MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VCBS: CPI tháng 4 khó dưới 1,5%, áp lực suy giảm vẫn hiện diện trên TTCK

Giá xăng tăng tạo thêm một sức ép cho thấy NHNN cần thắt chặt hơn nữa cung tiền để trung hòa các tác động lên giá cả từ việc tăng giá xăng dầu.

Chiều tối qua (29/3), Bộ Tài chính đã chính thức chấp thuận cho tăng giá xăng dầu thêm 2000 – 2800 đồng/lít. Đây là lần thứ hai tính từ đầu năm 2011, giá xăng dầu được điểu chỉnh tăng.

Đợt tăng giá xăng dầu ngày 29/3 được cho là khá bất ngờ đối với nhiều người khi mà giá xăng dầu đã tăng khá cao trong tháng 2 và sức ép về lạm phát vẫn chưa hề giảm xuống trong quý I/2011.

Kết hợp hai đợt tăng giá xăng dầu này thì mức giá xăng dầu từ đầu năm đã được điều chỉnh tăng tới 29,88% đến 43,05% đối với từng loại xăng dầu và tạo ra mức cao mới về giá xăng dầu trong nước.

Áp lực tăng giá xăng dầu vẫn chưa kết thúc

Đang có nhiều yếu tố cho thấy áp lực tăng giá xăng dầu vẫn chưa kết thúc.

Thứ nhất, giá xăng dầu thế giới trong thời gian tới vẫn được tiếp tục kỳ vọng tăng lên khi NATO tham gia vào cuộc chiến tại Libya và bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi chưa có dấu hiệu giảm bớt cũng như nhu cầu dầu thế giới vẫn có xu hướng tăng cao khi mà các nước như Mỹ, châu Âu, và châu Á (trừ Nhật Bản) đang dần dần hồi phục kinh tế sau khủng hoảng, và cuộc khủng hoảng hạt nhân tại các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản sẽ làm nhu cầu dầu để chạy các nhà máy nhiệt điện tăng cao.

Thứ hai, theo Bộ Tài chính mức tăng giá xăng dầu lần này vẫn dưới ngưỡng cần thiết khiến giá xăng dầu trong nước vẫn đang thấp hơn giá các nước xung quanh.

Và quan trọng hơn, do Bộ Tài chính sẽ vẫn chủ trương “tiếp tục thực hiện kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường” sẽ khiến cho việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước sẽ có thể được tiếp tục khi mà các yếu tố bên cung cầu ảnh hưởng. Như vậy, áp lực gia tăng chỉ số CPI trong những tháng tiếp theo sẽ không hề nhỏ.

Đồng thời nhìn rộng ra trong quý 2, với việc mức lương cơ bản dự kiến sẽ được điều chỉnh tăng từ 730.000 đồng lên mức 830.000 đồng từ tháng 5/2011 thì sức ép lên lạm phát trong quý II/2011 sẽ càng lớn. Theo đó, chúng tôi cho rằng chỉ số CPI trong tháng 4 sẽ khó có thể dưới 1,5%.

Sức ép lên việc thực thi chính sách tiền tệ

Với áp lực lạm phát đó, chúng tôi cho rằng NHNN sẽ vẫn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ cũng như chính sách tài khóa của mình theo Nghị quyết 11 đã chỉ ra.

Bên cạnh hàng loạt các biện pháp đang được thực hiện như tăng lãi suất điều hành, giảm cung tiền trên thị trường mở, rà soát các hoạt động đầu tư công và tăng hiệu quả của các dự án đầu tư công, giảm chi tiêu và đầu tư công cho các hạng mục không cần thiết, chúng tôi vẫn không loại trừ khả năng NHNN nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhất là khi tỷ lệ này hiện nay đang ở mức rất thấp.

Tuy nhiên chúng tôi không kỳ vọng NHNN sẽ tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở mức “sốc” do hiện nay do những hạn chế về vốn khả dụng của các ngân hàng theo thông tư 13 và thông tư 19 được áp dụng từ tháng 10/2010.

Bên cạnh đó, trước kia trong năm 2007, NHNN đã có đợt tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 5% lên 10% cho kỳ hạn dưới 12 tháng và từ 2% lên 4% cho kỳ hạn trên 12 tháng, tuy nhiên tại thời điểm đó, các mức lãi suất điều hành được giữ nguyên không thay đổi.

Trong khi đó, từ đầu năm 2011 đến nay, mức lãi suất tái cấp vốn đã được điều chỉnh tăng 2 lần từ mức 7% lên mức 12% còn lãi suất tái chiết khấu cũng được điều chỉnh tăng từ 7% lên 12%.

Áp lực suy giảm trên TTCK

Như vậy giá xăng tăng đã và đang tạo thêm một sức ép nữa lên việc thực thi chính sách tiền tệ cho thấy NHNN cần thắt chặt hơn nữa cung tiền để trung hòa các tác động lên giá cả từ việc tăng giá xăng dầu. Như vậy, nguồn vốn khả dụng cho việc đầu tư chứng khoán chắc chắn càng thêm co hẹp, thị trường chứng khoán dự kiến sẽ chưa hết khó khăn.

Các phiên sụt giảm mạnh vừa qua đang làm giá cổ phiếu càng thêm rẻ với mức PE và PB hiện tại cho thị trường là 9x và 1x đang rơi lại mức thấp nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên do chính sách tiền tệ đang đi theo hướng hi sinh tăng trưởng kinh tế và sức ép của chính sách tiền tệ tới tăng trưởng kinh tế cũng như khó khăn của doanh nghiệp như thế nào chưa thể lượng hóa do các biện pháp thắt chặt tiền tệ mới đang triển khai ở những bước ban đầu cùng rủi ro bất ổn vĩ mô vẫn chưa hoàn toàn kết thúc nên áp lực suy giảm vẫn hiện diện trên thị trường chứng khoán.

Trước mắt, chúng tôi cho rằng rủi ro đối với nhà đầu tư lướt sóng hay ngắn hạn vẫn còn khá lớn nên sự cẩn trọng chờ đợi là cần thiết và chỉ tham gia thị trường khi tình hình vĩ mô có dấu hiệu khả quan hơn.

Phòng Phân tích CTCK VCBS


phuongmai

Trở lên trên