MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế chấp tài sản cá nhân vì công ty: Chuyện hay không muốn kể

Lãnh đạo của VID có thể đem tài sản của mình đi thế chấp để vay tiền cho công ty. Hoạt động này có lạ hay không?

Cổ phiếu VID của Công ty CP Đầu tư - Phát triển - Thương mại Viễn Đông hiện đang bị tạm ngừng giao dịch tại sàn HoSE do thua lỗ trong 2 năm liên tiếp. Trong phương hướng khắc phục của VID gửi cho các cơ quan quản lý, HĐQT của công ty có cam kết một vấn đề rất đáng chú ý là sẽ "sử dụng tài sản cá nhân của mình để giúp tăng hạn mức tín dụng cho các hoạt động tài chính cần thiết khác của công ty trong năm 2013".

Hiểu nôm na là lãnh đạo của VID có thể đem tài sản của mình đi thế chấp để vay tiền cho công ty. Hoạt động này có lạ hay không? Câu trả lời là không, bởi vì rất nhiều lãnh đạo tại rất nhiều doanh nghiệp đều đã làm như vậy trong sự phát triển và tồn tại của mình.

Có thể xem đây là một sự hy sinh, tâm huyết của lãnh đạo doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Nhưng điểm đáng nói ở đây là hoạt động này ít khi được nói ra bên ngoài một cách rộng rãi. Có chăng chỉ là trong đại hội cổ đông hoặc lãnh đạo doanh nghiệp tâm tình, chia sẻ với báo giới.

Vì sao một hành động đáng biểu dương như vậy mà lại không được lãnh đạo doanh nghiệp công bố một cách rộng rãi để nhà đầu tư, cổ đông có thể thông cảm và hiểu cho?

Khi lãnh đạo doanh nghiệp đem tài sản thế chấp thì cũng có nghĩa là công ty còn rất ít, thậm chí không còn tài sản để làm điều này. Mà ở trạng thái này, thì bệnh của công ty là không nhẹ, liệu có ai muốn "quảng bá" ra bên ngoài hay không?

Cũng có những lãnh đạo doanh nghiệp, do tâm huyết với công ty, nên xem đây là việc phải làm, bên cạnh đó là tính cách có phần kiệm lời, nên cũng không muốn kể lể. Bản thân lãnh đạo doanh nghiệp, HĐQT hay Tổng Giám đốc cũng nhờ sự phát triển của doanh nghiệp mà đạt được những thành quả trong cuộc sống của cá nhân. Nên lúc khó khăn việc hy sinh bản thân cho lợi ích chung cũng là hợp lẽ.

Nhưng bên cạnh đó, cũng còn một số lý do khác có thể khiến cho hoạt động lãnh đạo doanh nghiệp thế chấp tài sản của mình không được nói đến nhiều. Một giảng viên kế toán phân tích: Nếu đặt ra 3 câu hỏi cho một khoản vay "tài sản thế chấp của ai?", "Ai vay và chịu trách nhiệm trả nợ?" và "vay để làm gì?" có thể xuất hiện khá nhiều những trường hợp phức tạp.

Đơn cử như việc lãnh đạo công ty thế chấp tài sản cá nhân để vay tiền cho công ty, công ty đứng tên hợp đồng vay, nhưng số tiền này lại phục vụ cho mục đích riêng của cá nhân. Tại sao cá nhân có nhu cầu cá nhân không trực tiếp vay mà lại để công ty đứng tên và sử dụng tài sản? Nếu trường hợp vay cho cá nhân, đến khi việc trả lãi lẫn vốn gốc có vấn đề với các chủ nợ, thì cá nhân, tức là lãnh đạo doanh nghiệp có thể mất uy tín.

Lãnh đạo thế chấp tài sản cá nhân vay tiền cho công ty, chuyện không có gì lạ

Trong khi đó, nếu công ty đứng ra vay, thì việc dòng tiền của công ty dịch chuyển khá phức tạp, nên cho dù phục vụ mục đích cá nhân, thì cũng không dễ gì có thể nắm bắt. Một trường hợp khác ở đây là giả sử lãnh đạo đem cổ phiếu của mình đi thế chấp, cổ phiếu đang có giá 50.000 đồng/CP, chủ nợ chấp nhận giá trị thế chấp là 20.000 đồng/CP. Nhưng nếu xảy ra trường hợp giá sau này lại giảm xuống chỉ còn 15.000 đồng/CP thì có lẽ nói ra sẽ có nhiều bên bị "hớ".

Thực tế thì hiện nay, các chủ nợ cũng đã rào thêm điều khoản rằng nếu giá CP giảm về mức 25.000 - 30.000 đồng/CP sẽ tiến hành giải chấp. Nhưng cho dù khả năng này xảy ra, thì việc công bố cũng sẽ tạo ra áp lực lớn về giá cổ phiếu vì khả năng xả hàng có thể xuất hiện nếu giá giảm.

Ở đây, còn có những vấn đề liên quan đến sở hữu. Giả sử một thành viên HĐQT đang nắm giữ 2 triệu cổ phiếu, đem thế chấp 1 triệu cổ phiếu để vay tiền cho công ty. Vậy tỷ lệ sở hữu của người ngày có bị giảm 1 triệu cổ phiếu tương ứng hay không?

Nếu cho rằng không giảm thì cũng không đúng, bởi lẽ quyền quyết định giữ hay bán 1 triệu CP nhiều không chỉ thuộc về người này mà còn phụ thuộc vào thị trường và chủ nợ, nên không thể nói người này sở hữu tất cả. Nếu giảm thì phần giảm này sẽ thuộc về ai? Chủ nợ chỉ nhận thế chấp chứ chưa sang tên. Những điều này, nếu công bố ra bên ngoài, sẽ có nhiều chuyện phức tạp, nên thôi cứ… im lặng là vàng.

Qua những phân tích trên đây, có thể thấy rằng việc lãnh đạo doanh nghiệp đem tài sản cá nhân đi thế chấp là việc tốt nhưng không phải không có những rủi ro. Thiết nghĩ, cần có những biện pháp yêu cầu động thái này phải được làm rõ hơn nữa.

Nếu lãnh đạo doanh nghiệp làm bằng cái tâm của mình, vì công ty, thì khi vượt qua khó khăn, sẽ có những sự ghi nhận. Còn nếu làm chỉ để tư lợi, hoặc gây ra những rủi ro, thì việc minh bạch sẽ góp phần giám sát, hạn chế những ý định này.

Theo Khiêm An

phuongmai

Thời báo kinh doanh

Trở lên trên