MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vinaplast: Lãi ít, cổ đông nghi ngờ

Nếu so sánh với một số DN cùng ngành thì Vinaplast trả cổ tức 5% năm 2010 là thấp, trong khi Công ty có nhiều điều kiện thuận lợi và được sự hỗ trợ của Nhà nước.

Tại ĐHCĐ của CTCP Nhựa Việt Nam (Vinaplast) mới đây, việc công bố hiệu quả kinh doanh năm 2010 thấp (lợi nhuận 12,4 tỷ đồng/vốn điều lệ 198 tỷ đồng), không đạt kế hoạch đề ra trong điều kiện có nhiều thuận lợi khiến không ít cổ đông tham dự nghi ngờ có điều gì đó khuất tất.

Theo cổ đông là CTCP Nhựa Tân Phú, với lợi thế từ việc có nhiều đơn vị liên kết làm ăn hiệu quả; có vốn ODA từ năm 2010 trở về trước chưa cần phải trả gốc; đã lấy đủ tiền thuê 10 năm từ Tòa nhà Vinaplast tại 39A Ngô Quyền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), thì việc công bố lãi khiêm tốn ở đây của Vinaplast là đáng nghi ngờ. Cổ đông này cũng đặt câu hỏi, sao hoạt động không hiệu quả mà Công ty trả lương CBCNV cao (trên 10 triệu đồng/người/tháng)?

Còn theo cổ đông Võ Xuân Thanh, nếu so sánh với một số DN cùng ngành cũng như ngoài ngành, thì Vinaplast trả cổ tức 5% năm 2010 là thấp, trong khi Công ty có nhiều điều kiện thuận lợi và được sự hỗ trợ của Nhà nước. Cổ đông mong muốn trả cổ tức cao hơn lãi suất ngân hàng và đề nghị Công ty nghiên cứu điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả hơn.

Về những thắc mắc nêu trên, ông Nguyễn Khắc Long, Chủ tịch HĐQT Vinaplast khẳng định, kết quả kinh doanh năm 2010 của Công ty đã có công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán, nên cổ đông có thể yên tâm. Theo ông Long, bản thân Ban điều hành cũng không hài lòng về kết quả đạt được năm 2010, nhất là việc chia cổ tức. “Năm 2010, Công ty không đạt chỉ tiêu lợi nhuận, chỉ chia cổ tức 5% thay vì 10% như kế hoạch là do theo kế hoạch ban đầu, Công ty sẽ nhận lợi nhuận được chia từ công ty thành viên là Công ty TNHH TPC Vina khoảng 17 tỷ đồng, nhưng do công ty này lỗ nên không chia cổ tức”, ông Long nói.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc chuyển nhượng căn nhà số 92 - 94 Lý Tự Trọng, quận 1, TP. HCM (giá trị chuyển nhượng bao nhiêu và đã báo cáo cổ đông hay chưa), ông Long cho biết, đây là tài sản lớn, không thuộc vốn nhà nước (sau thời điểm tổ chức bán cổ phần lần đầu ra công chúng, Vinaplast mới vay ngân hàng để mua căn nhà này), nhưng do Vinaplast có 67% vốn nhà nước nên đã đề nghị Bộ Công thương cho phép bán để giảm áp lực về vốn, trả lãi vay ngân hàng và có được chênh lệch. Sau khi nhận được công văn chấp thuận, thực hiện Nghị quyết HĐQT, Công ty đã làm việc với công ty thẩm định giá.

Còn về nghi ngờ của cổ đông về việc năm 2007 Công ty có khoản tiền 916 triệu đồng để ngoài sổ sách, ông Long cho hay, số tiền trên đã có kết luận của Bộ Công an, kết luận này đã được gửi về Bộ Công thương và Bộ này cũng đã ra quyết định xử lý. “Nếu tôi tham nhũng thì cá nhân tôi không thể còn ngồi ở đây”, ông Long nói.

Có cổ đông thắc mắc khoản vay 49 triệu nhân dân tệ (khoảng 165 tỷ đồng) cách đây 6 năm (với lãi suất ODA 3,4%/năm, phải trả 5 tỷ đồng/năm), năm 2011 là hết thời gian ân hạn, Vinaplast phải trả cả gốc lẫn lãi, nhưng hiện nay có hơn 50% số thiết bị được đầu tư từ nguồn vốn này không hoạt động, vậy Công ty trả nợ bằng cách nào? Ông Long cho biết, Công ty đã bắt đầu trả nợ gốc khoản vay này trong năm nay, với nguồn trả nợ từ việc khai thác các dây chuyền thiết bị từ nguồn vốn ODA.

Theo Diệu Minh

ĐTCK

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên