MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VN30 vs HNX30: Nhà đầu tư vẫn mất tiền khi thị trường tăng

Tổng lợi nhuận sau thuế của 30 công ty trong nhóm Vn30 đạt hơn 37.600 tỷ đồng, gấp 12 lần so với tổng LNST của các công ty thuộc HNX30 (3.100 tỷ).

So sánh biến động giá 3 tháng đầu năm 2012 cho thấy, HNX-Index là chỉ số tăng kém nhất trong 4 chỉ số hiện có trên TTCK Việt nam, trong khi Vn-Index tăng 18,69% trong 3 tháng, Vn30-Index tăng 13,78% thì HNX-Index và HNX30-Index chỉ tăng nhẹ 5,54% và 5,88% trong quý I/2013.

Từ đầu năm âm lịch: HNX30-Index giảm hơn 13%, VN30-Index giảm gần 4%

Tuy nhiên nếu xét về độ biến động giá kể từ Tết âm lịch đến nay thì HNX30-Index giảm tới 13,55%, giảm mạnh nhất trong 4 chỉ số, trong khi VN-Index đã vượt đỉnh trong tháng 4, và trong 3 tháng đầu năm gần như không giảm nhiều thì HNX30-Index giảm tới 13,55% trong khi HNX-Index giảm 9%.

Rất nhiều chuyên gia đã mổ xẻ nguyên nhân dòng tiền không vào sàn Hà Nội mà chỉ tập trung vào các cổ phiếu trong Vn30 do dòng tiền tổ chức và của các quỹ ETF tập trung vào các cổ phiếu như GMD, HAG, HPG, MSN, …

Thực tế nhóm cổ phiếu penny sàn HoSE và các cổ phiếu trên sàn Hà Nội đã có mức tăng đáng kể từ tháng 12 đến tháng 2, một số mã tăng gấp đôi, gấp 3 như SCR, ITA nhưng kể từ sau ngày 21/2 khi tin đồn lãnh đạo BIDV bị bắt đã khiến lòng tin trên thị trường giảm sút và làm phân hóa mạnh cổ phiếu.

Từ thời điểm 21/2 dòng tiền đầu cơ chững lại và có xu hướng đừng ngoài quan sát, trong khi khối ngoại vẫn miệt mài đổ tiền vào bluechips (cụ thể là nhóm Vn30) đã khiến thị trường phân hóa mạnh như vậy.

Một số nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn đi theo lối mòn cũ - tìm cổ phiếu penny siêu lợi nhuận trong khi dòng tiền tổ chức chỉ tập trung vào cổ phiếu lớn đã khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào tình trạng nhìn thấy thị trường tăng ầm ầm nhưng danh mục của mình vẫn âm.

Anh Tuấn, một nhà đầu tư đã vò đầu bứt tai nói: “Nhìn thị trường tăng ầm ầm mà sốt hết cả ruột, trong khi VN-Index vượt 500 điểm thì hầu hết nhà đầu tư nhỏ lẻ lại bị lỗ trong tháng 3, khá nhiều cổ phiếu penny tôi mua đều giảm giá và đi ngang.”

Nếu nhìn vào biến động giá của các cổ phiếu trong rổ Vn30 và HNX30 mới thấy rõ sự phân hóa mạnh mẽ, tính trong quý 1, rổ Vn30 chỉ có 6 cổ phiếu giảm giá, trong đó duy nhất PNJ giảm trên 10% (-17,92%) thì trong rổ HNX30 có tới 14 cổ phiếu giảm giá (trong đó 3 mã giảm trên 10% là PVE, ICG và PV2).


Biến động giá các cổ phiếu Vn30

Tính riêng trong tháng 3, nhóm HNX30 chỉ có 4 mã tăng giá thì Vn30 có 13 mã tăng giá, thậm chí GMD trong tháng 3 tăng tới 31%.


Biến động giá các cổ phiếu HNX30

Kết quả kinh doanh: Tổng LNST của nhóm Vn30 gấp 12 lần nhóm HNX30

Theo kết quả kiểm toán năm 2012, tất cả các cổ phiếu thuộc Vn30 đều có lãi, trong đó 15/30 mã có KQKD tăng trưởng so với năm 2011, riêng GMD gấp 16 lần, CSM gấp 6 lần, SSI gấp 5 lần, CII và HSG đều gấp đôi lợi nhuận sau thuế năm 2011.

Tổng lợi nhuận sau thuế của 30 công ty trong nhóm Vn30 đạt hơn 37.600 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,93% so với năm 2011.


Lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán năm 2012 của các cổ phiếu thuộc VN30 và HNX30

Trong khi đó, trong nhóm HNX30 có 20 công ty có KQKD kém hơn so với năm 2011 trong đó có 4 công ty bị lỗ là PVX (lỗ hơn 1.300 tỷ), PVV (lỗ gần 48 tỷ), PVL (lỗ 26,3 tỷ) và DCS (lỗ 7 tỷ đồng).

Tổng lợi nhuận sau thuế của nhóm HNX30 đạt 3.100 tỷ đồng, giảm 59% năm 2012, như vậy LNST của nhóm Vn30 trong năm 2012 gấp 12 lần LNST của nhóm cổ phiếu thuộc HNX30.

Với kết quả kinh doanh khập khiễng như vậy, nhà đầu tư tổ chức vẫn thích chọn các cổ phiếu thuộc VN30 hơn là các cổ phiếu trong HNX30.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên