MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao NĐT 'ấm ức' mua cổ phiếu Sacombank?

Kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt sau đó phát hành CP để tăng vốn của STB khiến nhiều NĐT gọi cách phát hành này là "cưỡng bức" mua cổ phiếu.

Theo kế hoạch trình ĐHCĐ thường niên ngày 2/4 tới, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) sẽ phá lệ khi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông thay vì bằng cổ phiếu (CP) như những năm trước. Tuy nhiên, đi kèm với kế hoạch này vẫn là phương án phát hành CP để tăng vốn điều lệ.

Với kiểu làm này, nhà đầu tư (NĐT) đành phải chấp nhận mua thêm CP thay vì lãnh tiền mặt như kế hoạch mà ngân hàng này đưa ra.

Theo lý giải của Sacombank, phương án trả cổ tức bằng tiền mặt kèm phát hành CP nhằm bảo đảm quyền lợi hưởng cổ tức của các cổ đông phù hợp theo xu thế chung của thị trường (phương thức chỉ trả cổ tức bằng CP được Sacombank thực hiện từ sau ĐHCĐ thường niên năm 2006). Tuy nhiên, với những NĐT có kinh nghiệm thì chỉ cần đọc qua phương án mà Sacombank dự định mang ra lấy ý kiến cổ đông tại ĐHCĐ sắp tới sẽ thấy phương án này không mang lại "lợi lộc" gì cho họ.

Cụ thể, theo kế hoạch sắp trình ĐHCĐ, Sacombank sẽ trả cổ tức năm 2010 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15% (1.500 đồng một CP) và phát hành CP cho cổ đông hiện hữu cũng với tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 CP sẽ được mua thêm 15 CP với giá 10.000 đồng một CP). Sacombank sẽ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của các cổ đông nhận cổ tức ngay khi chuyển cổ tức bằng tiền. Riêng đối với các cổ đông được nhận cổ tức bằng tiền nhưng quyết định không nhận tiền mà đồng ý dùng 100% cổ tức (sau khi đã khấu trừ 5% thuế nên trên) để mua CP phát hành thêm của Sacombank thì sẽ tạm thời nộp thêm 5% giá trị CP thuộc quyền mua của mình (tương đương với phần Sacombank đã tạm khấu từ) để mua CP phát hành thêm.

Việc hoàn trả 5% thuế thu nhập cá nhân đã khấu trừ chỉ được giải quyết đối với những người dùng toàn bộ số tiền cổ tức nhận được để mua CP phát hành thêm thuộc quyền mua của mình. Và việc hoàn trả 5% thuế khấu trừ sẽ được Sacombank giải quyết cho các cổ đông ngay sau khi đã hoàn tất thủ tục tăng vốn và được sự thống nhất từ cơ quan thuế.

Ví dụ, nếu một NĐT sở hữu 1.000 CP Sacombank sẽ nhận được 1,5 triệu đồng tiền mặt. Nếu trừ 5% thuế thu nhập cá nhân (tương đương 75.000 đồng) thì NĐT sẽ nhận được 1,425 triệu đồng. Trong khi đó, để mua 150 CP phát hành thêm với giá 10.000 đồng một CP thì NĐT phải nộp 1,5 triệu đồng.

Nếu lấy giá Sacombank là 14.000 đồng/CP như hiện nay thì vào ngày giao dịch không hưởng quyền, CP Sacombank sẽ bị điều chỉnh giảm hai lần. Đầu tiên là điều chỉnh giảm 1.500 đồng (điều chỉnh do nhận cổ tức tiền mặt) xuống còn 12.500 đồng một CP. Sau đó, CP Sacombank tiếp tục điều chỉnh lần 2 do phát hành thêm CP xuống còn khoảng 12.100 đồng. Do vậy, không còn cách nào khác là NĐT phải nộp tiền mua CP Sacombank nếu không muốn bị thiệt. Thế nhưng, nếu bỏ tiền mua CP Sacombank thì NĐT cũng bị "khổ không kém" bởi giá CP này hầu như chỉ đi ngang hoặc đi xuống trong khoảng hai năm gần đây.

Theo phân tích của một chuyên gia chứng khoán, trong bối cảnh thị trường không mấy thuận lợi như hiện nay thì cách phát hành phổ biến và dễ thành công nhất là đưa ra quyền mua kèm quyền thưởng hay quyền mua cộng cổ tức tiền mặt (Sacombank áp dụng phương án này).

Dân trong nghề gọi cách phát hành CP này là “cưỡng bức” mua CP. Cái lợi rõ nhất của trường hợp này là “dụ” được cổ đông đóng tiền, bởi vì nếu chỉ phát hành quyền mua và giá trên sàn không điều chỉnh đi bao nhiêu thì có thể cổ đông sẽ bỏ qua, không đóng tiền. Cổ đông nhỏ lẻ, đánh ngắn thì thích được thưởng chứ không thích đóng tiền. Do đó, cách làm này lại tạo ra cái lợi thứ 2 là giúp điều chỉnh giảm giá CP trên sàn sau đó sẽ dễ dàng đánh lên.

Theo Trường Giang
Báo Đất Việt

phuongmai

Trở lên trên