MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VBF 2013: Chính phủ Việt Nam nên bán vốn ở các DNNN thay vì nới bội chi ngân sách

Phần sở hữu trên 50% vốn của nhà nước tại 11 DN niêm yết trên HoSE có giá trị 4,4 tỷ USD.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2013 (VBF 2013), nhóm công tác thị trường vốn đã cho rằng: Trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang khó khăn như hiện nay Chính phủ Việt Nam nên cân nhắc đến phương án bán mạnh vốn nhà nước tại các DNNN để có tiền thay vì phương án nới bội chi ngân sách.

Nhóm công tác thị trường vốn nêu cụ thể: Ngân sách nhà nước đang hạn hẹp trong khi nhu cầu chi tiêu, đầu tư công vẫn còn rất lớn. Nguồn thu từ thuế giảm do kinh tế khó khăn và các lộ trình giảm thuế nhập khẩu khi tham gia WTO. Gần đây nhất, Chính phủ đã xin phép tăng bội chi ngân sách lên 5,3% GDP từ mức 4,8%.

Trong khi đó, tổng giá trị thị trường của phần vốn nhà nước tại 11 công ty trong nhóm 20 công ty lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán Hồ Chí Minh (theo tiêu chí vốn hóa) là 14.8 tỷ đô Mỹ, chiếm 38% vốn hóa của cả sàn chứng khoán Hồ Chí Minh.

Riêng phần sở hữu trên 50% của nhóm 11 công ty này có giá trị 4.4 tỉ đô Mỹ. Việc bán một phần các doanh nghiệp này sẽ dễ dàng bù đắp được ngân sách của nhà nước trong giai đoạn khó khăn này, thay vì giảm lương tối thiểu hay tận thu những nguồn khác”.

Doanh nghiệp sau khi bán vẫn chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, vẫn đóng thuế, vẫn thuê mướn nguồn nhân lực Việt Nam.

Theo nhóm công tác, nhiều ngành nghề của các công ty mà hiện tại nhà nước nắm giữ tỉ lệ lớn không phải các ngành nhạy cảm thậm chí đối với các tiêu chí hiện tại của Việt Nam. Ví dụ như ngành hàng tiêu dùng, sản xuất phân bón.

“Các doanh nghiệp nhà nước được hưởng nhiều ưu đãi hơn về chính sách và vốn vay so với các doanh nghiệp khối tư nhân. Điều này dẫn đến sân chơi không bình đẳng giữa 2 khối doanh nghiệp, hạn chế khả năng phát triển của khối tư nhân trong khi khối nhà nước hoạt động thiếu hiệu quả và không có sản phẩm/ dịch vụ tốt” – Nhóm công tác thị trường vốn nhận định.

Nhóm đưa ra kiến nghị, Chính phủ Việt Nam nên tăng tỉ lệ sở hữu nước ngoài, giảm tỉ lệ sở hữu Nhà nước bằng việc bán cổ phần Nhà nước trong các công ty cổ phần thuộc diện không nhạy cảm.

Trước mắt có thể giảm bớt sở hữu Nhà nước tại các công ty niêm yết về dưới 50% nhưng vẫn trên 35%. Thời gian sau đó có thể giảm xuống thêm”.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các công ty 100% vốn Nhà nước và rà soát để giảm bớt danh sách ngành nhạy cảm.

Khánh Linh

hangnt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên