Tiền thu từ cổ phần hóa để làm gì?
Theo Bộ Tài chính, cơ chế quản lý nguồn thu từ quá trình cổ phần hóa được tập trung hỗ trợ giải quyết chính sách cho người lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp, chuyển đổi; bổ sung vốn điều lệ cho các DNNN và một số mục đầu tư khác.
- 17-06-2015Một DNNN chuẩn bị cổ phần hóa với lượng đặt mua kỷ lục
- 17-06-2015Cổ phần hóa tổng công ty Chè Việt Nam: Nhà nước sẽ thoái toàn bộ vốn
- 17-06-2015Bộ trưởng sẽ lựa chọn tổ chức tư vấn cổ phần hóa
Báo cáo gửi đến Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết trong thời gian tới, sẽ chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành cổ phần hóa 289 DN trong năm 2015 và thoái vốn đầu tư ngoài ngành chặt chẽ, có hiệu quả.
Về cơ chế quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa DNNN, theo Bộ Tài chính sẽ quán triệt tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN. Theo đó, số tiền thu được từ bán cổ phần dùng để thực hiện chính sách đối với người lao động và để Nhà nước tái đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, không được đưa vào ngân sách để chi thường xuyên.
Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và giao các bộ, ngành liên quan hướng dẫn các cơ chế chính sách quy định cụ thể việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa DNNN.
Theo đó, nguồn thu từ cổ phần hóa các công ty mẹ của Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, công ty 100% vốn nhà nước độc lập thuộc các Bộ, ngành, địa phương được chuyển về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN được đặt tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Nguồn thu từ cổ phần hóa các DN thuộc Tập đoàn Kinh tế, Tổng công ty nhà nước được nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN tại công ty mẹ các Tập đoàn, Tổng công ty.
Nguồn thu từ quá trình cổ phần hóa tại các Quỹ nêu trên được tập trung: Hỗ trợ giải quyết chính sách cho người lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp, chuyển đổi; bổ sung vốn điều lệ cho các DNNN; đầu tư bổ sung vốn để duy trì hoặc tăng tỷ lệ phần vốn nhà nước đang tham gia tại các DN khác; đầu tư vào các dự án quan trọng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ...
Nguồn thu từ thoái vốn được thực hiện theo cơ chế quản lý tài chính đối với DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo đó, tiền thu từ thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty, SCIC, công ty 100% vốn nhà nước đầu tư vào các DN khác sau khi trừ đi giá trị vốn đầu tư ghi trên sổ sách kế toán, chi phí thoái vốn và thực hiện nghĩa vụ thuế (nếu có) được hạch toán và kết quả kinh doanh của DN.
Tiền thu từ việc bán bớt phần vốn nhà nước tại các DN do các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước được chuyển về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN đặt tại SCIC.
Trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ cho biết, số tiền thu được từ bán cổ phần dùng để thực hiện chính sách đối với người lao động và để Nhà nước tái đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, không được đưa vào ngân sách để chi thường xuyên.
Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và giao các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn các cơ chế chính sách quy định cụ thể việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa DNNN, thành lập Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa DNNN.
Trong quý I-2015, cả nước đã cổ phần hóa 29 DN (trong đó có 3 Tổng công ty nhà nước và 26 DN). Còn lại 260 DN, đã có 62 DN công bố giá trị DN và 198 DN đang xác định giá trị DN. Quý I-2015 đã thoái được 2.807 tỷ đồng, thu được 3.206 tỷ đồng. Tổng số vốn đã thoái tính đến hết quý I-2015 là 8.213 tỷ đồng và số thu về là 8.599 tỷ đồng. Giá trị các khoản đầu tư tăng thêm trong giai đoạn 2011-2014 là 4.517 tỷ đồng do các đơn vị ghi nhận cổ tức được chia bằng cổ phiếu, DN hạch toán tăng doanh thu hoạt động tài chính và tăng giá trị khoản đầu tư ra ngoài DN tương ứng với số tiền cổ tức được chia theo quy định pháp luật. Như vậy, số còn phải thoái trong 9 tháng cuối năm 2015 là 19.517 tỷ đồng. |
Theo Minh Anh