MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng giám đốc ABS: Năm 2012 trụ vững đã là tốt rồi

TTCK VN như rừng phòng hộ đầu nguồn, những năm đầu bị đổ xô vào khai thác, rồi sẽ đến lúc rừng trơ trụi (như năm 2010) và sau đó là khô cằn, thành đồi núi trọc cằn cỗi (năm 2011).

Công ty chứng khoán (CTCK) An Bình (ABS) là một trong số ít các CTCK có lãi trong năm nay. Ông Nguyễn Thanh Hải – Tổng giám đốc công ty cho rằng, mặc dù trong năm qua số lãi không thật sự nhiều như những năm trước nhưng để có được thành quả đó lại là cả một sự nỗ lực vượt bậc của tập thể CBCNV công ty.
 
Còn năm 2012, mặc dù luôn có quan điểm “kinh doanh là phải có lãi” nhưng điều này ông chưa dám nghĩ đến trong năm nay – một năm mà theo ông CTCK sẽ phải tiếp tục vật lộn với các khó khăn, thách thức.

Năm 2011 là một năm như thế nào đối với CTCK An Bình, thưa ông?

 
Nói chung 2011 là một năm đặc biệt khó khăn đối với các CTCK nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung- “mưa to thì nhà nào cũng ướt”. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2010 chúng tôi đã tiến hành tái cấu trúc toàn diện công ty nên việc kiểm soát chi phí đã được thực hiện tốt; đồng thời ngay từ đầu năm 2011, HĐQT ABS đã định hướng ABS thực hiện tái cơ cấu toàn bộ danh mục đầu tư, dừng tự doanh CK và tập trung vào điểm mạnh của mình đó là: môi giới, nguồn vốn, tín dụng…
 
Với lượng khách hàng đông đảo và việc tăng cường quản trị rủi ro tín dụng, hoạt động kinh doanh của ABS vẫn rất an toàn và hiệu quả, có thể nói là khá vui khi ABS nằm trong top các CTCK lãi ít ỏi của năm nay.

Điều gì khiến ông cảm thấy ấn tượng nhất trong năm 2011?

Đó là sự mệt mỏi của các nhà đầu tư và CTCK. Nó tồi tệ đến mức nhiều nhà đầu tư không còn quan tâm một chút nào đến thị trường, các CTCK thì không còn nhiệt tình hay không còn sức “chiến đấu” nữa.

Thống đốc NHNN có phát đi một thông điệp rằng năm nay lãi suất sẽ giảm xuống mức 10%, cùng với giá của các cổ phiếu bây giờ khá thấp, ông có cho rằng đó sẽ là một “cửa sống” đối với chứng khoán trong năm 2012 này không?

Thực ra xét về giá trị của các doanh nghiệp niêm yết thì nhà đầu tư đang có rất nhiều các cơ hội để trở thành những cổ đông với giá rất thấp nhưng vấn đề ở chỗ là làm thế nào để nhà đầu tư yên tâm để bỏ tiền của mình ra mua những cổ phiếu đó. Năm 2011, không hẳn các nhà đầu tư đã hết sạch tiền mà thậm chí họ còn rất nhiều tiền và số tiền đó đang bị “ngủ đông”.

Trong khi những dòng tiền dẫn dắt (dòng tiền từ các CTCK, công ty quản lý quỹ, ngân hàng, nhà đầu tư nước ngoài) thì lại không có do bị cơ cấu lại hoặc thoái vốn. Một khi dòng tiền định hướng không có thì dòng tiền trong dân cũng không thể “bung” ra được.

Ông có nói rằng năm 2011 các nhà đầu tư gần như không có cơ hội kiếm lời từ TTCK. Ở một góc cạnh nào đó thì mọi người hiểu rằng “cơ hội” chính là các đợt “sóng” và phải chăng năm 2011 cũng là năm vắng bóng các “đội lái” nên các cơ hội này đã không đến?

Với thị trường trong nước và thế giới thì sẽ xuất hiện một nhóm nhà đầu tư quan tâm đến một số mã cố phiếu nào đó nên tiến hành đầu cơ, trong quá trình đó họ sẽ có những biện pháp để tìm kiếm lợi nhuận. Đó là thực tế khách quan có thể xảy ra ở bất kỳ một thị trường nào. Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng cho tất cả các nhà đầu tư thì các cơ quan chức năng phải có những biện pháp quản lý, giám sát nên việc cấm các “đội lái” hoạt động là điều đương nhiên.

Xét về hoạt động trên thị trường những năm qua tôi thấy khá nhiều các nhóm nhà đầu cơ tự nhận mình là “đội lái này, đội lái kia” nhưng tôi cho rằng nếu dẫn dắt một vài mã cổ phiếu nhỏ là có xảy ra nhưng để ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường là điều không thể.

Ông có cho rằng năm 2012 TTCK sẽ sáng sủa hơn không?

 
Có thể ví TTCK Việt Nam như rừng phòng hộ đầu nguồn, những năm đầu chúng ta đổ xô vào khai thác với lợi nhuận siêu ngạch…rồi sẽ đến lúc rừng trơ trụi (như năm 2010) và sau đó là khô cằn, thành đồi núi trọc cằn cỗi (như năm 2011)…
 
Và không loại trừ khả năng sẽ xuất hiện lũ quét trong năm 2012( cười)…dù tôi hy vọng Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có những giải pháp kịp thời để điều chỉnh. Tuy nhiên đến thời điểm này theo nghị quyết 11 thì vẫn tiếp tục duy trì việc tín dụng sẽ tiếp tục chặt chẽ, chứng khoán và bất động sản vẫn xếp vào danh sách phi sản xuất…Nên khách quan mà nói, thì năm nay thị trường sẽ vẫn phải đối mặt với rất nhiều các khó khăn.

Thêm vào đó, trong năm 2011 nhà đầu tư gần như đã mất hết niềm tin đối với thị trường, với tính minh bạch của các doanh nghiệp niêm yết, dòng tiền thì không còn vào thị trường, cơ hội kiếm lợi nhuận từ chứng khoán trong năm vừa qua gần như không có.

Vẫn biết năm nay thị trường sẽ có một vài “cú huých” từ phía các cơ quan chức năng, chẳng hạn như việc tái cấu trúc TTCK, ban hành một số các sản phẩm mới… nhưng để thị trường lấy lại được niềm tin đã bị mất thì cần thêm thời gian.

Vậy ông có nghĩ rằng, 6 tháng sẽ là đủ có cái mà ông gọi là thời gian đó không?

Tôi hy vọng thế và tôi cũng nghĩ rằng có rất nhiều người cùng hy vọng này giống tôi. Nhưng thị trường từ trước đến nay lại hay đi ngược lại với những gì mọi người kỳ vọng.

Năm 2011 thị trường cũng đã chứng kiến rất nhiều những “u nhọt” của các CTCK, nếu như năm 2012 tình hình vẫn tiếp tục khó khăn thì ông có cho rằng danh sách này sẽ còn dài hơn năm trước không?

Nếu nhìn các CTCK trên thị trường như một gia đình thì năm 2011 là thời kỳ “thóc cao, gạo kém, gia đình lại đông con” nên chắc chắc sẽ có “đứa” bị đói. Trong bối cảnh đói đó sẽ có “đứa” làm liều là dễ hiểu, tất nhiên là không phải “đứa” nào cũng thế.

Tôi nghĩ rằng, phần nổi của tảng băng chìm này còn rất là nhỏ nên có thể trong năm 2012 những mảng khuất của các CTCK sẽ còn hiện diện rõ hơn.

Đã có một số CTCK xin rút nghiệp vụ môi giới, ông đánh giá như thế nào về hành động này?

Với một CTCK thì nghiệp vụ môi giới là nghiệp vụ tốn kém chi phí nhất. Không cần biết CTCK đó có khách, có giao dịch không những những chi phí cố định để nuôi bộ máy nhân sự, hệ thống máy móc, chi phí thành viên, thông tin… cũng đã “ngốn” khá nhiều. Với tình hình khó khăn, một số CTCK xin rút nghiệp vụ môi giới tôi cho rằng đó là bước đi cần thiết.

Nhìn giá cổ phiếu của các CTCK trên thị trường thì có rất nhiều các mã chỉ giao dịch quanh mức 2.000 – 3.000 đồng/cp nhưng dường như điều đó cũng hấp dẫn các nhà đầu tư, vậy ông có nghĩ rằng đây là cơ hội cho việc mua bán sáp nhập giữa các CTCK và việc này sẽ dễ dàng thực hiện không?

Việc mua bán sáp nhập các CTCK không đơn thuần là việc mua vào một lượng lớn cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn, cổ đông chi phối hay gắn hai công ty chứng khoán vào nhau một cách hữu cơ. Để sáp nhập thành công thì có rất nhiều vấn đề cần xem xét, cân nhắc.

Về nguyên tắc, để “cõng” được một công ty yếu thì công ty có ý định mua phải thật sự “khỏe” và việc đó đem lại lợi ích gia tăng trước mắt hoặc dài hạn cho cổ đông, khách hàng của cả hai công ty, còn nếu cả hai ông yếu cõng nhau thì sẽ không đi nổi. Mà chúng ta thấy một số ví dụ cụ thể nhiều CTCK lớn hiện nay, thị phần đứng top đầu, khách hàng nhiều, doanh thu cao nhưng chưa chắc đã thực sự “khỏe”.

Còn đứng ở góc độ của một nhà đầu tư, họ không quan trọng quá nhiều đó là CTCK hay một doanh nghiệp nào khác mà họ quan tâm trực tiếp đến khả năng sinh lời. Hay nói một cách khác, khi bỏ tiền ra mua họ sẽ đặt câu hỏi: Giữa doanh nghiệp này và doanh nghiệp kia thì doanh nghiệp nào có khả năng sinh lời cao nhất? An toàn nhất?...

Không thể mua bán sáp nhập thì số phận của những CTCK “yếu” sẽ như thế nào?

Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, CTCK không còn là một “mốt thời thượng” nữa mà họ cũng chỉ là những doanh nghiệp kinh doanh bình thường. Một khi không thể cạnh tranh thì phá sản, giải thể là chuyện bình thường và cổ đông nên chấp nhận điều đó..

Điều đáng lưu ý nhất là việc phá sản đó không được ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.

Mục tiêu của ABS trong năm 2012 thế nào?

Quan điểm của người kinh doanh là “kinh doanh thì phải có lãi” nhưng nhìn vào thực trạng kinh tế vĩ mô và tình hình triển khai các giải pháp trong năm 2012 thì khả năng để có sự xoay chuyển lớn là khá thấp và các doanh nghiệp để có lãi là cực kỳ khó. ABS xác định năm nay sẽ là năm tập trung duy trì hoạt động ổn định để cung cấp dịch vụ khách hàng; đảm bảo an toàn vốn của cổ đông; đời sống cán bộ công nhân viên được đảm bảo;. Những điều khác chúng tôi vẫn chưa dám tính tới (cười).

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này và chúc ông sức khỏe và chúc ABS sẽ có một năm kinh doanh thành công!

Khánh Linh – Phương Mai (Thực hiện)


hanhle

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên