MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước giờ giao dịch 05/10: Cần theo dõi xu hướng của dòng tiền.

Áp lực bán ròng của khối ngoại đang đè nặng lên tâm lý giao dịch của nhà đầu tư. Thị trường cần thông tin hỗ trợ đủ mạnh giúp thị trường thoát khỏi tình trạng giằng co như hiện tại.

Thị trường đã trải qua gần 5 tuần giao dịch tích lũy, đi ngang trong biên độ hẹp cùng với thanh khoản xuống thấp. Dưới áp lực bán ròng, phiên cuối tuần trước giao dịch khá ảm đạm, thanh khoản teo tót, nhà đầu tư giao dịch thận trọng.

Diễn biến phiên giao dịch cuối tuần khá là giằng co. Chỉ số VnIndex chốt phiên giao dịch xuống 562,31 điểm giảm 1,23 điểm (-0,22%). Ngược lại, HNX-Index tăng 0,23 điểm (0,29%) lên 78,25 điểm. Điểm sáng duy nhất trong phiên thuộc về nhóm cổ phiếu cơ bản có vốn hóa vừa và nhỏ như CSV tăng 1.100 đồng (5,4%), CNG tăng 1.900 đồng (6,4%), PPC tăng 1000 đồng (5,7%), CTD tăng 6.500 đồng (6,5%).

Khối ngoại tiếp tục có một phiên bán ròng mạnh, tổng giá trị bán ròng trong phiên cuối tuần gần 65 tỷ đồng. Trong đó bán ròng tại HSX gần 61,5 tỷ đồng với khối lượng bán ròng 3,4 triệu đơn vị, sàn HNX bán ròng 51 nghìn đơn vị với giá trị bán ròng gần 3,5 tỷ đồng. Các cổ phiếu Bluchip tiếp tục bị bán ròng nhiều nhất, SSI (-8,4 tỷ đồng), PVD (-8,9 tỷ đồng), VIC (-9,9 tỷ đồng), BCI (38,5 tỷ đồng), SBT (-11,5 tỷ đồng). Như vậy, tuần qua khối ngoại bán ròng 281 tỷ đồng, nối tiếp đà bán ròng hơn 1000 tỷ đồng tháng trước.

Theo nhận định của công ty chứng khoán Sài gòn-Hà nội (SHS):

Trong tuần trước thị trường xuất hiện khá nhiều các thông tin vĩ mô quan trọng cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tác động của các thông tin này lên thị trường không tạo sức mạnh giúp cải thiện hoạt động của dòng tiền (xét theo cả chiều tích cực và tiêu cực) do các chỉ số này mang tính trái chiều và không tạo ra sự bất ngờ đối với nhà đầu tư. Thay vào đó, áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại cùng diễn biến rút ròng vốn ngoại tại các thị trường mới nổi đang tác động không nhỏ tới thị trường trong tuần qua. Trong tháng 9 khối ngoại bán ròng gần 1.000 tỷ đồng – tháng bán ròng mạnh nhất trong năm 2015. Trong khi đó, tại các thị trường chứng khoán trong khu vực, các quỹ nước ngoài đã bán ròng hơn 5,1 tỷ USD – mức cao nhất kể từ năm 1999. Việc Trung Quốc phá giá đồng CNY và khả năng FED sẽ tiến hành tăng lãi suất vào cuối năm nay khiến rủi ro nguồn vốn nước ngoài rút khỏi các thị trường mới nổi đang hiện hữu.

SHS nhận định : Trong ngắn hạn, thị trường sẽ chưa thoát ra khỏi trạng thái giao dịch tích lũy đi ngang. Sự phân hóa diễn ra không rõ rệt khi áp lực điều chỉnh diễn ra luân phiên và biên độ giao động giá khá hẹp khiến kỳ vọng lợi nhuận tương đối thấp. Theo đó, nhà đầu tư vẫn nên đứng ngoài thị trường tại thời điểm hiện tại và tiếp tục theo dõi những động thái tiếp theo của dòng tiền.

Thông tin cổ phiếu đáng chú ý:

KDC- Công ty Cổ phần Kinh đô : Sau khi thoái lui khỏi mảng bánh kẹo, ngày 2/10/2015, công ty đã nhận giấy phép đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 22 về việc đổi tên công ty thành CTCP Tập Đoàn Kido với tên viết tắt là Kido Group. Kido hiện có vốn điều lệ gần 2.567 tỷ đồng, người đại diện theo pháp luật là ông Trần Kim Thành – Chủ tịch HĐQT

BID- Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam: theo công bố ngày 29/9, Ngân hàng đã hoàn tất việc phát hành hơn 270,59 triệu cổ phiếu ra công chúng , có gia trị hơn 2.705,9 tỷ đồng. Sau phát hành, tổng vốn chủ sở hữu của BIDV là 34.187 tỷ đồng, riêng NHNN nắm giữ 95,28%, còn lại 4,72% là các cổ đông khác, trong đó cổ đông nước ngoài nắm giữ 1,7%.

VIC- Tập đoàn Vingroup: Ngày 02/10/2015, Chủ tịch HĐQT đã ban hành quyết định giải thể 04 công ty con gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản và phát triển hạ tầng đô thị Hà Thành, Công ty TNHH Thiết kế xây dựng và quản lý cảnh quan Vinlandscape, Công ty TNHH Marketing VME và Công ty TNHH Quản lý xây dựng Vincom 6 do xét thấy không cần thiết duy trì hoạt động của các công ty này.

DQC- Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện quang: Công ty đã mua bất thành 700.000cổ phiếu quỹ như đăng ký trước đó, do giá không phù hợp. Hiện DQC vẫn đang nắm giữ 2.442.400 cổ phiếu quỹ. Giá cổ phiếu của công ty đã tăng gần 30% trong vòng hơn tháng qua.

CII - CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM: Do số lượng cổ phiếu được tăng thêm sau khi chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu của Amersham Industries Limited, cổ đông lớn đã giảm từ 8,3% về còn 7,74%, trong khi vẫn đang nắm giữ 16.811.688 cổ phiếu CII.

Thông tin kinh tế đáng chú ý:

NHNN đã chính thức cho Bộ tài chính vay 30.000 tỷ đồng.

Nguyễn Sơn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên