cho vay. Khẩn trương hoàn thiện và triển khai Đề án xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nợ chéo giữa các doanh nghiệp, nợ xấu đối với các dự án bất động sản; xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước…

Khánh Nhi

Hạnh Lệ

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên