MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TTCK còn quá nhiều yếu tố tác động

Hiện tại sự thận trọng vẫn cần thiết khi lãi suất cho vay vẫn đang ở mức rất cao và chỉ số VN-Index dường như đang tạo sự phân tán nghịch rất đáng lo ngại.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã bứt phá ra khỏi xu hướng giảm và cho tín hiệu mua trung hạn sau khi chạm mức đáy 420. Điều này khiến nhiều người chờ đợi các dòng tiền mới sẽ tiếp tục gia nhập thị trường và giúp thị trường hồi phục một cách vững chắc.

Tuy nhiên, hiện tại sự thận trọng vẫn cần thiết khi lãi suất cho vay vẫn đang ở mức rất cao và chỉ số VN-Index dường như đang tạo sự phân tán nghịch rất đáng lo ngại.

Yếu tố vĩ mô vẫn chưa ủng hộ

Nói như thế bởi các chỉ số kinh tế vĩ mô đa phần tiếp tục không thuận lợi. Chẳng hạn, CPI tháng Mười một tăng đột biến, lũy kế 11 tháng đầu năm tăng 8,96% so với cùng kỳ năm 2009.

Bên cạnh đó, các vòng xoáy tương tác giữa tỷ giá, giá vàng trong và ngoài nước liên tục biến động, tăng lên mức kỷ lục chưa từng có, tạo nên làn sóng đầu cơ.

Điều này tác động mạnh đến dòng tiền vào chứng khoán vì bị chia sẻ bởi kênh đầu tư khác. Thâm hụt thương mại có dấu hiệu tăng trở lại và xu hướng những tháng cuối năm sẽ không ngừng gia tăng nếu không có biện pháp rào cản kỹ thuật phù hợp.

Vốn đầu tư FDI trong 10 tháng qua thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, càng tạo áp lực đến chính sách điều hành tỷ giá.

Tất cả những điều trên làm cho thị trường chứng khoán vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm.

Lo ngại dòng tiền tiếp tục thoát khỏi thị trường

Dù rằng đến nay, Chính phủ đã áp dụng khá nhiều chính sách để nâng đỡ nền kinh tế, như chuyển từ chính sách ưu tiên tăng trưởng sang ưu tiên kiềm chế lạm phát.

Trong đó, áp dụng các biện pháp khá cụ thể là phát hành 16.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong những tháng còn lại nhằm hút bớt lượng tiền khỏi lưu thông.

Tăng lãi suất VND nhằm nới lỏng lãi suất VND điều chỉnh theo thị trường. Cấm các ngân hàng vay và cho vay lẫn nhau để hạn chế việc méo mó về số liệu công bố trong thị trường tiền tệ. Giữ nguyên tỷ giá USD/VND.

Thông tư 22 hạn chế phạm vi hoạt động thị trường vàng, cho phép nhập vàng (giảm thuế nhập vàng/ tăng thuế xuất vàng) nhằm cân đối cung cầu.

Tích cực triển khai chính sách bình ổn giá thông qua các đầu mối phân phối sỉ và lẻ.

Tích cực khai thông dòng vốn FDI, FII, kiều hối... Nhưng rõ ràng, sau hàng loạt biện pháp thì dòng tiền vào thị trường cũng chưa có thay đổi lớn.

Một số nguyên nhân được đưa ra để giải thích cho điều này. Đó là, các doanh nghiệp niêm yết đang gặp khó khăn trong việc phát hành thêm vốn (khoảng 10 ngàn tỷ đồng); áp lực tăng vốn từ các ngân hàng nhỏ ở giai đoạn nước rút (khoảng 37.000 tỷ đồng); áp lực thoái vốn từ các doanh nghiệp nhà nước có tỷ trọng đầu tư trái ngành cao (PVN, EVN...). Cơ cấu danh mục và xu hướng các quỹ đóng chuyển dần sang quỹ mở, hoặc quỹ ủy thác/ ETF trước năm 2012.

Tóm lại, thị trường đang chờ đợi những dấu hiệu tích cực từ các chính sách mới mà Chính phủ đang triển khai hàng loạt.

Đến tuần thứ ba tháng Mười hai thì khả năng thị trường phục hồi. Bởi vì, những lo ngại về dòng tiền sẽ được giải quyết phần lớn.

Tâm lý ngóng chờ những tín hiệu vĩ mô có dấu hiệu ổn định trở lại cùng với sự kiện thông tin nội gián về lợi nhuận cả năm sẽ giúp thị trường nhiều khả năng phục hồi đáng kể và khả năng VN-Index quay về mức 480 trong những tháng đầu năm 2011 có thể xảy ra.

Song song đó, do dòng tiền vẫn khó có thể phục hồi nhanh nên nhóm cổ phiếu Big-Cap (mức vốn hóa lớn) trở lên sẽ khó có cơ hội phục hồi nhanh và mạnh. Còn các nhóm Mid-Cap (mức vốn hóa trung) và Small-Cap (mức vốn hóa nhỏ) vẫn là tâm điểm khi thị trường hồi phục.

Theo TS. Phạm Linh - TGĐ CTCK Quốc Tế (VIS)

Doanh nhân Sài Gòn

phuongmai

Trở lên trên