MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quỹ mở trước áp lực huy động

Tìm được NĐT cá nhân sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu đồng vào quỹ không phải là chuyện dễ. Vậy mới thấy, các quỹ mở đều ít khi đề cập đến số lượng NĐT.

Gần đây, đã có thông tin về việc một quỹ mở, sau khi được chuyển đổi từ quỹ đóng, ngay lập tức bị rút tiền khá mạnh. Vấn đề nằm ở chỗ, muốn hoạt động tốt, phát huy hiệu quả thì dòng tiền vào-ra đối với các quỹ phải ổn định.

Có như vậy, đội ngũ quản lý mới tính toán việc duy trì bao nhiêu tiền mặt, bao nhiêu cổ phiếu có thanh khoản cao, bao nhiêu cho dài hạn… để tối ưu hóa lợi nhuận cho nhà đầu tư. Tuy thế, trường hợp như nêu trên là một khó khăn phát sinh đối với đội ngũ điều hành. Áp lực vì thế đang lên với các quỹ mở trong việc huy động vốn ổn định từ thị trường và nhà đầu tư.

Với một số quỹ mở giải ngân vào cổ phiếu như Quỹ đầu tư cổ phiếu năng động Bảo Việt (BVFED), hoặc Quỹ đầu tư năng động Eastspring (ENF) đang trong giai đoạn củng cố đầu vào, tức là hoàn thiện việc huy động vốn. Còn việc chính thức giải ngân vào lúc này thì chưa. Một người đã có nhiều năm làm việc trong ngành quản lý quỹ chia sẻ, có những quỹ đầu tư mặc dù cũng làm roadshow giới thiệu quỹ, cũng kêu gọi đầu tư nhiều hình thức nhưng thực chất tiền đã có sẵn.

Nguồn tiền này có thể tạm gọi là tiền thử nghiệm, tiền mồi hoặc tiền hạt giống (seed money), đến từ những NĐT “ruột”, những khách hàng thân quen và cả nội bộ. Trong khi đáng lẽ, dòng tiền thu hút vào quỹ phải đến từ đại chúng.

Chẳng hạn mới đây, một quỹ mở đã công bố huy động được hơn 70 tỷ đồng cho đợt chào bán chứng chỉ quỹ (CCQ) lần đầu ra công chúng (IPO). Đợt chào bán này đã thu hút được 140 NĐT cá nhân và tổ chức, trong đó có cả NĐT nước ngoài. Như vậy, trung bình mỗi NĐT đã bỏ hơn 500 triệu đồng vào quỹ này và đây là một con số tích cực.

Nhưng cũng phải nói thêm rằng, tìm được NĐT cá nhân sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu đồng vào quỹ không phải là chuyện dễ. Tham khảo từ một số môi giới của các công ty chứng khoán, những người cũng đã bỏ tiền “mua thử” CCQ của quỹ mở thì họ cũng cho biết chỉ bỏ vào chừng vài triệu đồng.

Vậy mới thấy, các quỹ mở đều ít khi đề cập đến số lượng NĐT bỏ tiền vào, chủ yếu nói đến số tiền. Mà số tiền thì như đã nói ở trên, có thể đến từ dòng tiền “seed money”, tức là chỉ cần một số NĐT ruột là đã huy động được vài chục tỷ đồng chứ không hẳn là tiền huy động được từ sau những buổi roadshow như thông báo.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán càng thuận lợi, các quỹ mở cổ phiếu lại càng có thể gặp khó khăn trong việc huy động. Khoảng tháng trước, đã có một thống kê nhanh của nhóm NĐT chỉ ra rằng, nếu “chọn bừa” một cổ phiếu nào đó, thì tỷ lệ thắng trên thị trường sẽ xấp xỉ 50%. Như vậy, nếu chọn lựa kỹ càng thì có khi xác suất “thắng” cao hơn.

Khoan nói đến tính chính xác của thống kê này, nhưng ít nhất cũng có thể thấy được kỳ vọng của thị trường và khí thế của NĐT đang cao như thế nào. Việc những cổ phiếu nóng, sau một vài năm im tiếng bỗng nhiên bứt phá trong khoảng ba tháng gần đây đang khiến cho nhiều NĐT nức lòng, vì có người đã lãi gấp đôi, ba lần chỉ trong thời gian ngắn.

Rõ ràng, trong giai đoạn này, các quỹ đầu tư cho dù có cầm nhiều tiền đi nữa thì khả năng sinh lợi cũng khó lòng so được với NĐT cá nhân. Trừ các quỹ mạo hiểm, các quỹ còn lại cũng khó lòng giải ngân vào những cổ phiếu đầu cơ, cổ phiếu “hot” của thị trường.

Ngược lại, khi thị trường thuận lợi, NĐT chưa cần đến các quỹ đầu tư giữ tiền hộ. Kỳ vọng có thể đến khi thị trường điều chỉnh hoặc khó khăn hơn, NĐT sẽ cần đến những người quản lý tiền chuyên nghiệp hơn. Nhưng, khúc mắc ở chỗ là nếu không có nhiều tiền đổ vào, quỹ đầu tư cũng sẽ khó lòng vận hành để từ đó có được những thành quả tích cực.

Mặt khác, số lượng quỹ mở hiện diện trên thị trường tính đến lúc này cũng đã khoảng chục quỹ, con số không hề nhỏ chỉ trong một thời gian ngắn, và rủi ro pha loãng cũng đã bắt đầu xuất hiện. Nếu các quỹ mở không huy động được những dòng tiền mới đổ vào thị trường mà chỉ giành giật từ các NĐT đang hiện diện sẽ gặp phải rất nhiều thách thức.

Vấn đề đặt ra lúc này là cuộc đua sắp tới sẽ không phải là cuộc đua về thương hiệu hay sự có mặt trên thị trường nữa mà phải đi vào thực chất, hiệu quả. Nếu không thắng trong cuộc đua này, các quỹ mở cũng sẽ quay lại cảnh chợ chiều như các quỹ đóng năm xưa.

Theo Kim

phuongmai

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên