MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VNDirect sắp thoát khỏi "kiếp nạn" SDU?

Khoản đầu tư của VNDirect vào cổ phiếu SDU có lúc phải dự phòng tới trên 80% giá trị. Tuy nhiên, cổ phiếu này đang tăng rất mạnh trong thời gian gần đây.

Cuối quý 1/2015, danh mục đầu tư cổ phiếu của CTCK VNDirect vẫn còn nguyên 3.252.100 cổ phiếu SDU của CTCP Đầu tư và Xây dựng Sông Đà (chiếm 16,26% vốn điều lệ) với giá trị sổ sách hơn 108,8 tỷ đồng (tương đương mức giá 33.462 đồng/cp).  Đây là khoản đầu tư xuất hiện từ cuối năm 2010, dù đến cuối năm 2013 đã giảm xuống còn 2.037.700 đơn vị bằng cách chuyển nhượng hơn 1,2 triệu cổ phiếu cho Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán IPA.

Có thể thấy SDU là một khoản đầu tư không hiệu quả của VND. Giá cổ phiếu này liên tục giảm từ năm 2010 và gần như không có biến động đáng kể trong 3 năm nay. Đến cuối quý 1/2015, giá trị thị trường của gần 3,3 triệu cổ phiếu SDU chỉ còn 33,8 tỷ đồng (tương đương thị giá 10.400 đồng/cp).

Bên cạnh đó, cổ tức của doanh nghiệp này cũng mất hút từ năm cuối năm 2009 đến nay. Tại ĐHCĐ thường niên 2015, ông Hoàng Văn Anh – Chủ tịch HĐQT SDU chỉ có thể nói rằng SDU chưa thu xếp được nguồn tiền để trả cổ tức cho các năm trước.

Nhiều người đánh giá rằng đây là một “sai lầm” lớn của VND. Có lúc, giá SDU đã rơi xuống 4.000 đồng. Đến cuối năm 2013, VNDirect từng phải dự phòng giảm giá tới 80% giá trị của khoản đầu tư này.

 

Cổ phiếu SDU từng giảm từ 70.000 đồng xuống còn 4.000 đồng

Cổ phiếu SDU từng giảm từ 70.000 đồng xuống còn 4.000 đồng

 

nhưng đang tăng rấy mạnh trong thời gian gần đây
nhưng đang tăng rấy mạnh trong thời gian gần đây

 

Tuy nhiên vào ngày 01/06 , VNDirect đã đăng ký bán hết số cổ phiếu SDU trong khoảng thời gian từ ngày 03/06 – 01/07. Cùng với VND, ông Vũ Hiền - ủy viên HĐQT của SDU và cũng là thành viên HĐQT của VND đã đăng ký bán hết 970.000 cổ phiếu SDU mà ông Hiền đang nắm giữ. Không chỉ có vậy, trước đó, cổ đông lớn nhất của SDU là Tổng công ty Sông Đà cũng đăng ký bán toàn bộ 6 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ sở hữu 30%) nhằm tái cơ cấu các khoản đầu tư.

Bán hết cổ phiếu SDU, mối duyên của VND với SDU liệu có chấm dứt?

Lại nhìn lại cuộc họp ĐHCĐ 2015 của SDU được tổ chức vào ngày 19/05 vừa qua, hầu hết các tờ trình quan trọng đều không được thông qua với tỷ lệ không tán thành lên tới 42,2%. SDU là một doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông khá cô đặc với 2 cổ đông lớn nhất là Tổng công ty sông Đà nắm 30%, VND nắm 16,26%, ông Nguyễn Lưu Thụy và ông Vũ Hiền đều nắm 4,85%. Cùng với ban lãnh đạo công ty và người thân, số cổ phiếu trôi nổi chỉ khoảng 30%.

Do đó, tỷ lệ không tán thành 42,2% đối với các tờ trình quan trọng của HĐQT khiến người ta nhận ra những bất đồng giữa những cổ đông này.

SDU vốn có thanh khoản rất thấp, giá hầu như chỉ đi xuống hoặc đi ngang, thậm chí từ tháng 2 trở lại đây, cổ phiếu này gần như không có giao dịch. Tuy nhiên, từ ngày 22/05/2015 – 3 ngày trước khi Tổng Công ty Sông Đà công bố quyết định thoái toàn bộ vốn, cổ phiếu SDU bắt đầu có giao dịch trở lại với màu sắc chủ đạo là màu tím. Liên tục trong ngày 01/06 và 02/06, SDU có dư mua lớn, lần lượt là 2,7 triệu và 12 triệu đơn vị.

Dù vậy, việc lệnh mua giá tím tại SDU bị hủy liên tục sau khi “phô diễn” và thay vào đó là các lệnh bán giá trần, một mặt khiến cho cổ phiếu này vẫn khớp lệnh với khối lượng nhỏ, mặt khác cũng khiến cho nhà đầu tư không khỏi chú ý và nghi ngờ về một chiêu trò nào đó đang diễn ra tại đây.

Với khối lượng giao dịch rất nhỏ so với khối lượng mà cổ đông lớn, trong đó có VND đăng ký thoái vốn, có vẻ việc bán cổ phiếu theo hình thức khớp lệnh sẽ là khó khăn với các cổ đông này trừ khi tìm được một đối tác khác để chuyển nhượng.

Nếu vậy, mối duyên của VND với SDU có lẽ vẫn còn dài?

Dù sao, nếu giá cổ phiếu SDU tiếp tục tăng lên cho đến … 01/07, tức hết thời gian các cổ đông đăng ký thoái vốn và cũng là hết quý 2/2015 thì thị giá khoản đầu tư này của VNDirect sẽ tăng lên rất nhiều và công ty cũng sẽ được hoàn nhập dự phòng đáng kể.

Thanh Mao

Tài chính Plus

Trở lên trên