MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quản lý chặn “room” của NĐT nước ngoài: Nhìn từ Mekophar

Vụ Cty CP Hóa - Dược phẩm Mekophar phải hủy niêm yết trên sàn CK về mặt pháp lý có thể đúng. Thế nhưng, đằng sau câu chuyện cho thấy sự lủng củng trong các quy định pháp luật và khâu quản lý nhà nước.

Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài

Theo quyết định số 55/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thì nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ tối đa 49% tổng số cổ phần của công ty niêm yết. Tuy nhiên, văn bản này lại quy định thêm “trường hợp tỷ lệ sở hữu bên nước ngoài được phân loại theo danh mục ngành nghề cụ thể thì áp dụng theo danh mục phân loại”.

Thêm vào đó, Quyết định 88/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam, đã quy định rõ rằng “tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh thương mại dịch vụ tuân theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”.

Trong vụ việc Mekophar, nguyên nhân công ty này xin hủy niêm yết là vì muốn bổ sung ngành nghề phân phối bán buôn bán lẻ dược phẩm. Khi làm thủ tục đăng ký bổ sung ngành kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh phát hiện Mekophar có cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài và vì vậy mới có văn bản yêu cầu giảm tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh hoàn toàn đúng luật. Thật vậy, Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg về công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa theo cam kết WTO có quy định: dược phẩm thuộc ngành hàng mà nhà đầu tư nước ngoài không được quyền phân phối.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, một khi Mekophar có cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài thì sẽ không được kinh doanh phân phối bán buôn, bán lẻ về dược phẩm.

Xử lý vi phạm về việc nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài

Theo Nghị định số 85/2010/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài vi phạm tỷ lệ nắm giữ cổ phần trên thị trường chứng khoán thì sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng, đồng thời buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là “phải chuyển nhượng cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ theo đúng với quy định”.

Điều đó cho thấy rằng nhà đầu tư nước ngoài có nghĩa vụ và trách nhiệm phải biết công ty niêm yết như thế nào trước khi mua chứng khoán. Cụ thể, phải biết ngành nghề kinh doanh và tỷ lệ sở hữu có bị hạn chế theo cam kết WTO và theo luật chuyên ngành hay không, và quan trọng hơn nhà đầu tư phải tự tìm hiểu và nắm rõ các quy định của pháp luật liên quan trước khi mua chứng khoán.

Thiếu sót khi công bố thông tin?

Vấn đề đặt ra, làm sao các nhà đầu tư nước ngoài nắm được thông tin này, ai cung cấp thông tin này cho nhà đầu tư nước ngoài, và tìm hiểu ở đâu?

Lược qua các văn bản luật chúng tôi hoàn toàn không thấy có bất kỳ quy định nào về việc công bố ngành nghề đăng ký kinh doanh của công ty niêm yết hoặc quy định lẽ ra phải có về tỷ lệ sở hữu hạn chế hoặc ngành nghề kinh doanh hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Ngay cả Thông tư 09/2010/TT-BTC về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán cũng không thấy quy định nào về việc công bố ngành nghề đăng ký kinh doanh hoặc việc công bố tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Phải chăng có sự thiếu sót của luật liên quan đến việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán của công ty niêm yết? Và nếu công bố thì công bố ở đâu, trên website nào cho nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tìm thấy và dễ dàng hiểu được?

Quản lý của Nhà nước

Từ câu chuyện Mekophar một giả định được đặt ra là nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu cổ phần của công ty dược phẩm niêm yết, có ngành nghề phân phối dược phẩm, thì bây giờ các nhà đầu tư nước ngoài này phải xử lý thế nào, buộc phải thực hiện “phải chuyển nhượng cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ theo đúng với quy định” theo điều 24 của Nghị định 85 chăng?

Về việc này, một nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, không thể buộc nhà đầu tư nước ngoài làm điều này được, vì nếu có cấm thì tại sao khi thực hiện lệnh mua mà vẫn được khớp lệnh; và rằng “room” của nhà đầu tư nước ngoài cho công ty niêm yết đó vẫn là 49%, nếu có “lỗi” thì phải là lỗi các cơ quan nhà nước có liên quan, chứ không phải riêng gì nhà đầu tư nước ngoài.

Vậy, nếu “lỗi” là của cơ quan nhà nước quản lý thị trường chứng khoán thì lỗi này có được quy định ở đâu không?

Tìm hiểu các văn bản pháp luật liên quan đến các tổ chức của nhà nước trên thị trường chứng khoán như quy chế hoạt động của sở giao dịch chứng khoán và trung tâm lưu ký chứng khoán, chúng tôi cũng không tìm thấy quy định nào đề cập đến nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan này.

Như vậy, rõ ràng nhà làm luật đã không chặt chẽ khi không quy định cơ quan quản lý chặn “room” của nhà đầu tư nước ngoài và cách thức thực hiện ra sao.

Theo Cao Huyền Trang (*)

TBKTSG

kyanh

Trở lên trên