MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam đang rất cần chứng khoán phái sinh

Sau quá trình 12 năm hình thành và phát triển, đã đến lúc thị trường cần mở rộng thêm các sản phẩm mới, đa dạng hơn, hấp dẫn hơn như các chứng khoán phái sinh.

Sáng 28/6, tại Tp.HCM, Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Đại học Tài chính - Marketing đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam”.

Sự có mặt của đông đảo đại diện cơ quan quản lý và các thành viên thị trường cho thấy sự quan tâm đặc biệt đối với sản phẩm chứng khoán phái sinh, một hình thức phổ biến ở các thị trường tài chính phát triển, nhưng lại còn mới mẻ ở Việt Nam.

“Công cụ phái sinh là một sản phẩm tài chính tất yếu”

(TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước)

“Các công cụ phái sinh là các sản phẩm tất yếu trong tiến trình phát triển ngày càng sâu, rộng và đa dạng của thị trường tài chính. Đến nay thì các công cụ phái sinh đã phát triển rất nhanh, mạnh trên phạm vi toàn cầu và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính tiền tệ.

Các công cụ này cho thấy tính năng nổi bật trong việc phòng ngừa rủi ro, đáp ứng nhu cầu và lợi ích cho nhiều đối tượng tham gia thị trường nhưng cũng cho thấy tính chất phức tạp và nếu không quản lý tốt có thể gây nên bất ổn kinh tế.

Tại Việt Nam, các công cụ phái sinh có nguồn gốc từ tiền tệ, hàng hóa đã được sử dụng từ nhiều năm nay.

Về phái sinh hàng hóa, trung tâm giao dịch cà phê Buôn Mê Thuột đã được thành lập năm 2006 với chức năng chính là tổ chức việc mua bán các loại cà phê sản xuất tại Việt Nam theo phương thức giao ngay và giao sau (giao dịch kỳ hạn).

Đến nay thì việc sử dụng các công cụ phái sinh tiền tệ đã được mở rộng cho nhiều ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài, với đa dạng các công cụ như: hoán đổi, quyền chọn, các sản phẩm kỳ hạn…

Về lĩnh vực chứng khoán, thị trường cổ phiếu dù đã được 12 năm nhưng thực tế mới chỉ phát triển trong 5-6 năm trở lại đây.

Trên thị trường, một số công cụ phái sinh đơn giản cũng bước đầu được sử dụng không chính thống (như quyền mua chứng khoán, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn…) trong giai đoạn thị trường tăng trưởng nhanh (2007-2008) với vai trò một công cụ đầu tư mới nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư sinh lợi là chủ yếu.

Chỉ khi thị trường rơi vào giai đoạn suy giảm sâu và kéo dài do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, khủng hoảng nợ công châu Âu 2011, các sản phẩm phái sinh lại được “xới” lại nhiều hơn trong vai trò một công cụ phòng vệ rủi ro hiệu quả. Tuy nhiên, do khung pháp lý hiện hành (Luật Chứng khoán và nghị định hướng dẫn) chưa có quy định cụ thể nên việc giao dịch các chứng khoán phái sinh bị coi là trái các quy định của pháp luật.

Dù vậy, thực tiễn đã chứng minh một điều là nhu cầu giao dịch các chứng khoán phái sinh là có thực. Sau quá trình 12 năm hình thành và phát triển, bên cạnh các “sản phẩm truyền thống” như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ… đã đến lúc thị trường cần mở rộng thêm các sản phẩm mới, đa dạng hơn, hấp dẫn hơn như các chứng khoán phái sinh.

Theo tôi, mô hình tổ chức thị trường chứng khoán phái sinh nên được chuẩn hóa dưới hình thức giao dịch tập trung tại sở giao dịch chứng khoán. Theo lộ trình từ các sản phẩm cơ bản đến phức tạp và gắn liền với chức năng quản lý hiện tại của bộ quản lý chuyên ngành.

Theo đó, chứng khoán phái sinh được xây dựng trên nền tảng các công cụ gốc là chỉ số và chứng khoán cơ sở (cổ phiếu; trái phiếu). Lộ trình thiết kế và giao dịch sản phẩm như sau:

- Giai đoạn 1: Hợp đồng tương lai chỉ số;

- Giai đoạn 2: Hợp đồng quyền chọn chỉ số; hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ;

- Giai đoạn 3: Hợp đồng tương lai và quyền chọn dựa trên cổ phiếu;

- Giai đoạn 4: Hợp đồng tương lai và quyền chọn dựa trên lãi suất, hối đoái, vàng, hàng hóa.

Tóm lại, thực tiễn phát triển của thị trường chứng khoán phái sinh trên thế giới đã khẳng định rằng công cụ phái sinh là một sản phẩm tài chính tất yếu trong tiến trình phát triển của thị trường tài chính.

Với Việt Nam, một thị trường chứng khoán đang ở giai đoạn đầu phát triển với những biến động tương đối mạnh theo các thái cực nóng và lạnh thì nhu cầu sử dụng các chứng khoán phái sinh để phòng ngừa rủi ro trở thành một nhu cầu cấp thiết. Trải nghiệm qua hơn 10 năm với các loại chứng khoán cơ bản, cơ quan quản lý, thành viên thị trường cũng như nhà đầu tư có lẽ đều mong muốn một bước phát triển mới của thị trường ở các chứng khoán phái sinh”.

“Việt Nam đang rất cần thị trường chứng khoán phái sinh”

(Ông Bùi Nguyên Hoàn, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán)

“Sàn CBOT của Mỹ ra đời đã làm thay đổi căn bản bản chất thị trường kỳ hạn, vừa là công cụ bảo hộ giá, vừa là công cụ đầu cơ, phù hợp với mọi đối tượng đầu tư. Cơ chế hoạt động của CBOT trở thành quy tắc, chuẩn mực chung cho tất cả các thị trường phái sinh trên thế giới, kể cả các thị trường đã ra đời trước đó hàng trăm năm. Những thành công của CBOT có sức lan tỏa rất nhanh.

Đến cuối năm 2010, thế giới có trên 70 sở giao dịch hàng hóa, giao dịch mua bán thông qua hai loại công cụ: hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn. Sản phẩm giao dịch phổ biến là nông phẩm, năng lượng, hóa chất, kim loại, bao gồm cả vàng, bạch kim, kim cương, và các công cụ đầu tư tài chính.

Thị trường chứng khoán Việt Nam, đã qua hơn một thập kỷ hoạt động, chứng khoán niêm yết vẫn đang đơn điệu, chỉ là cổ phiếu phổ thông và một ít chứng chỉ quỹ đầu tư. Trái phiếu, cơ bản chưa có giao dịch thứ cấp trên thị trường tập trung. Hàng triệu người đầu tư Việt Nam đang đầu tư “chay”, chưa có công cụ bảo hiểm. Đầu cơ chỉ một chiều (giá lên), chưa có công cụ đầu cơ khi thị trường xuống giá.

Hơn bất cứ quốc gia nào khác trong khu vực, Việt Nam đang rất cần có một thị trường chứng khoán phái sinh, một định chế tài chính bậc cao, để bảo hộ giá hàng hóa xuất nhập khẩu, bảo hiểm đầu tư tài chính và là công cụ đầu cơ trong mọi khuynh hướng biến động của thị trường.

Theo tôi, không nên tổ chức một sàn giao dịch chỉ đơn độc giao dịch các công cụ phái sinh về cổ phiếu; không nên đưa hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn vào giao dịch chung với cổ phiếu, trái phiếu, vì tính chất hoàn toàn khác nhau; không nên đưa các công cụ phái sinh sáng tạo (như là chứng quyền) vào giao dịch, khi chưa giao dịch các công cụ phái sinh truyền thống có tính phổ biến (hợp đồng tương lai, quyền chọn).

Hiểu thấu đáo mục tiêu, cơ chế vận hành thế giới đã quy chuẩn hóa, để áp dụng một cách sáng tạo tai Việt Nam có lẽ là việc đầu tiên chúng ta nên làm”.

“Tất yếu trong một vài năm tới”

(TS. Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả - Bộ Tài chính)

“Tôi tán thành ý kiến cho rằng, việc xây dựng và đưa vào vận hành thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam vừa là một nhu cầu cấp thiết của cơ chế phòng ngừa rủi ro, vừa là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía cơ quan quản lý Nhà nước cũng như sự chuẩn bị sẵn sàng của các thành viên thị trường.

Việc xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam cần dựa trên cơ sở đánh giá nhu cầu của thị trường về các sản phẩm phái sinh, từ đó lựa chọn mô hình phù hợp cho thị trường phái sinh và cho phép những loại tài sản cơ sở, loại sản phẩm phái sinh nào được phát triển.

Việc hình thành thị trường chứng khoán phái sinh chậm do mô hình thị trường chưa hoàn thiện. Chẳng hạn, thị trường chứng khoán cần có tổ chức trung gian song hai sở giao dịch hiện tại chỉ được giao dịch chứng khoán mà không thể triển khai được sản phẩm phái sinh.

Trước mắt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể cho phép thành lập công ty trung gian cung cấp dịch vụ cho vay mượn chứng khoán để kinh doanh. Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần hoàn thiện các qui định liên quan tới nghiệp vụ margin đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư cũng như của công ty chứng khoán.

Tóm lại, thị trường phái sinh cần và có thể trở thành bộ phận tất yếu của thị trường tài chính Việt Nam trong một vài năm tới. Sự ra đời, phát triển của thị trường phái sinh khẳng định trình độ phát triển thị trường tài chính của nước ta. Đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc hình thành và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh ở Việt Nam là sự phối hợp giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước”.

Theo Duy Cường - Nhật Bình

phuongmai

VnEconomy

Từ Khóa:
Trở lên trên