MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ lùm xùm về tài chính tại CTCK Kenanga: Còn nhiều sai phạm chưa khắc phục

Theo đánh giá của CTCK Kenanga Việt Nam (KVS) chỉ riêng thiệt hại tài chính do vi phạm của nguyên TGĐ Nguyễn Việt Hải cùng các đối tượng khác gây ra cho Cty lên tới hơn 4 tỉ đồng.

Kết quả vụ lùm xùm tại KVS xung quanh việc ông Cao Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT tố cáo nguyên TGĐ KVS Nguyễn Việt Hải và trợ lý HĐQT Nguyễn Thị Thanh Hằng lợi dụng chức vụ, ký khống hợp đồng chiếm đoạt tiền Cty đã có kết luận bước đầu.

Nguyên TGĐ thừa nhận sai phạm

Tại cơ quan cảnh sát điều tra - CA TP.Hà Nội, Nguyễn Việt Hải đã thừa nhận cùng các đối tượng liên quan ký khống 3 hợp đồng, không số, không ngày tháng năm với Cty TNHH TMDV&DTPT Tùng Anh về mua sắm, bảo trì và thuê máy photocopy để rút tiền của công ty. Số tiền các đối tượng rút ruột Cty bằng 3 hợp đồng là hơn 333,8 triệu đồng. Ngày 7.5.2013, ông Nguyễn Việt Hải đã nộp số tiền 333,8 triệu đồng cho cơ quan điều tra để trả lại cho Cty KVS.

Tuy nhiên, đến ngày 11.6, KVS tiếp tục gửi công văn tới cơ quan cảnh sát điều tra về việc kiểm soát nội bộ của Cty phát hiện thêm sai phạm khác của đối tượng Nguyễn Việt Hải và các đồng phạm thông qua hợp đồng ký khống khác. Hợp đồng có giá trị 247,5 triệu đồng được Hải ký với Cty TNHH TM&DV Quỳnh Nhi, cung cấp dịch vụ cho thuê ôtô 7 chỗ trong vòng 9 tháng cho KVS.

Ngoài ra, KVS còn phát hiện thêm dấu hiệu cho thấy ông Nguyễn Việt Hải và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng có khuất tất liên quan đến khoản tiền không nhỏ của Cty. Theo KVS, Hải và Hằng đã câu kết nâng giá trị tài sản của CTCP Công nghiệp thương mại và dịch vụ y tế Phúc Thái để lấy khoản tiền chi ngoài 1,74 tỉ đồng thông qua việc cấp 7 tỉ đồng vốn cho Phúc Thái. Khoản tiền này hiện KVS khó thu hồi được do Phúc Thái không còn khả năng thanh toán.

Thêm vào đó, Nguyễn Việt Hải còn ủy quyền cho Nguyễn Thị Thanh Hằng nhận 1,69 tỉ đồng từ Tổng Cty BĐS Đông Á rồi chuyển về tài khoản cá nhân để chiếm đoạt. Tuy nhiên các cá nhân đã viện nhiều lý do không bàn giao tài sản đảm bảo cho KVS để làm cơ sở pháp lý thu hồi khoản đầu tư 25 tỉ của KVS cho Đông Á.

Như vậy theo KVS, tổng số tiền mà các cá nhân đã chiếm đoạt của Cty thông qua hành vi gian lận, lập khống hợp đồng, thông đồng với đối tác lên tới 4,021 tỉ đồng và đối tượng mới khắc phục được 333 triệu đồng.

Vì vậy trong công văn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ- CA Hà Nội, KVS đề nghị khởi tố hình sự với ông Nguyễn Việt Hải và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng.

Của đau con xót và câu chuyện quản lý nặng chữ tình

Việc đề nghị khởi tố hình sự với ông Nguyễn Việt Hải và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng được ông Cao Văn Sơn - Chủ tịch HĐQT KVS đánh giá là “không mong muốn”.

Qua chia sẻ, ông Sơn cho biết, quen biết gia đình Nguyễn Việt Hải từ trước nên khi biết Hải làm việc trong ngành CK nên ông Sơn đã mời về KVS làm việc. Thời gian đầu để Nguyễn Việt Hải làm Tổng Giám đốc KVS thì ông Sơn đã phải đấu tranh rất quyết liệt với đối tác Malaysia. Thậm chí khi đối tác bán 34% cổ phần với điều kiện thanh toán trong vòng 1 ngày, ông Sơn đã phải vay nóng lãi cao 9%/tháng để sở hữu. Sau đó, vì tin tưởng, ông Sơn đã giao hơn 1,4 triệu CP KVS, tương đương 11,02% cổ phần cho ông Hải nắm giữ.

Khi những khuất tất tài chính bị phanh phui, ông Hải đã chủ động trả lại 333,8 triệu đồng. Tuy nhiên ông Sơn cho rằng ông Hải đã gây khó cho KVS khi “đạo diễn cho đối tác Malaysia và đối tác hợp tác không trả tiền Cty”.

Điều ông Sơn lo ngại nếu những việc làm giúp đối tác Malaysia thành công thì khả năng phía Việt Nam sẽ chịu thiệt hại rất lớn, ít nhất là 20 tỉ đồng. Chua xót trao đổi với PV Lao Động, ông Sơn nói: “Đây là bài học đắt giá cho những người làm quản lý vì bỏ qua nguyên tắc, quy định mà để tình cảm cá nhân xen vào, dẫn tới bị lạm dụng, gây hậu quả đáng tiếc”.

Ông Sơn cho biết, sẽ theo đuổi vụ việc đến cùng và phía cơ quan điều tra cũng cho biết đang tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ các sai phạm của đối tượng để xử lý theo quy định pháp luật.

Theo Lê Tuấn

thanhhuong

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên