Tương lai nào cho các công ty chứng khoán nhỏ?
Chỉ có 13/30 công ty hoạt động có lãi trong nửa đầu năm 2015. Tuy nhiên, điều đặc biệt là dù cho các công ty lớn nhất ngành đang có doanh thu môi giới sụt giảm thì các công ty nhỏ đang sống tốt hơn nhờ môi giới và tư vấn.
- 28-08-2015Chấm dứt tư cách thành viên giao dịch với 3 công ty chứng khoán
- 27-07-2015Áp lực nhân sự công ty chứng khoán
- 30-06-2015Công ty chứng khoán nhận định thị trường ngày 1/7
Chỉ có 13/30 công ty hoạt động có lãi
Thống kê kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của 30 công ty chứng khoán có tổng tài sản dưới mức 230 tỷ đồng cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế của 30 công ty này đạt mức 50,3 tỷ đồng chiếm gần 3% tổng lợi nhuận; doanh thu chiếm 4,5% tổng doanh thu nhóm các công ty chứng khoán là thành viên của HOSE.
Mức đóng góp nói trên là “khá tương xứng” năng lực tài chính của các công ty này. Bởi 30 công ty đang chiếm 8,5% số dư tiền, 4,8% tổng tài sản của toàn nhóm thành viên (78 công ty).
Có 13 công ty hoạt động có lãi và có 12 công ty có tăng trưởng lợi nhuận (bao gồm cả những công ty giảm được lỗ, thoát lỗ). Cùng kỳ năm trước, nhóm 30 công ty này có 18 công ty chứng khoán hoạt động có lãi.
Ở khía cạnh tích cực, doanh thu hoạt động môi giới trong 6 tháng đầu năm của nhóm công ty này đã tăng 26,4% so với 6 tháng đầu năm 2014. Tuy nhiên, số công ty bị thua lỗ tăng lên phản ánh những khó khăn trong lựa chọn hướng đi để có thể trụ lại với thị trường.
Cải thiện tình hình kinh doanh nhờ hoạt động dịch vụ môi giới, tư vấn
Trong kinh doanh thu phải đủ bù chi là một điều kiện duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Các công ty chứng khoán đều có mức định phí ban đầu gần như nhau như phí thường niên, kết nối, khấu hao, mặt bằng. Chỉ có lượng nhân viên khác nhau dẫn đến tổng chi phí có khác nhau.
Tổng giám đốc điều hành của công ty chứng khoán nằm trong nhóm 30 này cho biết, một công ty chứng khoán nhỏ có chi phí hoạt động chỉ khoảng 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/tháng. Nếu họ không bù nổi khoản này họ sẽ lỗ.
Nguồn thu của một công ty chứng khoán nhỏ không margin thì thường chỉ có môi giới và tư vấn đầu tư. Ngoài ra, các công ty chứng khoán còn có khoản tiền gửi ngân hàng để lấy lãi nhưng với mức lãi suất hiện nay là rất khó để đủ sinh lãi trừ khi vốn họ từ 200 tỷ trở lên.
Phân tích kết quả kinh doanh của 30 công ty nói trên cho thấy, những công ty có lãi, hoặc cải thiện được kết quả kinh doanh đều là những công ty có doanh thu hoạt động môi giới tăng mạnh, có thể tăng gấp 7-8 lần hoặc nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước như CTCP Chứng khoán Tầm Nhìn (HRS), CTCP Chứng khoán Đà Nẵng (DNSC), CTCP Chứng khoán Đại Nam (DNSE), CTCP Chứng khoán Việt Thành (VTS); hoặc là công ty có doanh thu hoạt động tư vấn tăng đột biến như CTCP Chứng khoán Navibank (NVS), DNSC. Bên cạnh đó, nguồn tiền dồi dào cũng là thế mạnh cho các công ty trong nhóm này như CTCP Chứng khoán Quốc Gia (NSI).
Hướng đi nào cho các công ty chứng khoán nhỏ?
65% thị phần môi giới trên HOSE thuộc về 10 công ty chứng khoán lớn nhất ngành, 35% còn lại khoảng 70 công ty chứng khoán vừa và nhỏ chia nhau. Nhưng kết quả kinh doanh cho thấy dù cho miếng bánh môi giới nhỏ hẹp thì các công ty chứng khoán nhỏ vẫn đang có hướng đi đúng để khai thác nó một cách hiệu quả.
Về cơ bản, hoạt động môi giới có 2 cách để gia tăng dòng thu. Một là tăng số lượng khách hàng, hai là tăng phí trên mỗi khách. Cách thứ hai nếu muốn thực hiện đòi hỏi công ty đó phải có dịch vụ rất đặc biệt hoặc cao cấp. Có nghĩa là công ty chứng khoán phải có lợi thế tuyệt đối nào đó hoặc phải đầu tư lớn về con người hoặc phần mềm, dịch vụ..
Theo khảo sát, để tăng thu từ dịch vụ môi giới thông qua tăng khách hàng, các công ty chứng khoán nhỏ đã có những dòng sản phẩm mới cho khách hàng dùng thử, sau đó thu phí; hoặc giảm phí giao dịch; trả phí giao dịch cố định theo tháng kèm 0,04% trên giá trị giao dịch cho Sở giao dịch.
Câu hỏi đặt ra rằng, liệu việc giảm phí tối đa nhưng các công ty chứng khoán nhỏ đã công bố có đảm bảo cho công ty duy trì hoạt động và tăng trưởng không? Ông Vicente Nguyễn, Tổng giám đốc công ty chứng khoán HVS Việt Nam cho biết, thực chất phí môi giới và các dịch vụ khách hàng khác dư sức đảm bảo công ty có lãi và tăng trưởng. Mục tiêu tăng trưởng nếu tính trong 10 năm nữa thì tối thiểu 10%/năm. Do thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất nhỏ, tăng trưởng là chuyện gần như 100%.
Để cắt giảm phí môi giới, đảm bảo có lãi các công ty chứng khoán nhỏ buộc phải cắt giảm được khoảng 50% chi phí vận hành, và toàn bộ phí hoa hồng môi giới (30-40%). Dù vậy, khách hàng vẫn sẽ được chăm sóc bởi bộ phận chăm sóc khách hàng, tư vấn bởi bộ phận tư vấn và tự giao dịch 100% online.
Ngoài nghiệp vụ môi giới một công ty chứng khoán nhỏ có thể thực hiện nghiệp vụ tư vấn đầu tư. Dù nhà đầu tư Việt Nam chưa có thói quen nhưng về lâu dài sẽ dùng do xu hướng tiến đến đầu tư chuyên nghiệp. Vấn đề là hầu hết các tư vấn hiện tại chủ yếu do môi giới thực hiện và chủ yếu là đánh ngắn hạn. Hầu hết các công ty chứng khoán nhỏ hiện đang không có mâu thuẫn lợi ích với khách hàng do tài khoản tách biệt và không có hoạt động tự doanh.
Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính 6 tháng 2015 soát xét
Đi vào ngách của miếng bánh môi giới, định vị lại hoạt động tư vấn có thể xem là quyết tâm là hướng đi để các công ty chứng khoán nhỏ trụ lại thị trường.
BizLIVE