MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VPBS: Cổ phiếu Việt Nam đang ở mức tốt so với các thị trường trong khu vực

"Cuối năm, P/E hợp lý ở mức 15,5 – 16,0 đồng nghĩa với VN-Index rơi vào khoảng 610 - 630 điểm với mức thu nhập doanh nghiệp hiện tại"

Công ty chứng khoán VPBS vừa công bố Báo cáo triển vọng thị trường tháng 10.

Theo các chuyên gia của công ty chứng khoán này, chỉ có 2 thông tin chính thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của các chỉ số trong tháng quý 3. Đó là (1) Lạm phát thấp hơn kỳ vọng và (2) Tổng công ty khí Việt Nam (GAS) – doanh nghiệp chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán đã ký thỏa thuận quan trọng với Exxon Mobil để phát triển mỏ khí ở thành phố Quảng Ngãi. Và sự điều chỉnh trong quý 3 cũng không do thông tin nào quan trọng mà đơn giản chỉ là yếu tố tâm lý của nhà đầu tư.

VPBS tính toán, nếu loại trừ GAS khỏi VN-Index thì trong 8 tháng qua, chỉ số tăng 19,9% và tăng hơn 20% kể từ vùng đáy giữa tháng 5. Như vậy, mức tăng khi loại trừ GAS dù không quá mạnh vẫn rất đáng kể, tức là các thành phần khác của thị trường ngoài GAS cũng đã tăng không ít.

Trước đó, trong báo cáo quý 2, các chuyên gia đã chỉ ra rằng trong thời gian dài kể từ năm 2002, VN-Index tăng trưởng với tốc độ trung bình gộp mỗi năm khoảng 7,7%. Kể từ năm 2012, chỉ số đã tăng với tốc độ nhanh hơn khoảng 23,4%/năm.

Bắt đầu từ quý 3/2014, VN-Index gần như nằm trên đường tăng trưởng dài hạn. Trong suốt quý, chỉ số tăng cao hơn mức tăng của chính nó trong dài hạn nhưng sau đó, có thể do sự trùng hợp, chỉ số này quay gần lại đường dài hạn và P/E giảm từ mức 16,2 lần xuống ngưỡng hợp lý hơn tại 14,8 lần.

“Trong một đến hai quý tới, chúng tôi tự tin nhận định rằng VN-Index có thể vượt qua ngưỡng hiện tại.” – các chuyên gia VPBS nêu.

Cơ sở của nhận định này là do lợi suất trái phiếu Chính phủ đã giảm đáng kể từ đầu năm nhờ lạm phát thấp hơn kỳ vọng và thiếu hụt công cụ đầu tư sinh lời cho ngân hàng. Theo phân tích của VPBS, có sự tương quan nghịch chiều rất cao (87%) giữa lợi suất trái phiếu chính phủ 5 năm và P/E của sàn HOSE.

Bên cạnh đó, thống kê dữ liệu định giá các thị trường, VPBS cho rằng giá cổ phiếu Việt Nam đang ở mức tốt so với các thị trường trong khu vực.

HSX trong đầu quý này ghi nhận mức P/E trung bình thấp hơn các sàn chứng khoán Bangkok, Jakarta hay Philipinnes. Báo cáo cho rằng sàn Bangkok và Philipinnes có P/E cao hơn HSX là hợp lý vì lãi suất phi rủi ro thấp hơn của Việt Nam còn Jakarta dường như được định giá quá cao.

Theo đó, HSX đang đi theo xu hướng chung của thị trường trong khu vực nhưng những thay đổi về lãi suất trái phiếu Chính phủ chỉ ra rằng thực tế HSX đang thể hiện tốt hơn các sàn trong khu vực. Lợi suất tại Việt Nam bắt đầu quý 3 thấp hơn Indonesia nhưng kết thúc quý ở mức gần với Thái Lan và Philipinnes trong khi chỉ số P/E cho đến nay vẫn ở mức thấp nhất trong nhóm này. Điều đó chỉ ra rằng chỉ số P/E Việt Nam sẽ tăng điểm.

“Trong thời điểm ngắn hạn cho đến quý tiếp theo, báo cáo lợi nhuận sẽ giữ vai trò ít quan trọng hơn so với các chỉ số kinh tế vĩ mô” - VPBS nhận định.

Theo đó mức lạm phát thấp và lợi nhuận trái phiếu ở mức thấp sẽ duy trì dòng tiền chảy vào thị trường cổ phiếu và giữ P/E ở mức cao. Báo cáo kết luận, cuối năm, P/E hợp lý ở mức 15,5 – 16,0 đồng nghĩa với VN-Index rơi vào khoảng 610 - 630 điểm với mức thu nhập doanh nghiệp hiện tại.

Mặc dù vậy, do P/E là thước đo về kỳ vọng của nhà đầu tư với tăng trưởng lợi nhuận, nên lợi nhuận cũng gây ảnh hưởng. VPBS nhận xét, nếu áp dụng đúng nguyên tắc thì diễn biến thị trường hiện tại không mấy khả quan vì tăng trưởng lợi nhuận khá thấp.

“Nếu tăng trưởng lợi nhuận không được cải thiện, mức lãi suất thấp cũng không đủ để duy trì chỉ số P/E”.

Mai Linh

trangminh

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên