MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vn-Index có thể bước vào chu kỳ sóng III sớm

Sóng (III) là sóng tăng chính của thị trường tăng giá, thời gian và tỉ suất lợi nhuận đạt tốt nhất trong 3 sóng chính. Nên việc chờ đợi sự xác nhận về điểm số giao dịch (vượt 580-583) sẽ vẫn mang lại hiệu quả cao với nhà đầu tư vào thị trường ở phiên xác nhận.

Lệnh bán gia tăng cuối phiên khiến nỗ lực tăng điểm của Index không thành. Tại sàn HOSE, VNM và MSN tăng nhẹ không kìm được đà giảm của Index khi các trụ khác như GAS, VCB, BID, CTG đóng cửa tại sắc đỏ. VN-Index gần như quay lại mốc giao dịch thấp nhất phiên hôm qua sau khi giảm -4,05 điểm (-0,7%). Diễn biến tại HNX tương tự và chốt phiên HNX-Index giảm -0,42%, về còn 80,23 điểm.

Thanh khoản của thị trường tăng +19%, với tổng giá trị đạt gần 3.245 tỷ đồng (chưa tính đến GTGD của sàn UPCOM). Từ đầu năm 2016, nhiều cổ phiếu tại sàn Upcom được giới đầu tư quan tâm, trước có SDI, sau là GEX, hiện tại có VEF, MSR, SWC. Điều này khiến cho thanh khoản của sàn UPCOM tăng vọt, với 688 tỷ đồng GTGD. Nhờ vậy UPCOM đã vượt thanh khoản HNX tại phiên ngày hôm nay, khi GTGD tại HNX chỉ đạt 575 tỷ đồng.

Khối ngoại bán ròng nhẹ -27,1 tỷ tại HOSE trong khi tiếp tục mua ròng +15 tỷ tại HNX. PVD bị bán ròng mạnh nhất -15,7 tỷ trong khi PVS tiếp tục được mua ròng +11 tỷ. Nhóm mua ròng khác có BVH (+11,1 tỷ), NT2 (+6,5 tỷ), DXG (+5,7 tỷ), nhóm bán ròng có DLG (-6,9 tỷ), HSG (-6,8 tỷ), HPG (-5,2 tỷ), GAS (-5,1 tỷ).

Trong khi thị trường giảm điểm cuối phiên, nhiều cổ phiếu vẫn giữ được đà tăng, kể đến có BMP, CTD, CSV, VCS, và nhiều mã UPCOM như SAS, SWC, VGG. Đặc biệt nhất khi VEF bất ngờ tăng trần khi gần chốt phiên.

Phân tích kỹ thuật của Vn-index trong giai đoạn vừa qua, đã có 27 phiên tăng giá tính từ đáy, và 13 phiên điều chỉnh. Quan sát theo chu kỳ của sóng Elliott, thì khả năng thị trường đã hoàn thành sóng (I) lớn với 5 sóng nhỏ, đang điều chỉnh trong sóng (II) và khả năng chuẩn bị bước vào xu hướng sóng (III) tăng chính.

Sóng (II) của VNIndex hiện đang được tích luỹ trong vùng 565-580. Về mặt lý thuyết, Sóng (II) có quyền điều chỉnh về vùng sâu nhất là 540 (Mốc thoái lùi 2/3 so với sóng (I)). Nhưng quan sát trên chu kỳ các chỉ báo về xung lực ngắn hạn, thì các chỉ số đang cho tín hiệu tăng điểm trở lại của thị trường, nên việc điều chỉnh về vùng 540 sẽ khó xảy ra trong nhịp ngắn hạn hiện tại.

Điểm xác nhận của sóng (III) khi chỉ số vượt qua mốc điều chỉnh 2/3 của sóng (II), nhưng theo quan sát thì sóng (II) đang điều chỉnh trong mẫu hình chữ nhật, nên điểm số để xác nhận thị trường vào Sóng (III) sẽ là vượt mốc 580-583. Điểm đích của Sóng (III) trong chu kỳ tăng giá lần này sẽ đạt mốc 630-635.

Quan sát trên chu kỳ tuần của VNindex các xung lực ngắn hạn đang yếu dần, điều này sẽ ảnh hưởng đến đường đi của Sóng (III) sẽ không phải là một sóng tăng mạnh liên tục, mà khả năng sẽ trở thành sóng mở rộng, và đi với chu kỳ thời gian lâu hơn có thể kéo dài từ 34 – 55 phiên (theo chỉ số tâm lý Fibonaci)

Sóng (III) là sóng tăng chính của thị trường tăng giá, thời gian và tỉ suất lợi nhuận đạt tốt nhất trong 3 sóng chính. Nên việc chờ đợi sự xác nhận về điểm số giao dịch (vượt 580-583) sẽ vẫn mang lại hiệu quả cao với nhà đầu tư vào thị trường ở phiên xác nhận.

Với những tín hiệu thị trường hiện tại, các nhà đầu tư trung hạn tiếp tục nên mua và nắm giữ cổ phiếu, với những nhà đầu tư ngắn hạn có thể đợi điểm số xác nhận để tham gia thị trường.

Xem ảnh to

Nguyễn Văn Dũng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên