MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường cần thêm “tân binh”

TTCK tụt dốc không phanh, cung vượt xa cầu, nhiều người ước ao thị trường sẽ có thêm nhiều NĐT mới để cân bằng lại thị trường.

Giai đoạn cuối năm 2006, đầu năm 2007 chứng kiến sự phát triển mạnh của TTCK về mọi mặt… Đi kèm với đó là tốc độ tăng nhanh của VN-Index và HASTC-Index.
 
Bây giờ, TTCK tụt dốc không phanh, cung vượt xa cầu, nhiều người ước ao thị trường sẽ có thêm nhiều NĐT mới để cân bằng lại thị trường.

NĐT cũ hết lực

Nhân viên làm kế toán tại một CTCK ở Hà Nội cho biết, mặc dù ít có NĐT đóng tài khoản, nhưng lượng người đến rút tiền mặt ngày một tăng. Với những ai may mắn thoát khỏi cơn bão giá của TTCK thời gian vừa qua, lượng tiền dư ở tài khoản hầu như về mức... dưới đơn vị trăm nghìn.

Theo anh Mạnh Hùng, NĐT tại CTCK Tân Việt, hầu hết NĐT bị lỗ, không mấy người đủ mạnh dạn để đặt lệnh mua. Lý do của việc chờ đợi, không mua vào một phần là do tài chính của NĐT cá nhân đã cạn kiệt, nhưng lý do quan trọng hơn là tâm lý chưa ổn định.

Thống kê khối lượng đặt mua trong những phiên giao dịch gần đây cho thấy, lượng cầu sụt giảm rất mạnh. Bộ phận tự doanh của nhiều CTCK cho biết, mặc dù không đến nỗi cạn vốn, nhưng giai đoạn này, họ vẫn phải dè chừng chưa dám đưa ra quyết định.
 
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng trong đó phải kể đến lòng tham của NĐT. Những người đang nắm giữ tiền mặt có tâm lý chờ đợi thị trường giảm hơn nữa mới mua vào. Hành động mua vào mạnh mẽ của khối NĐT nước ngoài cũng không “cứu” được đà sụt giảm của giá cổ phiếu.

Đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài cho biết, các khoản đầu tư từ đầu năm đến nay đều thua lỗ, nhưng họ cũng không ngại, vì lợi nhuận năm trước vẫn còn đó. Vị đại diện này nhận định, TTCK Việt Nam đã rất hấp dẫn, nhưng sắp tới sẽ còn hấp dẫn hơn nên họ cũng đồng ý với quan điểm chờ thời.

Có thể nói, việc nhiều NĐT, cả cá nhân lẫn tổ chức, e ngại thị trường tiếp tục suy giảm đã dẫn đến tình trạng cầu yếu, hệ quả là VN-Index và HASTC-Index tiếp tục đi xuống. Có NĐT “an ủi”: có 2 chỉ số thống kê tăng lên, đó là mức độ thua lỗ của NĐT và số tài khoản “chết”. 

Những nỗ lực của CTCK

Chị Huệ, NĐT tại CTCK Kim Long cho rằng, hàng hóa đã tăng lên rất nhiều, vậy mà suốt thời gian qua, số lượng tài khoản mới không được là bao. Muốn TTCK ổn định thì bên cạnh tăng cung cần phải đi kèm với việc tăng cầu, tăng kiến thức cho NĐT.
 
Theo chị Huệ, trong tổng số khoảng 380.000 tài khoản hiện nay, có rất nhiều tài khoản “chết” hoặc tài khoản “phụ” của NĐT. Chính vì vậy, số NĐT thực tế tham gia thị trường rất khiêm tốn.
 
Trong khi đó, cung hàng hóa tăng nhanh, kết hợp với việc siết chặt tín dụng cho vay kinh doanh chứng khoán của các ngân hàng khiến cán cân cung cầu ngày càng chênh lệch. Sự mất niềm tin và tâm lý chờ đợi của NĐT tiếp tục đẩy sự mất cân bằng này lên cao.
 
“NĐT nào cũng muốn cứu thị trường, vì đó là quyền lợi của họ, nhưng sức tàn lực kiệt thì sao có thể cứu được thị trường”, cô Huệ nói.
 
Hiện tại, những người có “công” lớn trong việc khai thác thị trường, tăng sức cầu cho thị trường nhiều nhất chính là các CTCK. Với việc mở rộng đại lý nhận lệnh trên khắp cả nước, các CTCK đã đóng vai trò quan trọng trong việc đại chúng hóa đối tượng tham gia đầu tư.
 
Nếu cách đây 2 - 3 năm, người dân các địa phương (ngoại trừ các trung tâm kinh tế lớn) hầu như không biết và không được tận mắt thấy các CTCK thì giờ đây, rất nhiều tỉnh, thành đã có đại lý nhận lệnh, dần thu hút NĐT đến mở tài khoản giao dịch, tuy số lượng vẫn còn khiêm tốn.

Nhưng vẫn chưa đủ

Hàng loạt đại lý nhận lệnh và chi nhánh CTCK ra đời, nếu hoạt động hiệu quả, chắc chắn sẽ thu hút một lượng không nhỏ NĐT tham gia. Tuy nhiên, số tài khoản mới tăng rất chậm, thậm chí không ít NĐT nhỏ đã rời bỏ thị trường.

Nỗ lực của CTCK dù rất đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa đủ, bởi đầu tư chứng khoán là lĩnh vực kinh doanh cao cấp, không phải cứ mở ra là có khách. Với những hội thảo tư vấn đầu tư, phổ biến kiến thức hay cung cấp thông tin... các CTCK mới chỉ dừng lại ở việc tổ chức tại các địa bàn lớn như Hà Nội, TP. HCM hay Hải Phòng. Có lẽ vì thế mà lượng NĐT ở những khu vực khác không nhiều.

Một lý do đáng lưu ý là, sẽ không có nhiều người mạo hiểm tham gia đầu tư vào lĩnh vực mà họ không biết và nhiều người xung quanh cũng không biết.
 
Do đó, việc tăng cường hơn nữa công tác phổ biến kiến thức và tư vấn đầu tư không chỉ đối với các NĐT cũ, mà cần đẩy mạnh sang cả những NĐT tiềm năng. Trách nhiệm này trước hết thuộc về cơ quan quản lý.
 
Để phổ cập kiến thức, việc đưa chứng khoán vào trường học là cần thiết. Và trong giai đoạn này, cần tăng cường công tác phổ biến kiến thức cho công chúng và NĐT.
Theo Bùi Sưởng
ĐTCK

thaonp

Trở lên trên