MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao chứng chỉ quỹ VFMVF1 tăng giá?

“Tôi có tiền trả cho ai muốn rút”.

Trong vòng 20 phút sau khi bài phỏng vấn TGĐ CTCP Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) Trần Thanh Tân được đăng tải trên CafeF, chứng chỉ quỹ VFMVF1 tăng gần 4%.

Nguyên nhân có phải vì ông Tân “hé lộ” tin Ban đại diện Quỹ VF1 “xem xét chủ trương chuyển đổi Quỹ VF1 sang quỹ mở”, tức giá VFMVF1 sẽ tiệm cận NAV của quỹ này (nói ngắn gọn là tăng)?

Không. Nhà đầu tư đủ sắc sảo và có chút quan tâm tới Quỹ VF1 ắt đã nhìn thấy động thái từ rất lâu.

Chuyện 2014 là hạn VF1 đóng quỹ và trong trường hợp ấy phải hoàn thành thanh lý danh mục đầu tư ngay trong năm nay, có thể biết ngay từ khi Quỹ VF1 thành lập, tức cách đây … 9 năm.

Chuyện ông Tân cùng VFM và cổ đông lớn Dragon Capital không muốn đóng quỹ VF1, ai cũng đoán được.

Với khối tài sản hơn 1.700 tỷ, mỗi năm VF1 mang lại cho VFM 34 tỷ tiền phí quản lý (chưa kể thưởng hoạt động và các loại phí khác). Doanh thu và lợi nhuận năm 2011 của VFM lần lượt là 64 tỷ và gần 8 tỷ.

Dragon Capital và công ty liên kết là Chứng khoán Tp.HCM (HCM) hiện đang nắm 80% cổ phần tại VFM. NH TMCP Sài Gòn Thương Tín nắm 14% và nhân viên VFM nắm 6% còn lại.

Mấu chốt vấn đề nằm ở đâu?

“Tôi có nhà đầu tư lớn ủng hộ”. Theo lời ông Tân, “có ít nhất 50% NĐT đồng ý duy trì khoản đầu tư của mình vào quỹ mở”, tức chắc chắn đã được từng ấy đồng ý không giải thể VF1.

Nhưng chỉ có 50% ủng hộ là chưa đủ, muốn chuyển đổi thành công quỹ VF1, phải có sự ủng hộ của ít nhất 65% nhà đầu tư.

“Tôi có tiền trả cho ai muốn rút”. Theo kỳ báo cáo gần nhất, tài sản của Quỹ VF1 hiện là hơn 1.700 tỷ.

Ông Tân nhắc tới “khối tài sản trên 1.000 tỷ đồng” của Quỹ VF1 là muốn nói tới số tài sản cần phải chuyển đổi ra tiền mặt, cái gọi là “trên” có thể nằm trong khoảng 1.000-1.200 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa, Quỹ VF1 hiện đang có 500-700 tỷ tiền và tương đương tiền, tức 30-40% NAV.

Trong trường hợp có nhóm nhà đầu tư nào quyết đòi VF1 giải thể, VFM có thể “mua sự đồng ý” nhờ số tiền trị giá 30-40% NAV kể trên.

Không loại trừ khả năng VF1 sẽ tăng cường phòng thủ bằng cách tiếp tục tăng tỷ trọng tiền mặt trong thời gian sắp tới. Khi chuyển VFA từ quỹ đóng sang quỹ mở, ông Tân tiết lộ 100% danh mục đã được chuyển thành tiền mặt.

“Tiền về sẽ rất nhanh”. Có hai lần ông Tân nhấn mạnh thời gian chuyển đổi VF1 sẽ rất nhanh.

Lần thứ nhất, ông khẳng định VF1 sẽ thành quỹ mở “rất nhanh trong năm 2013”, vì “đã có kinh nghiệm chuyển đổi cho Quỹ VFA”. Thời gian kể từ ĐH NĐT thông qua chuyển Quỹ VFA sang quỹ mở (tháng 12 năm ngoái), tới khi NĐT có thể rút tiền chỉ có 4 tháng (dự kiến tháng 4 năm nay).

Lần thứ hai, ông Tân có ý so sánh giữa hai phương án “đóng quỹ” và “chuyển thành quỹ mở”. Nếu “đóng quỹ” phải đợi tới giữa năm 2014, còn “chuyển thành quỹ mở” chỉ tới “trước cuối năm 2013” là rút được tiền.

ĐH NĐT Quỹ VF1 sẽ được tổ chức vào ngày 21/3 sắp tới, nếu mọi việc suôn sẻ như với Quỹ VFA, việc chuyển đổi sang quỹ mở sẽ hoàn tất trong Quý III năm nay.

Hoàng Hà

tuannm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên