MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau SME và SD3, có thể LAF sẽ bị hủy niêm yết

Hôm nay (26/10), cổ phiếu SME của Công ty cổ phần Chứng khoán SME và cổ phiếu SD3 của Công ty cổ phần Sông Đà 3 đã chính thức hủy niêm yết.

Trong những ngày giao dịch cuối cùng, cổ phiếu SME gần như không có giao dịch, với mức giá thấp đến kỷ lục, gần như là… cho không. Có thời điểm, thị giá của SME chỉ còn… 200 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, diễn biến giao dịch của cổ phiếu SD3 có vẻ khả quan hơn. Tuy rằng, giá cổ phiếu SD3 đã tụt khá sâu, chỉ còn khoảng 1.300 đồng/cổ phiếu, nhưng cổ phiếu này vẫn có sức cầu khá. Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 24/10, dư mua giá sàn của cổ phiếu này vẫn khá cao, đồng thời khối lượng giao dịch vẫn duy trì ở mức trung bình.

Theo thông báo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), lý do hủy niêm yết đối với cổ phiếu SD3 và SME là do hai công ty này đã vi phạm quy định về công bố thông tin của tổ chức niêm yết.

Trong giai đoạn từ cuối tháng 9 đến nay, cổ phiếu SD3 đã tuột dốc liên tục, từ mốc 2.600 đồng/cổ phiếu, xuống chỉ còn 1.400 đồng/cổ phiếu hiện nay. Đặc biệt, từ ngày 1/10 đến 15/10, cổ phiếu này đã giảm sàn 11 phiên giao dịch liên tiếp.

Tiếp theo, trong 2 phiên ngày 16 và 17/10, cổ phiếu SD3 đã phục hồi trở lại mốc 1.600 đồng/cổ phiếu, nhưng sau đó lại quay đầu giảm giá trở về mốc 1.300 đồng/cổ phiếu. Đến nay, SD3 chưa công bố báo cáo tài chính quý III và cả báo cáo bán niên. Trong khi đó, theo báo cáo tài chính quý I, công ty lỗ hơn 13 tỷ đồng (quý I/2011 đã lỗ hơn 5 tỷ đồng).

Công ty cổ phần Chứng khoán SME đã công bố báo cáo quản trị công ty bán niên, nhưng từ đầu năm đến nay, công ty này chưa công bố bất cứ báo cáo tài chính quý lần nào. Ngoài ra, thời gian qua, SME còn gặp khủng hoảng lớn về nhân sự cao cấp, do cả Chủ tịch lẫn Phó chủ tịch đương nhiệm đều vướng vòng lao lý. Cụ thể, hồi đầu tháng 8/2012, ông Phan Huy Chí, Chủ tịch HĐQT và ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT đã bị cơ quan an ninh điều tra bắt tạm giam về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Hiện tượng doanh nghiệp hủy niêm yết đã trở thành diễn biến phổ biến trên thị trường chứng khoán trong năm 2012. Từ đầu năm đến nay, đã có gần 20 doanh nghiệp hủy niêm yết, do nhiều nguyên nhân, như thua lỗ kéo dài, vi phạm nghiêm trọng các quy định đối với doanh nghiệp niêm yết, tự nguyện hủy niêm yết, sáp nhập với các doanh nghiệp khác...

Hiện tại, trên thị trường, một số doanh nghiệp cũng đã mấp mé nguy cơ bị hủy niêm yết. Chẳng hạn, cổ phiếu LAF của Công ty cổ phần phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco) có thể sẽ bị hủy niêm yết, nếu công ty này tiếp tục lỗ trong quý IV/2012.

Được biết, quý III/2012, Lafooco lỗ ròng 19,6 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9, lỗ lũy kế của LAF lên tới 132,65 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ là 147,28 tỷ đồng. Theo quy định, khi doanh nghiệp có lỗ lũy kế lớn hơn vốn điều lệ thực góp, thì cổ phiếu sẽ buộc phải hủy niêm yết.

Bên cạnh các doanh nghiệp kinh doanh khó khăn, thì vẫn có những công ty đang hoạt động bình thường, nhưng tự nguyện xin hủy niêm yết, chẳng hạn như trường hợp Công ty cổ phần Gò Đàng (AGD) hoặc Công ty cổ phần Vinafco (VFC).

Hiện tại, mối quan tâm đối với các nhà đầu tư liên quan đến các trường hợp doanh nghiệp hủy niêm yết là quyền lợi của các cổ đông sẽ như thế nào sau khi doanh nghiệp không niêm yết nữa.

Theo đại diện của Vinafco, để đảm bảo lợi ích của các cổ đông nhỏ, Vinafco đang thực hiện các thủ tục mua cổ phiếu quỹ và cổ phiếu lẻ để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư rút vốn (nếu có nhu cầu) trước khi doanh nghiệp hủy niêm yết. Công ty cổ phần Cáp Sài Gòn (CSG) cũng đang có hành động tương tự để tạo thanh khoản cho cổ phiếu trước khi cổ phiếu không còn niêm yết trên sàn.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết, Ủy ban đang xây dựng cơ chế tổ chức chuyển nhượng cổ phiếu đối với các doanh nghiệp niêm yết, tương tự như loại hình doanh nghiệp đã lưu ký, nhưng chưa niêm yết.

Theo Chí Tín
Báo Đầu tư

phuongmai

Trở lên trên