MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rủi ro tỷ giá đã được thổi phồng lên!

"Chúng tôi cho rằng rủi ro tỷ giá dù có tăng nhưng cũng không quá lớn như đã được thổi phồng lên trong những ngày vừa qua", đại diện SSI nhận định.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã điều chỉnh đáng kể trong những phiên vừa qua. VN-Index đã “bốc hơi” gần 30 điểm và xuống mức thấp nhất trong vòng một tháng rưỡi qua.

Xung quanh diễn biến và những yếu tố tác động tới thị trường chứng khoán, chúng tôi đã trao đổi nhanh với ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích & tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, CTCP Chứng khoán Sài Gòn.

Ông có bình luận gì về diễn biến giảm mạnh của thị trường chứng khoán các phiên gần đây? Theo ông đâu là những nguyên chính dẫn tới sự điều chỉnh này?

Tôi thấy có 2 nguyên nhân khiến thị trường giảm điểm, trong đó nguyên nhân chính là từ những biến động tỷ giá.

Việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) liên tiếp cùng với nhiều bình luận nhận xét về một “cuộc chiến tiền tệ” đã khiến giới đầu tư hoang mang. Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới rộng biên độ tỷ giá, kèm theo đó là tỷ giá USD tăng mạnh so với VND đã càng làm tăng mối lo lắng về sự ổn định vĩ mô trong nước.

Nguyên nhân thứ 2 là những thông tin về nới room đã không đủ để đáp ứng kỳ vọng. Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn về đầu tư nước ngòai trong lĩnh vực chứng khoán, chỉ có nhóm các công ty chứng khoán có quy định tương đối rõ, với những ngành nghề khác vẫn chưa có thông tin cụ thể mà phải chờ hướng dẫn từ các Bộ khác.

Có thể thấy sự sụt giảm diễn ra trên diện rộng, ngay cả với những cổ phiếu tốt. Ông đánh giá như thế nào về phản ứng của thị trường?

Khi rủi ro gia tăng, giới đầu tư sẽ có xu hướng giảm tỷ trọng cổ phiếu, nắm giữ tiền mặt. Trong rất ngắn hạn, áp lực tâm lý sẽ khiến người nắm giữ cổ phiếu không đủ thông tin hoặc tỉnh táo để quyết định. Thị trường sẽ luôn có những thời điểm như vậy.

Hiện tượng bán quá không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ở bất kỳ thị trường chứng khoán hay hàng hóa nào. Tuy nhiên sau kỳ bán quá, hoặc mua quá, khi các thông tin phân tích có nhiều hơn, tâm lý đã ổn định hơn, thị trường sẽ được “điều chỉnh” cho về mức giá hợp lý hơn, việc điều chỉnh là theo cả hai hướng, tăng và giảm.

Trong khi nhà đầu tư nội lo ngại, bán ra cổ phiếu thì khối ngoại lại liên tiếp mua ròng 6 phiên vừa qua. Ông có bình luận gì về động thái này?

Nhà đầu tư nước ngoài có mua vào và cũng có bán ra. Trong phiên ngày 13/6, khối ngoại đã bán ròng nhẹ nhưng ETF lại rút một số lượng tương đối lớn chứng chỉ quỹ. Diễn biến này là tương đối khác với thời gian của sự kiện Biển Đông 2013 khi nhà đầu tư trong nước ồ ạt bán còn khối ngoại liên tục mua vào.

Chúng tôi cho rằng vẫn còn quá sớm để nhận định về dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài lúc này, nhất là khi thời điểm FED có thể nâng lãi suất đang đến gần.

Ông có nhận định gì về đà diễn biến của thị trường thời gian tới? Lời khuyên của ông tới nhà đầu tư?

Theo chúng tôi, nói rằng “chiến tranh tiền tệ” có phần thái quá. Việc phá giá 4% đồng NDT sẽ không thực sự giúp ích nhiều cho xuất khẩu Trung Quốc bởi tỷ giá đồng NDT đã tăng hơn nhiều so với các đồng tiền khác tại Châu Á và trên thế giới. Chính phủ Trung Quốc sau khi phá giá đồng NDT cũng tuyên bố không có động cơ kinh tế đằng sau việc phá giá mà chỉ là biện pháp mang tính kỹ thuật để đưa đồng NDT về gần với giá trị thị trường hơn. Thị trường, chứ không phải Chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc quyết định tỷ giá NDT. Chính IMF cũng đã đưa ra nhận xét tích cực về động thái phá giá này của Trung Quốc.

Phản ứng trước việc Trung Quốc phá giá đồng NDT, hầu hết các nước đều ở trạng thái bình tĩnh theo dõi mà chưa có hành động cụ thể. Trong ngày 13/8, NHTW Hàn Quốc và Philippines đều đã giữ nguyên lãi suất trong lần họp thường kỳ.

Việt Nam do neo tỷ giá VND vào đồng USD nên phản ứng chính sách cũng có đặc thù riêng. Chúng tôi cho rằng NHNN đã rất đúng khi không điều chỉnh tỷ giá mà chỉ nới rộng biên độ, một hình thức để cho đồng VND được linh hoạt hơn và để thị trường quyết định nhiều hơn.

Việc nới rộng biên độ sẽ có tác dụng tốt cho xuất khẩu. Trên thị trường may mặc toàn cầu, thị phần của Trung Quốc là 39%, đứng số 1, còn Việt Nam là 4%, đứng thứ 4. Mặt hàng may mặc xuất khẩu thường có tỷ suất lợi nhuận thấp do chủ yếu làm gia công nên 4% lợi nhuận là một con số lớn. Với việc đồng tiền NDT bị phá giá hơn 4%, giá đồ may mặc Trung Quốc sẽ rẻ hơn và hàng của Việt Nam sẽ khó có thể giảm giá tương ứng để cạnh tranh. NHNN đã làm một việc tốt khi điều chỉnh biên độ tỷ giá, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.

Trung Quốc sẽ không thể phá giá NDT liên tục. Với biên độ phá giá là rất lớn, chúng tôi cho rằng đồng NDT sẽ sớm đạt đến điểm cân bằng. Những biến động tỷ giá trong nước cũng nhờ vậy mà được ổn định. Những công cụ để ổn định tỷ giá trong đó có lãi suất và dự trữ vẫn chưa cần phải sử dụng đến. Đây có thể coi là thắng lợi của NHNN trong điều hành chính sách.

Với những nhận định trên, chúng tôi cho rằng rủi ro tỷ giá dù có tăng nhưng cũng không quá lớn như đã được thổi phồng lên trong những ngày vừa qua. Nói như vậy không có nghĩa rủi ro thị trường đã hết. Trong thời gian tới, rủi ro thâm hụt ngân sách trong nước và rủi ro từ việc FED nâng lãi suất sẽ là hai rủi ro chính, song hành với cơ hội đến từ giá hàng hóa thế giới giảm, lạm phát thấp và tăng trưởng kinh tế ổn định của Việt Nam.

Cảm ơn ông!

Theo HUYỀN TRÂM

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên