MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sóng thông tin

KQKD quý II-2014 của các doanh nghiệp niêm yết đang là một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ cho TTCK. Và cũng vì quan trọng nên những thông tin liên quan đến KQKD luôn được quan tâm sát sao.

Những chặng đường

Từ mức độ phỏng đoán, rồi “bán chính thức” cho đến chính thức, thông tin KQKD có nhiều chặng đường đi và trong một chừng mực nào đó, càng nhiều chặng CP càng nhiều sóng. Ngược lại, CP nào gần như không có thông tin liên quan đến KQKD trước khi BCTC được công bố sóng cũng có thể ít đi.

Trong chặng đường đầu tiên của thông tin có thể kể đến yếu tố thống kê theo mùa vụ. Thí dụ 3-4 năm nay, năm nào doanh nghiệp cũng có lãi quý II nhiều hơn quý I thì khả năng rất cao năm nay sẽ lặp lại như vậy. Trong trường hợp CP đã bị “đè” rất sâu trong quý I có thể xuất hiện lực mua vào với kỳ vọng quý II sẽ tốt hơn.

Nguồn thông tin tiếp theo có thể đến từ những đồn đại, phỏng đoán trên thị trường với mức độ đúng sai chưa rõ ràng. Giả sử dù chỉ là tin đồn, mà lực mua mạnh có khi là tin đồn… có vẻ đúng. Hay tin đồn đưa ra một đằng diễn biến trên sàn một nẻo, chẳng hạn giá CP giảm thì lập luận theo kiểu CP đang bị “đè” để gom.

Sau chặng phỏng đoán là đến chặng bán chính thức nhưng lại mang tính chất quyết định. Ở chặng bán chính thức này, thường diễn ra vào khoảng trước khi BCTC được công bố 10-20 ngày, trong khoảng cuối tháng 6 đầu tháng 7, NĐT sẽ có 2 nguồn để căn cứ và phán đoán.

Thứ nhất, nhìn vào cung cầu của CP, nếu đã phỏng đoán CP sẽ có KQKD tích cực, càng gần đến ngày công bố KQKD, nhiều khả năng CP sẽ rậm rịch có sóng hoặc nếu không thanh khoản ít nhất cũng gia tăng. Nhưng cách làm này cũng khá 5 ăn 5 thua bởi lẽ không loại trừ những trường hợp “tay to” tạo thanh khoản cho CP rồi xả hàng đánh úp NĐT, còn KQKD chẳng có gì đặc sắc.

Thứ hai, từ những nhận định, dự báo của CTCK trên các bản báo cáo phân tích về khả năng quý này doanh nghiệp sẽ lãi bao nhiêu, doanh thu thế nào. Hoặc cũng có một số doanh nghiệp chủ động công bố trên báo chí về KQKD của mình song song với BCTC.

Càng gần cuối giai đoạn bán chính thức, trong trường hợp CP hoặc ở mức độ rất tích cực, hoặc ở mức độ rất tiêu cực thì sóng lên và sóng xuống cũng mạnh tương ứng nên đây là giai đoạn tìm kiếm cơ hội sinh lời tốt nhất, nhưng đi kèm theo đó cũng là những rủi ro nhất định xuất hiện khi tin chính thức được công bố.

Rủi ro

Có thể kể ra đây một số rủi ro như thông tin phỏng đoán hoặc rò rỉ trước đó không khớp với kết quả thực tế. Thậm chí, ngay trong giai đoạn phỏng đoán sự sai biệt cũng xuất hiện. Chẳng hạn giữa tháng 6, CTCK trao đổi với doanh nghiệp và đưa ra một con số dự báo lợi nhuận quý II là 100 tỷ đồng, nhưng có khi đến giữa tháng 7 trao đổi lại có thể hạ xuống còn 80 tỷ đồng.

Những thông tin kiểu này cũng có thể tác động đáng kể đến động thái của NĐT dù tin chính thức chưa ra. Rồi những kịch bản kinh điển là dự báo rất tốt, nhưng kết quả cuối cùng chỉ là tốt, hoặc chấp nhận được, hoặc từ bi quan  lỗ dẫn đến không lỗ, hoặc có lãi vẫn có thể xuất hiện và tương ứng sẽ là những đợt sóng của CP. Sang đến giai đoạn thông tin chính thức xuất hiện vẫn còn có cơ hội dù “nhiệt” có thể giảm đi đôi chút và đặc biệt là lý lẽ cho các đợt sóng cũng rất vô chừng.

Thí dụ sau khi công bố KQKD tích cực trên BCTC quý II, giá CP dù đã tăng mạnh trước đó vẫn tiếp tục tăng và được lập luận là kỳ vọng dành cho CP còn rất nhiều. Nhưng có khi CP chỉ tăng được một vài phiên rồi dừng và những phiên tăng này thực chất là hành động “đẩy, xả”. Cũng có thể những CP lặng im trong suốt giai đoạn trước khi BCTC quý II được công bố sẽ “vụt sáng” sau khi có kết quả chính thức để trở về với mức định giá hợp lý hơn.

Tuy nhiên, cũng như mùa công bố KQKD của cả năm, mùa bán niên do có cả sự tham gia của kiểm toán nên sẽ còn có thêm một lần công bố BCTC soát xét vào tháng 8 (sau 45 ngày từ khi kết thúc quý II), vậy nên vẫn có thể còn những kịch bản hay ở phía trước. Chẳng hạn như KQKD phỏng đoán tốt, sau đó đến BCTC chính thức công bố còn tốt hơn, giá CP tăng rồi lại tăng, nhưng đến khi BCTC bán niên xuất hiện kéo tuột tất cả trở về một con số bình thường, sự khác biệt nằm ở cách hạch toán.

Cũng có những kịch bản “éo le” hơn như KQKD phỏng đoán tốt, giá CP tăng, sau đó BCTC quý II ra lại không như kỳ vọng, dẫn đến giá CP giảm, NĐT xả hàng nhưng sau đó lại công bố BCTC bán niên tốt hơn kỳ vọng do công ty “giấu lãi”. Những kịch bản kiểu này nếu xuất hiện sẽ khiến CP liên tục nổi sóng và NĐT tham gia cũng giống như chơi trò cảm giác mạnh.

CP càng có nhiều thông tin kể cả chính thức, bán chính thức hay phỏng đoán càng nhiều sóng. NĐT muốn lướt sóng hay tìm cảm giác mạnh, ngoài việc theo dõi cung-cầu CP cũng phải theo dõi các luồng thông tin liên quan để từ đó đoán được những kịch bản thông tin có thể xuất hiện. Trong một chừng mực nào đó, việc đoán định này cũng rất 5 ăn 5 thua và ranh giới giữa quyết đoán và liều lĩnh rất mong manh.

Theo NGỌC LONG

thanhhuong

Sài gòn Đầu tư tài chính

Trở lên trên