MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn hóa của Kinh Đô giảm 100 triệu USD từ khi công bố bán mảng bánh kẹo

Cổ phiếu KDC đã giảm một mạch 6 phiên với mức giảm 9.000 đồng (-14%) từ ngày 11/11 đến nay.


Ngày 11/11, Kinh Đô đã công bố việc bán lại 80% cổ phần của Kinh Đô Bình Dương – đơn vị nắm giữ các hoạt động kinh doanh bán kẹo của Kinh Đô – cho tập đoàn Mondelez với giá 370 triệu USD. Mức giá trên tương ứng với việc định giá Kinh Đô Bình Dương ở mức 463 triệu USD, tương đương 60% vốn hóa của Kinh Đô tại thời điểm đó, đạt 760 triệu USD.

Sau khi công bố thông tin trên thì cổ phiếu KDC đã có 6 phiên giảm liên tiếp từ đó đến nay, từ 63.500 đồng xuống 54.500 đồng. Vốn hóa thị trường của Kinh Đô qua đó giảm 2.300 tỷ (108 triệu USD), từ 16.200 tỷ xuống 13.900 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tính từ đầu năm 2014 đến nay thì cổ phiếu KDC vẫn tăng 33%.

Biến động giá cổ phiếu KDC trong 6 tháng

Mặc dù giảm liên tục nhưng lượng giao dịch KDC vẫn ở mức cao, đạt trên 100 tỷ đồng/phiên. Trong phiên ngày 18/11 đã có hơn 3 triệu cổ phiếu được khớp lệnh và 4,2 triệu cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị giao dịch đạt trên 400 tỷ đồng.

Tính đến 30/9/2014, Kinh Đô có hơn 2.700 tỷ đồng tiền mặt, tương đương 1/3 tổng tài sản và 700 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn trên một năm. Hồi tháng 5/2014, Kinh Đô đã thu về hơn 1.700 tỷ đồng từ việc chào bán 18,8% cổ phần cho nhóm nhà đầu tư chiến lược trong nước.

Với lượng tiền mặt dồi dào và cổ phiếu giảm liên tục trong những phiên gần đây, ngày 18/11, Hội đồng quản trị Kinh Đô đã quyết định mua lại 20 triệu cổ phiếu – tương đương 7,8% lượng cổ phiếu đang lưu hành – làm cổ phiếu quỹ. Tại mức giá hiện tại thì số tiền để mua cổ phiếu quỹ sẽ lên đến trên 1.000 tỷ đồng.

Thị giá hiện tại của KDC gấp 25,4 lần lợi nhuận sau thuế của 4 quý gần nhất (P/E 25,4 lần) – mức giá không hề rẻ so với mức bình quân 15 lần của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như so với một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng ở khu vực.

P/E của KDC sẽ giảm xuống khi công ty hạch toán lợi nhuận từ thương vụ bán cổ phần của Kinh Đô Bình Dương nhưng về lâu dài, vấn đề mấu chốt sẽ là tìm kiếm các nguồn lợi nhuận mới thay thế cho lợi nhuận giảm đi từ mảng bánh kẹo.

Sau khi hoàn tất thương vụ bán cổ phần cho Mondelez, Kinh Đô sẽ có trong tay hơn 10.000 tỷ đồng tiền mặt, con số đủ để phát triển những sản phẩm mới cũng như thực hiện những thương vụ M&A lớn. Với số tiền này thì chỉ đi gửi tiết kiệm công ty cũng có thể thu về ít nhất 700-800 tỷ đồng tiền lãi.

Trước mắt Kinh Đô có dự định nâng tỷ lệ sở hữu tại Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật – Vocarimex từ 24% lên 51%.

Kiến Khang

duchai

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên