MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thông tư 74: Nên kỳ vọng đến đâu?

Thông tư 74 thực chất chỉ là việc "luật hóa" những việc làm cũ trên TTCK, do đó, có nên kỳ vọng quá nhiều vào sự thay đổi của thị trường sau ngày 1.8?

Thêm vào đó, Quy chế hướng dẫn giao dịch mua ký quỹ chứng khoán mới được công bố để lấy ý kiến còn một số điểm được nhận định là chưa khả thi.

Ngăn chặn nhà đầu tư "lách" luật

Đó là nhận định của hầu hết các chuyên gia và nhà đầu tư (NĐT) trong lĩnh vực chứng khoán sau khi Thông tư 74 được ban hành. Anh Đỗ Minh Tân, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho rằng việc cho phép NĐT được giao dịch mở nhiều tài khoản về thực chất chỉ là luật hóa việc làm mà trước đó rất nhiều NĐT vẫn tìm cách “lách”. Trên thực tế, trước đó nhiều NĐT vẫn nhờ người khác đứng tên rồi ủy quyền đầu tư để mua, bán công khai.

“Thông tư chính thức cho phép việc mở nhiều tài khoản cũng tạp tâm lý tốt cho NĐT, góp phần tăng thanh khoản cho TTCK trong lúc thị trường bế tắc về thanh khoản. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố hỗ trợ thị trường về dài hạn, thị trường bị tác động trực tiếp từ thông tin kinh tế vĩ mô như CPI, lãi suất...", anh Tân cho hay.

Mặc dù vậy, các chuyên gia và NĐT cũng thừa nhận những nội dung trên về thực chất cũng chỉ là vấn đề mang tính kỹ thuật có tác dụng đến tâm lý NĐT chứ không thể khẳng định thị trường sẽ tốt hơn sau ngày 1.8. “Những thông tin tác động đến thị trường thật sự lại là chỉ số lạm phát, lãi suất và nguồn cung tín dụng”, anh Hoàng Minh, giám đốc kinh doanh một công ty chứng khoán cho biết.

Có nên kỳ vọng quá nhiều vào tăng trưởng trên thị trường chứng khoán sau ngày 1.8

Về phía công ty chứng khoán (CTCK), anh Minh cho rằng, đối với nghiệp vụ để NĐT có thể cùng mua bán chứng khoán trong phiên đáp ứng điều kiện của Thông tư 74, các CTCK phải thay đổi phần mềm giao dịch trực tuyến để đảm bảo lọc giao dịch theo đúng điều kiện cho phép.

Bởi theo TT 74, NĐT được thực hiện các giao dịch ngược chiều (mua, bán) cùng một loại chứng khoán trong ngày giao dịch, khi sử dụng một tài khoản mở tại một CTCK để thực hiện cả lệnh mua và bán. Đồng thời chỉ được mua (hoặc bán) một loại chứng khoán nếu lệnh bán (hoặc lệnh mua) của chứng khoán cùng loại trước đó đã được thực hiện và lệnh giao dịch phải đáp ứng yêu cầu tỷ lệ ký quỹ theo quy định.

TT cũng quy định, NĐT không được phép thực hiện giao dịch mà không dẫn đến việc thay đổi quyền sở hữu chứng khoán. Đồng thời không được phép đặt lệnh mua và bán cùng một loại chứng khoán trong từng lần khớp lệnh trên cùng một tài khoản hoặc các tài khoản khác nhau mà nhà đầu tư đứng tên sở hữu. Các công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký chịu trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của lệnh đặt mua, bán của NĐT.

Quy chế giao dịch ký quỹ: phân cấp và thanh lọc

Về hoạt động giao dịch ký quỹ (margin) được đề cập đến trong Thông tư 74 thì về bản chất cũng chỉ là việc "luật hóa" một hoạt động đã được triển khai từ lâu. Trước đó, NĐT và CTCK đã ký các hợp đồng hợp tác đầu tư để dùng margin trong giao dịch.

Gần đây, UBCKNN mới công bố dự thảo quy chế đối với nghiệp vụ ký quỹ để lấy ý kiến đóng góp từ các thành viên thị trường. Theo đó, CTCK muốn được triển khai margin phải đáp ứng một loạt các điều kiện là: có nghiệp vụ môi giới và tự doanh; thời gian hoạt động và là thành viên của Sở GDCK ít nhất 1 năm, vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn pháp định.

Đồng thời, không bị cảnh báo hoặc tạm ngừng hoạt động trong 3 tháng gần nhất; không bị xử phạt vi phạm hành chính trong vòng 1 năm; có tỷ lệ an toàn tài chính trong 6 tháng liên tục trước thời điểm đăng ký.

Về cơ bản yêu cầu trên đối với CTCK trong giao dịch ký quỹ sẽ góp phần thanh lọc các CTCK và buộc các CTCK về hoạt động trong vùng an toàn. Bởi với tình hình hiện tại, có thể thấy nhiều CTCK không đáp ứng được các điều kiện nêu trên.

Từ đầu năm 2011, liên tiếp nhiều CTCK bị đưa vào diện cảnh báo do lỗ liên miên, đồng thời yêu cầu về vốn chủ sở hữu nhiều CTCK cũng không đáp ứng được yêu cầu do vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn điều lệ.

Tuy nhiên, theo dự thảo với quy định về lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ, về tỷ lệ giao dịch ký quỹ thì nhiều dự đoán các công ty chứng khoán khó có thể thực hiện nghiệp vụ trên từ tháng 8. Quy chế nêu rõ: “Lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa CTCK và khách hàng, nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố”.

Điều này có nghĩa lãi suất trần cho vay theo quy định này là 13,5%/năm bởi lãi suất cơ bản NHNN công bố là 9%/năm. Trong khi lãi suất cho vay thực tế phổ biến tại các ngân hàng hiện này là 23 đến 26%/năm.

Thêm vào đó tỉ lệ ký quỹ cũng được chốt ở con số 70% đối với tất cả các CTCK và các mã CK được các chuyên gia cho rằng không có tính thực tế, và tính khả thi không cao, nên được điều chỉnh lại cho hợp lý.

Theo Ngọc Tuyên
Lao động

thanhtu

Trở lên trên