Xu thế dòng tiền: Khối ngoại sẽ bán ròng tới lúc nào?
Dòng vốn ngoại vẫn sẽ chảy ra kể cả khi các ETF kết thúc giao dịch...
- 07-12-2015Xu thế dòng tiền: Vẫn giảm chưa đủ?
- 30-11-2015Xu thế dòng tiền: Đà sụt giảm rõ ràng?
- 22-11-2015Xu thế dòng tiền: Dòng tiền chuyển hướng
Mặc dù thị trường sụt giảm mạnh vào ngày cuối tuần nhưng các chuyên gia vẫn nhìn nhận với quan điểm không quá bi quan.
Hầu hết các chuyên gia phỏng vấn đều thận trọng trước xu thế ngắn hạn và biến động mạnh trong ngày giao dịch cuối cùng của các quỹ ETF không làm thay đổi các quan điểm này. Quan điểm tích cực vẫn nghiêng về khả năng nhiều cổ phiếu sau giai đoạn giảm mạnh sẽ bước vào giai đoạn đi ngang tạo đáy, hoặc xuất hiện các cơ hội chọn lọc.
Quan điểm thận trọng vẫn cho rằng thị trường cần một sự “giải thoát” đúng nghĩa để kích thích động lực tăng trưởng thật sự, thay vì dùng dằng yếu ớt như hiện tại.
Đối với động thái bán ròng liên tục của nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia cho rằng dòng vốn này vẫn sẽ chảy ra kể cả khi các ETF kết thúc giao dịch. Góc nhìn hẹp cho rằng sức ép điều chỉnh tỷ giá có thể đã khiến khối ngoại có hành động sớm, liên tục bán ròng. Góc nhìn rộng hơn cho rằng đó là vấn đề lớn của sự điều chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu, cũng như việc cơ cấu danh mục.
Với sự thận trọng vẫn còn, chỉ duy nhất một chuyên gia thực hiện giải ngân trong ngày cuối tuần và tỷ trọng nắm giữ cao nhất là 70%. Các giao dịch khác không làm thay đổi tỷ trọng phân bổ vốn, hoặc hoàn toàn không thực hiện giao dịch trong tuần qua.
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
Nếu không có phiên sụt mạnh vào ngày cuối tuần chủ yếu do ETFs giao dịch thì thị trường đã có sự khởi sắc nhất định. VN-Index đã bị bẻ gãy tại ngưỡng 577 điểm, nhưng nếu bỏ qua phiên cuối tuần, anh chị đánh giá sức mạnh thị trường thế nào?
Bà Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Nếu như loại bỏ lực bán ra từ khối ngoại, theo tôi cung toàn thị trường đã giảm bớt, các cổ phiếu nhìn chung biến động không lớn.
Dù rằng sức mạnh dòng tiền chưa có chuyển biến rõ rệt, tôi vẫn bảo lưu quan điểm tuần trước, cho rằng nhiều nhóm mã sau giai đoạn giảm điểm mạnh sẽ bước vào giai đoạn đi ngang tạo đáy.
Ông Lê Đức Khánh
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Nếu bỏ qua phiên giao dịch cuối tuần thì thị trường nói chung vẫn trong giai đoạn giao dịch thiếu ấn tượng và thiếu dòng tiền.
Bên cạnh những thông tin vĩ mô bất lợi như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất hoặc là câu chuyện điều chỉnh tỷ giá thì việc khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng sẽ vẫn tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư cũng như dòng tiền tham gia vào thị trường.
Thị trường hiện tại tôi đánh giá vẫn đang trong diễn biến điều chỉnh là chủ đạo, mặc dù vậy thì một số mã cổ phiếu vẫn có lực cầu ấn tượng - cơ hội cho nhà đầu tư kinh nghiệm vẫn hiện hữu.
Ông Phạm Thiên Quang
Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Có hay không có phiên cuối tuần cũng không thay đổi đánh giá của tôi về thị trường tại thời điểm này.
Thị trường cần một sự giải thoát đúng nghĩa (ví dụ những phiên wash-out) trước khi có thể lấy lại động lực tăng trở lại, bằng không thị trường vẫn sẽ cứ dằng co yếu ớt, và tình trạng này sẽ còn kéo dài, trong bối cảnh mức độ margin vẫn còn cao, trong khi đó thị trường chứng khoán toàn cầu không thuận lợi, rủi ro vẫn cao, và nước ngoài liên tục bán ròng.
Ông Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Nếu bỏ qua giao dịch của các quỹ ETFs trong phiên cuối tuần thì sức mạnh thị trường được đánh giá tương đối tốt với những nỗ lực hồi phục khá tích cực của các cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Chỉ số có thể đã đóng cửa trên ngưỡng kháng cự quan trọng 578 điểm, qua đó mở ra cơ hội quay trở lại xu hướng tăng điểm trong ngắn hạn.
Tuy vậy, tôi cho rằng sẽ có phản ứng “hồi lại” ở những cổ phiếu bluechips bị các quỹ ETFs bán mạnh trong tuần qua như VIC, PVD, BVH… trong phiên kế tiếp. Điều này có thể sẽ giúp chỉ số có diễn biến tích cực trong những phiên đầu tuần tới, đồng thời sẽ giúp chúng ta quan sát được những tín hiệu rõ ràng hơn về xu hướng của chỉ số trong thời gian tới.
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
Câu chuyện FED tăng lãi suất dĩ nhiên là sự kiện nổi bật tuần này, nhưng phân tích thiệt hơn đã khá nhiều. Vấn đề có lẽ nằm ở việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh từ trước sự kiện ETF. Có quan điểm cho rằng nhà đầu tư nước ngoài bán ra để chờ đợi một động thái nâng tỷ giá trong nước. Điều đó có nghĩa là chừng nào tỷ giá chưa điều chỉnh, khối ngoại sẽ còn bán tiếp. Anh chị bình luận như thế nào?
Ông Phạm Thiên Quang
Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Vấn đề áp lực tỷ giá chắc chắn luôn là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến động thái của khối ngoại.
Tuy nhiên bối cảnh lúc này, ngoài vấn đề tỷ giá, thị trường chứng khoán toàn cầu rủi ro cao, dòng vốn rẻ bị thu hẹp dần và xu hướng dòng tiền rút ròng khỏi các thị trường mới nổi và thị trường biên vẫn chưa dừng lại, thì xu hướng bán ròng của khối ngoại tại thị trường Việt nam có lẽ vẫn sẽ tiếp diễn, không chỉ vì vấn đề tỷ giá.
Ông Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi cho rằng chuỗi phiên bán ròng liên tiếp với giá trị lớn của khối ngoại trong hai tuần trở lại đây một phần do yếu tố khách quan là lo ngại việc FED tăng lãi suất nhưng cũng có một phần nguyên nhân chủ quan xuất phát từ vấn đề tỷ giá USD/VND.
Tỷ giá mua vào-bán ra tại các ngân hàng thương mại không còn chênh lệch và đều niêm yết ở mức giá trần cho thấy mức độ căng thẳng hiện nay của thị trường ngoại hối.
Tôi cho rằng hiện có nhiều yếu tố cùng cộng hưởng khiến tỷ giá leo thang: đồng USD mạnh lên trên thị trường thế giới, nhu cầu ngoại tệ cao vào thời điểm cuối năm, diễn biến giảm giá của đồng Nhân dân tệ... Sức ép điều chỉnh tỷ giá có thể đã khiến khối ngoại có hành động sớm, liên tục bán ròng cổ phiếu và trái phiếu hai tuần gần đây.
Do vậy, tôi đồng ý với quan điểm cho rằng chừng nào sức ép tỷ giá chưa được cởi bỏ, nhiều khả năng động thái bán ròng của khối ngoại sẽ chưa chấm dứt.
Ông Lê Đức Khánh
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Nếu chúng ta quan sát kỹ diễn biến thị trường trong vài năm trở lại đây thì không thể phủ nhận rằng mỗi năm sẽ có một vài nhóm cổ phiếu gây đột biến khi tăng giá mạnh. Nếu năm nay đó là năm của dòng cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ, ôtô…thì năm sau sẽ lại là những nhóm cổ phiếu cảng biển, logistic, vật liệu xây dựng…chẳng hạn.
Như vậy, ngoài trừ câu chuyện về nền kinh tế Mỹ đang hồi phục, câu chuyện FED tăng lãi suất và rồi về việc điều chỉnh tỷ giá đã tác động phần nào đến dòng vốn ngoại – nhìn xa hơn chút đó là việc khối ngoại cũng sẽ cơ cấu mạnh danh mục, rút vốn khỏi những cổ phiếu hay nhóm ngành kém tiềm năng chưa kể một số lý do khác như chiến lược đầu tư theo khu vực cũng như chiến lược phân bổ tài sản của từng quỹ.
Như vậy với những lý do kể trên thì khả năng cao là khối ngoại có thể tiếp tục bán ròng và giao dịch trầm lắng ít nhất là hết quý I/2016.
Bà Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Tôi cho rằng quyết định phá giá đồng VND, nếu có, sẽ do nhiều yếu tố, chứ không hẳn là do FED tăng lãi suất.
Khối ngoại bán ròng cũng đã bán rồi, sự lo ngại của họ vì lý do gì đi chăng nữa cũng đã phản ánh vào giá. Việc bán ròng có thể tiếp tục, nhưng rõ ràng áp lực bán đã giảm bớt và áp lực tâm lý trước việc FED tăng lãi suất cũng đã được giải tỏa. Ma sát thị trường giảm, nếu có 1 cú huých sẽ đi lên rất dễ dàng.
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
Phản ứng đầu tiên của Ngân hàng nhà nước sau việc FED nâng lãi suất lại là giảm lãi suất tiền gửi USD về 0% đối với cá nhân. Thực tế thì việc giữ USD phần nhiều mang tính phòng thủ tài sản trước nguy cơ giảm giá VND hơn là ăn lãi suất. Theo anh chị, ngoài câu chuyện giảm đô la hóa thì quyết định này có ảnh hưởng đến huy động ngoại tệ của các ngân hàng hay không, khi mà mức huy động ngoại tệ qua kênh tiết kiệm là khá lớn, kể cả dòng vốn “carry-trade”?
Ông Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tuần qua, Ngân hàng nhà nước đã ra quyết định hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức và cá nhân tại các tổ chức tín dụng xuống mức 0% nhằm giảm tình trạng đầu cơ và nắm giữ USD trong nền kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc từ nay trở đi, các ngân hàng sẽ chỉ đóng vai trò giữ hộ ngoại tệ và người gửi tiền không thu thêm được bất cứ lợi ích gì khi nắm giữ USD ngoại trừ kỳ vọng tỷ giá tăng.
Với bước đi này, Ngân hàng nhà nước muốn giảm tối đa động cơ nắm giữ ngoại tệ của người dân.
Tuy nhiên, tôi cho rằng hiệu quả thực tế của biện pháp này trên thực tế có thể sẽ không lớn do biên độ giảm lãi suất khá mỏng, không đủ mạnh để thay đổi mục đích nắm giữ của người có ngoại tệ.
Ở một góc độ khác, biện pháp này thậm chí còn có thể làm giảm sức hấp dẫn trong việc thu hút nguồn kiều hối của Việt Nam khi sức hấp dẫn của tiền gửi ngoại tệ không còn.
Ông Lê Đức Khánh
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Theo tôi việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi USD về 0% đối với cá nhân đã phần nào sẽ giảm tỷ lệ đô la hóa trong dân chúng và cũng sẽ tác động tốt đến việc huy động ngoại tệ của các ngân hàng.
Từ trước đến nay nhà đầu tư cũng không coi nắm giữ đô la là kênh đầu tư ngoại trừ các doanh nghiệp có các hoạt động xuất nhập khẩu và thanh toán bằng đôla.
Ông Phạm Thiên Quang
Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Đây là quyết định hợp lý mang tính thị trường của Ngân hàng nhà nước và chắc chắn ảnh hưởng đến quyết định găm giữ USD của người dân.
Nhà đầu tư đang nắm giữ USD sẽ phải cân nhắc giữa việc nắm giữ USD để hưởng lãi chênh lệch tỷ giá và lãi suất tiền gửi VND, và mức lãi này đang được Nhà nước tính toán nghiêng về phía nắm giữ VND.
Động thái này cho thấy Ngân hàng nhà nước tiếp tục ưu tiên chống đô la hóa. Trên thực tế, lượng tiền gửi ngoại tệ đã giảm hơn 10% kể từ cuối tháng 8 trở lại đây. Tuy nhiên rủi ro trong tương lai là với lãi suất 0%, lượng kiều hối chảy về nước có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Bà Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Tôi cho rằng nếu việc giữ USD phần lớn mang tính bảo vệ tài sản trước nguy cơ giảm giá đồng nội tệ hơn là ăn lãi suất thì việc giảm lãi suất USD về 0% sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến huy động ngoại tệ của các ngân hàng.
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
Anh chị đánh giá thế nào về dòng vốn đối ứng của các giao dịch ETFs trong ngày cuối tuần? Anh chị có tham gia mua hay không, mức phân bổ hiện tại là bao nhiêu?
Ông Lê Đức Khánh
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Các lệnh mua bán đối ứng của các quý ETFs cuối tuần qua phải thừa nhận lực bán ra vẫn là áp đảo và tất nhiên chỉ ảnh hưởng đến giá của các cổ phiếu có liên quan trong ngắn hạn. Tôi vẫn không thực hiện giao dịch gì trong tuần qua và vẫn giữ nguyên tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt là 40%/60%.
Ông Phạm Thiên Quang
Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Tôi tiếp tục đứng ngoài, chờ đợi cơ hội.
Bà Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Như dự định đã chia sẻ tuần trước, tôi tiến hành giải ngân trong tuần này, nâng mức cổ phiếu nắm giữ lên 70%.
Ông Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Trong tuần qua, tôi có thực hiện giải ngân với tỷ trọng thấp vào một vài cổ phiếu blue-chip bị giảm mạnh do áp lực bán của các quỹ ETFs. Tuy nhiên, tỉ trọng danh mục tổng của tôi vẫn được giữ ở mức cân bằng 50% cổ phiếu (trong đó, phần danh mục trung hạn là 30%).
VnEconomy